Hòa nhập chứ không hòa tan. Để khẳng định vị thế của mình và biến ước mơ “Khát Vọng Việt" trở thành hiện thực không còn là cơn khát, thế hệ trẻ cần hiểu và tin tưởng vào những giá trị văn hóa Việt. Cái thứ hai, không kém phần quan trọng đó là học tập và tích hợp những nét hay, đặc biệt của nước ngoài cùng với những điểm mạnh của chúng ta.
Gửi bài viết đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam nêu ra 5 nhóm năng lực quan trọng trong thế kỷ 21 cho lực lượng lao động trẻ Việt Nam vận dụng và học tập.
Các năng lực này ra đời trong hoàn cảnh công nghệ và cuộc sống thay đổi rất nhiều. Ví dụ năng lực kết nối trở nên quan trọng khi chúng ta sử dụng Facebook hoặc Linkedin hàng ngày. Các năng lực hiện đại này đòi hỏi mỗi cá nhân cần phải tổng hợp và sử dụng các khung năng lực cổ điển như làm việc nhóm, sáng tạo, tư duy phản biện...
Năm nhóm năng lực quan trọng trong thế kỷ 21 cho lực lượng lao động trẻ Việt Nam vận dụng và học tập. |
1. Năng lực thông tin
Các rào cản trong tiếp nhận thông tin tác giả trình bày tại ngày hội Khát Vọng Việt 2013 là một phần nhỏ trong năng lực thông tin. Năng lực thông tin bao gồm nhiều những năng lực căn bản khác như năng lực tư duy phản biện khi tiếp nhận thông tin trong cuộc sống, năng lực tư duy hệ thống để tự tìm ra những mảng ghép thông tin còn thiếu của vấn đề, tư duy sáng tạo để phát triển thông tin đang có.
Năng lực thông tin bao gồm làm thế nào để tiếp nhận thông tin, làm thế nào để tìm nguồn thông tin hiệu quả và chính xác, làm thế nào để lưu giữ thông tin, làm thế nào xử lý thông tin và tạo ra giá trị gia tăng. Các mô hình kinh doanh trong thế kỷ 21 thành công có rất nhiều mô hình dựa trên gia tăng giá trị của thông tin.
TGĐ TH Truemilk: "20 năm nữa nông nghiệp VN sẽ hùng mạnh"
Khát vọng Việt vẫn đang là những "cơn khát"
Nguyên Phó thủ tướng chỉ rõ chìa khóa giúp nâng tầm nền nông nghiệp VN
Các bạn trẻ Việt Nam trên thực tế thể hiện rất nhiều vấn đề về năng lực thông tin.
Hiện tượng các bạn trẻ Việt Nam chỉ đưa các thông tin về món ăn, quần áo, điện thoại... cho thấy có nhiều sự kiện trong cuộc sống đang báo động năng lực thông tin rất kém của thế hệ trẻ Việt Nam.
2. Năng lực kết nối
Tác giả có hai tài khoản trên Linkedin kết nối tới hơn 12.000 chuyên viên và lãnh đạo trên toàn thế giới. Tài khoản Facebook có kết nối tới hơn 700 cá nhân. Tài khoản trên Anphabe mạng xã hội chuyên nghiệp Việt Nam khoảng 1.000 kết nối. Như vậy tổng số kết nối vào khoảng 14.000 cá nhân. Đây là một con số khổng lồ, nếu như chúng ta không có các công nghệ và mạng xã hội.
Năng lực kết nối phản ánh một cá nhân có thể duy trì và xác định vị trí của mình trong hàng ngàn kết nối ngoài đời cũng như trên mạng xã hội.
Kết nối tới nhanh nhưng duy trì kết nối hiệu quả không phải đơn giản. Nói một cách khác, chúng ta rất dễ dàng kết nối nhưng có tạo ra những câu chuyện hay giá trị gia tăng thì đó là một vấn đề khác và khó hơn nhiều.
Năng lực kết nối cần rất nhiều những năng lực cổ điển khác như giao tiếp, đắc nhân tâm, hiểu về bản thân... Năng lực kết nối bao gồm làm thế nào xác định các đối tượng kết nối, những giá trị gì chúng ta tạo ra cho hệ thống kết nối, làm thế nào để khai thác và tạo ra giá trị cho bản thân và cộng đồng kết nối của chúng ta.
3. Năng lực lãnh đạo bản thân
"Tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ", câu nói của triết học châu Á hoàn toàn đúng cho những gì đang xảy ra tại văn hóa phương Tây. Các giá trị của các nền văn hóa khác nhau đều có những nét tương đồng đáng kinh ngạc. Môi trường xã hội và kinh tế tại Việt Nam và trên thế giới đang biến đổi nhanh chóng.
Các quy tắc của ngày hôm qua không còn đúng, tuy nhiên quy tắc mới chưa hình thành. Mỗi cá nhân trong xã hội cần tự lãnh đạo bản thân trước những biến động bên ngoài. Tự lãnh đạo bản thân để vượt qua những khó khăn và thách thức thậm chí trong những trường hợp tuyệt vọng hay khủng hoảng. Năng lực tự lãnh đạo bản thân tổng hợp từ nhiều năng lực như thấu hiểu bản thân, tư duy hệ thống, năng lực lắng nghe...
Năng lực tự lãnh đạo bản thân có thể hiểu theo những khía cạnh như sau : làm thế nào thấu hiểu bản thân, làm thế nào xác định được giá trị mang lại cho xã hội và bên ngoài, phát triển những điểm mạnh và hạn chế điểm yếu nhằm phù hợp với thế giới bên ngoài...
4. Năng lực học và tự học
Tất cả những cá nhân thành công trong xã hội đều có năng lực học và tự học. Học và tự học là năng lượng cho quá trình lãnh đạo bản thân. Chúng ta chẳng thể nào hoàn thiện nếu như chúng ta không rút tỉa những điều khiếm khuyết qua quan sát và chiêm nghiệm thế giới bên ngoài.
Năng lực học và tự học thể hiện qua cá nhân biết mình thiếu những cái gì, niềm tin rằng những cái học sẽ đem lại giá trị lâu dài mặc dù giá trị trước mắt không có nhiều hoặc không có, có nghị lực để vượt qua những thác thức và trở ngại tầm thường trong cuộc sống cho học và tự học, nắm được những phương pháp học và tự học hiệu quả cho bản thân.
5. Năng lực xã hội
Năng lực cuối cùng trong thế kỷ 21 đó là năng lực cống hiến xã hội. Có lẽ nhiều bạn trẻ sẽ thắc mắc và hỏi câu hỏi làm thế nào để cống hiến cho xã hội. Có rất nhiều mức độ để một cá nhân thể hiện năng lực xã hội trong cuộc sống.
Cấp độ một đó là các bạn bầy tỏ ủng hộ cho những hành động vì xã hội. Cấp độ hai các bạn thực hiện các hành động đó. Cấp độ ba các bạn thúc đẩy những bạn bè và những người xung quanh thực hiện hành động như bạn. Cấp độ bốn đó là các bạn sẵn sàng phản ứng những người có hành vi vi phạm lợi ích của xã hội. Cấp độ năm khi các bạn tự đưa ra những hành động và chương trình nhằm tạo ra giá trị cho xã hội.
Tạo ra giá trị xã hội rất đơn giản như các bạn nhận được tin hôi bia và gửi thông tin tới những người bạn của mình cùng với những lời phê phán. Chúng ta có thể thấy giá trị của cấp độ một khi các xe chở hàng bị lật nhưng cảnh hôi đồ không còn xẩy ra. Khi cùng nhau chúng ta có thể tạo ra những điều tốt cho xã hội.
Năng lực xã hội trong bạn trẻ Việt Nam còn rất thiếu khi những chương trình thiện nguyện ít có người tham gia. Một cách đơn giản, chúng ta còn quá thờ ơ với những gì xảy ra xung quanh bản thân khi chúng ta quá bận tâm với những ước mơ vật chất của bản thân mình. Hãy thực hiện một hành động tốt, hãy nói những lời tốt, hãy thúc đẩy những thói quen tốt đó là cách đơn giản nhất tạo ra giá trị cho xã hội.
5 năng lực trên có những mối quan hệ mật thiết nhằm giúp một cá nhân thành công trong cuộc sống và hiện thực hóa “Khát Vọng Việt" của chính mình. Đầu tiên hành trình bắt đầu bằng tự lãnh đạo để xem bản thân cần phát triển như thế nào. Tiếp theo là tìm tòi, hấp thụ thông tin nhằm bù đắp những điều còn thiếu trong bản thân. Trong quá trình tìm kiếm thông tin là quá trình kết nối những người có thể học được từ họ.
Quan trọng hơn, kết nối những người cùng chí hướng và tần số khát vọng thành công để cộng hưởng. Tiếp theo là quá trình học và tự học từ thông tin cùng hệ thống kết nối. Cuối cùng mỗi cá nhân thực hiện khát vọng để tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội.
Tất cả 5 năng lực được gắn kết và phát triển thúc đẩy nhau tương sinh và cộng hưởng tạo giá trị cho bản thân chủ thể. Cá nhân thành công trong thế kỷ 21 chính là người hiểu và vận dụng được 5 năng lực trên trong cuộc sống./.