Truyền hình thực tế, "cứu tinh" mới của dòng nhạc dân gian

10/10/2014 14:36
Quốc Khánh
(GDVN) - Sự kết hợp ấy cũng là một trong những hướng đi mới để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một trong cuộc sống hiện đại.
Khi những chiêu trò gây sốc trở nên nhàm chán thì nhạc truyền thống trở thành “cứu tinh” giúp các show truyền hình thực tế hút khách. Đồng thời, các show truyền hình thực tế cũng mở ra hướng mới cho sự bảo tồn và phát triển dòng nhạc dân ca trong cuộc sống xô bồ hiện nay.
Truyền hình thực tế: Cơ hội cho nhạc truyền thống

Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều thí sinh sử dụng dòng nhạc dân gian, dân ca nhạc cổ thu hút được sự chú ý của khán giả xem truyền hình. Từ một món ăn lạ, lạc lõng giữa không gian hiện đại của các fomat nước ngoài, dân ca nhạc cổ đang dần trở thành cứu cánh cho các cuộc thi ca nhạc trên sóng truyền hình.

Tiết mục hát xẩm gây sốt của Hoài Lâm tại Gương mặt thân quen 2014

Gương mặt thân quen 2014 gây chú ý với tiết mục “hoá thân” thành nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu của Hoài Lâm. Tiết mục này giúp Hoài Lâm lấy được cảm tình, sự yêu mến của khán giả xem truyền hình. Đồng thời, nó cũng giúp khán giả (đặc biệt là khán giả trẻ) tiếp cận nhiều hơn với thể loại hát xẩm. 

Cô bé dân ca Phương Mỹ Chi trở thành hiện tượng mới của làng nhạc Việt khi trung thành với dòng nhạc dân gian suốt quá trình tham gia Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên. Đến thời điểm này (sau 2 năm rời The Voice Kids), cái tên Phương Mỹ Chi vẫn khá hot với dòng nhạc trữ tình dân gian đậm chất truyền thống.
Quán quân The Voice Kids 2014 Thiện Nhân với Cô đôi thượng ngàn
Quán quân The Voice Kids 2014 Thiện Nhân với Cô đôi thượng ngàn
Mới đây nhất, tiết mục Cô đôi thượng ngàn của quán quân The Voice Kids mùa thứ 2 Thiện Nhân đã “gây bão” trên cộng đồng mạng. Tiết mục này cũng giúp cho các khán giả trẻ biết đến nhiều hơn tới chầu văn nói riêng, nhạc cổ truyền nói chung.
Tiết mục của Hoài Lâm giúp nhiều người biết đến xẩm và yêu xẩm hơn
Tiết mục của Hoài Lâm giúp nhiều người biết đến xẩm và yêu xẩm hơn
Từ những hiện tượng đơn lẻ, những người theo đuổi dòng nhạc dân gian tham dự các cuộc thi âm nhạc đang trở thành một trào lưu phổ biến. Nó đem đến cho các show truyền hình thực tế một màu áo mới. Giúp cho các cuộc thi như Giọng hát Việt nhí, Nhân tố bí ẩn, Gương mặt thân quen… có một sức hấp dẫn riêng sau những ồn ào, những scandal phía hậu trường.
Đồng thời, sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả với các tiết mục xẩm Thập ân phụ mẫu của Hoài Lâm, Cô đôi thượng ngàn của Thiện Nhân… cho thấy dòng nhạc dân gian vẫn có một sức sống lâu bền trong lòng khán giả. Đây là tín hiệu đáng mừng, mở ra cơ hội để dòng nhạc dân gian, dân ca nhạc cổ ngày càng phổ biến hơn trong sự xô bồ, hỗn loạn của các thể loại âm nhạc “nhập ngoại”.
Hướng mới để phát triển nhạc dân gian
Sự thành công của Phương Mỹ Chi mở màn cho trào lưu hát dân ca trong các show truyền hình thực tế
Sự thành công của Phương Mỹ Chi mở màn cho trào lưu hát dân ca trong các show truyền hình thực tế

Sức nóng mà các tiết mục trên tạo ra cho thấy, khán giả Việt không hề quay lưng với nhạc dân ca. Có điều, họ chưa có nhiều điều kiện, chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận dòng nhạc dân ca vốn được cho là khó nghe như xẩm, chầu văn hay hát chèo, cải lương… Rõ ràng, khán giả vẫn luôn đón nhận dòng nhạc dân gian. Nhưng làm thế nào để các thể loại âm nhạc truyền thống ấy trở nên phổ biến hơn lại là điều không đơn giản.

Các show truyền hình thực tế có thể đánh thức cảm xúc của khán giả với dòng nhạc dân gian. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển cảm xúc ấy lại đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả chúng ta.

Trong thực tế, các thể loại âm nhạc như xẩm, chầu văn… không có nhiều sáng tác mới (nếu không muốn nói là không có). Nó khiến cho các ca khúc của dòng nhạc này khá lạc lõng với nhịp sống hiện đại. Đây là điểm hạn chế nhất khiến cho dòng nhạc này khó tiếp cận với lớp khán giả trẻ tuổi.

Cô đôi thượng ngàn trình bày Thiện Nhân
Thực tế cho thấy chỉ những ca khúc, những tiết mục được lựa chọn biểu diễn trong các cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình mới tạo được sự chú ý của khán giả. Tuy nhiên, nó cũng nhanh chóng bị chìm lấp trước sự phát triển như vũ bão của nhạc trẻ. 
Nên chăng, chúng ta cần xây dựng một cuộc thi âm nhạc truyền thống với quy mô toàn quốc để các ca sỹ, nghệ nhân có cơ hội thi thố tài năng của mình trên sóng truyền hình. Thông qua các cuộc thi đó, khán giả sẽ biết và hiểu biết nhiều hơn về thể loại âm nhạc dân gian Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của dòng nhạc dân gian trong thị trường âm nhạc trong nước.
Sự kết hợp giữa tính hiện đại của fomat các cuộc thi âm nhạc ngoại quốc và nét truyền thống, cổ kính của dòng nhạc dân gian sẽ tạo ra một sức hút riêng thu hút khán giả xem truyền hình. Sự kết hợp ấy cũng là một trong những hướng đi mới để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một trong sự xô bồ của nhịp sống hiện đại.
Quốc Khánh