Từ đó đến nay, câu hát Xoan càng có dịp hồi sinh, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, hội hè trên vùng đất Tổ linh thiêng.
Mỗi khi có dịp về vùng đất này, ai nấy đều muốn được nghe câu hát Xoan. Song mấy ai biết rằng hát Xoan được phát tích từ đâu và có từ bao giờ?
Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi men theo con đường nhỏ rợp bóng cây xanh từ cổng chính Đền Hùng khoảng 2km là đến miếu Lãi Lèn thuộc xã Kim Đức, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, thấy rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghe trình diễn hát Xoan.
Tìm hiểu chúng tôi được biết đó là đoàn công tác của thành phố Caen, Cộng hòa Pháp do ông Joel Bruneau, Thị trưởng thành phố làm trưởng đoàn.
Qua các phương tiện truyền thông, đoàn cán bộ của thành phố Caen đã biết đến hát Xoan.
Do vậy, trong lịch trình đến Việt Nam thăm và làm việc lần này, đoàn đã có chuyến hành hương tìm hiểu sâu về câu hát cổ có từ hàng nghìn năm nay của người dân đất Tổ.
Đoàn cán bộ thành phố Caen, Cộng hòa Pháp tham gia hát Xoan cùng các nghệ nhân tại miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức. Ảnh: Qdnd.vn |
Miếu Lãi Lèn là ngôi miếu cổ nằm ở trung tâm làng Phù Đức, xã Kim Đức.
Miếu ngự trên thế đất có hình đầu phượng cúi xuống nước hồ sen ở hướng nam, lưng tựa vào đồi có nhiều cây xanh.
Tương truyền rằng trong dịp vua Hùng đi chọn đất đóng đô đã nghỉ dừng chân tại đây và chứng kiến các cháu nhỏ chăn trâu cắt cỏ hát múa, đó chính là làn điệu hát Xoan nên vua Hùng rất ưa thích.
Kể từ đó, câu hát Xoan được lan truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, người Văn Lang đã tổ chức các cuộc hát Xoan để đón chào năm mới, hát nghi lễ hội làng (cửa đình), cầu mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe, hát giao duyên trên cánh đồng, bờ ruộng, đường làng...
Trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng, kết hợp với nhau, dùng điệu múa để minh họa cho lời ca; hát, ngâm, có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp; nam đố nữ giảng...
Về sắc thái âm nhạc vừa có giọng trang nghiêm, thong thả, vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng mềm mại trữ tình.
Hát Xoan có 31 bài, trong đó có 14 bài quả cách là nghi lễ hát thờ vua, 5 bài hát nhập tịch (mời vua về ngự tại đình), 12 bài hát hội giao lưu.
Trang phục khi hát Xoan nữ mặc áo tứ thân màu ghi, khăn mỏ quạ màu đen; nam giới quần trắng áo the, khăn xếp.
Điệu hát Xoan trầm bổng đã nuôi dưỡng, làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của người dân lao động, tuy dân dã nhưng có sức sống mãnh liệt trường tồn trong cộng đồng dân cư.
Nghệ nhân Ưu tú Lê Xuân Hội, Phó chùm phường Xoan Phù Đức, phụ trách trông coi miếu Lãi Lèn cho biết, tỉnh Phú Thọ có 4 phường Xoan gốc thì xã Kim Đức có đến 3 phường: Phù Đức, Xoan Thét, Kim Đái.
Và chính miếu Lãi Lèn là nơi phát tích hát Xoan từ thời Hùng Vương.
Từ ngôi miếu nhỏ, nay được cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng trở thành thắng cảnh, di tích văn hóa tâm linh trên diện tích rộng hơn 3.000m2.
Ông Lê Xuân Hội chia sẻ: “Từ khi hát Xoan Phú Thọ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, miếu Lãi Lèn đã đón tiếp rất đông du khách thập phương trong và ngoài nước, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu, nghe trình diễn hát Xoan.
Có ngày đón hàng nghìn học sinh của các trường đại học, không chỉ trong dịp diễn ra lễ hội Đền Hùng mà hầu như quanh năm, nhưng thường đông hơn là vào mùa thu và mùa xuân”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Thái, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Kim Đức, TP Việt Trì, cho biết:
"Xã có 3 phường Xoan gốc với khoảng 600 hội viên tham gia, trong đó có 45 người đã được vinh danh nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân hát Xoan.
Mặc dù chưa có chế độ, tiêu chuẩn nhưng các nghệ nhân, hội viên ở địa phương đều tích cực tham gia hoạt động, góp phần quan trọng bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Các phường Xoan của địa phương đã tham gia biểu diễn ở nhiều nơi, truyền dạy nhiều thế hệ học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, các nghiên cứu sinh văn hóa.
Cũng chính từ nơi phát tích ra hát Xoan, ngành giáo dục của tỉnh đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với di sản”, đến nay 100% các trường tiểu học và trung học cơ sở đã thực hiện đưa hát Xoan vào giảng dạy thông qua môn âm nhạc.
Rời miếu Lãi Lèn ra về, hình ảnh về những nữ nghệ nhân trong trang phục áo tứ thân với những câu hát điệu múa Xoan cùng du khách giữa sân miếu Lãi Lèn cứ ngân nga trầm bổng trong tâm trí chúng tôi.
Một di sản văn hóa phi vật thể từ thời Hùng Vương được thế hệ con cháu hôm nay bền bỉ giữ gìn, nuôi dưỡng trong đời sống xã hội hiện đại.