Khát vọng Việt vẫn đang là những "cơn khát"

26/12/2013 07:24
Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam
(GDVN) - Một logic đơn giản, nếu chúng ta không cảm thấy "Khát" thì chẳng thể nào "Khát vọng Việt" trở thành hiện thực mà mãi mãi chỉ là động từ ở thì tương lai xa và bất định.

Từ "Khát vọng" mang trong mình chữ "Khát" thể hiện ước mơ cháy bỏng cho những gì chúng ta chưa đạt được. Một logic đơn giản, nếu chúng ta không cảm thấy "Khát" thì chẳng thể nào "Khát vọng Việt" trở thành hiện thực mà mãi mãi chỉ là động từ ở thì tương lai xa và bất định.

Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng chia sẻ: "Tôi rất cảm ơn anh Vũ (Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) vì cứ mỗi lần vào đây (TP.HCM) thì khát vọng của tôi lại tăng lên nhưng ra Hà Nội nó lại bẹp dí xuống bởi những chuyện nhỏ nhặt hằng ngày và do nói nhiều đến mức quên mất khát vọng ban đầu là gì" vào lúc bế mạc Khát Vọng Việt 2013.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (bìa trái) - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên - và ông Phan Văn Mãi - bí thư thường trực T.Ư Đoàn - ký kết Chương trình xây dựng thế hệ trẻ Sáng tạo vì khát vọng Việt - Ảnh: Hoàng Mai
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (bìa trái) - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên - và ông Phan Văn Mãi - bí thư thường trực T.Ư Đoàn - ký kết Chương trình xây dựng thế hệ trẻ Sáng tạo vì khát vọng Việt - Ảnh: Hoàng Mai

Chia sẻ từ một chuyên gia thành đạt và có bản lĩnh đã phản ánh sự thật nói trên. Tại sao Israel, Nhật Bản, Đức lại có thể đứng lên và vươn cao từ những thất bại và đổ nát, tất cả chỉ nằm trong hai chữ đơn giản “Con Người”.

Chúng ta chỉ có thể trở thành vô địch nếu như chúng ta khát vọng, hành xử, cố gắng và chiến đấu như những nhà vô địch thật sự. Thực hiện công tác tư vấn và phát triển nghề nghiệp cho các bạn trẻ, tôi nhận thấy những trở ngại sau đang ngự trị trong suy nghĩ của thanh niên Việt Nam đã khiến "Khát vọng" mãi mãi là cơn "Khát" sau hàng thế kỷ.

Thực hiện cẩu thả: Tâm lý làm cho có đã ngự trị trong thế hệ Việt Nam chúng ta quá nhiều. Từ trên giảng đường đại học, học cho có để đối phó với thầy cô. Khi làm việc, làm việc qua loa để đáp ứng cho qua yêu cầu của công việc. Chúng ta có thể thấy rất ít bạn bè và đồng nghiệp của mình có khát vọng hoàn thiện thật mỹ mãn những công việc hàng ngày.

Cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ ví dụ một bạn sinh viên tốt nghiệp ưu trường đại học khoa học tự nhiên nói vào mặt anh trưởng nhóm phần mềm: “Trả tiền lương thế nào thì coding (viết phần mềm) vậy thôi”. Một khi tâm lý thực hiện cẩu thả nhiễm vào trong con người chúng ta, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hoàn thành tốt đẹp và khát vọng mãi mãi chỉ là khát vọn.

Thành công là gian khổ: Trên thị trường giáo dục và đào tạo những năm gần đây rộ lên những chương trình đào tạo về bí mật thành đạt, mật mã thành công, làm giầu túi tiền rỗng v/v... Những khóa học đó đã thu hút hàng chục ngàn bạn trẻ tham gia. Tất nhiên những khóa học đó cũng mang lại một chút ít giá trị tuy nhiên nó phản ánh một tâm lý bóc ngắn cắn dài muốn thành công nhanh chóng mà không phải cố gắng và gian khổ.

Tập trung: Tập trung tạo ra sức mạnh khi kết hợp với kiên trì như nói ở trên. Tập trung có ý nghĩa khi mỗi cá nhân xác định rõ điểm mạnh và điểm yếu đồng thời xác định rõ những lĩnh vực và sân chơi tham gia trong cuộc sống.

Tập trung có nghĩa là từ chối những cơ hội ngắn hạn không phù hợp với năng lực và tập trung cho những mục tiêu dài hạn.

Chúng ta có thể thấy rõ các công ty tại Israel, Nhật Bản đều tập trung vào thị trường, công nghệ hay những mặt mạnh của mình. Thông qua các sản phẩm Apple, chúng ta có thể cảm nhận sự tập trung vào sáng tạo và khác biệt của công ty.

Mỗi cá nhân đều có những điểm mạnh tiềm tàng, tuy nhiên nếu không tập trung để chọn sân chơi cho điểm mạnh đó và không kiên nhẫn thực hiện thì điểm mạnh sẽ mãi mã là tiềm ẩn.

Ước mơ vật chất tầm thường: Khi hỏi các bạn nhân viên đi làm hoặc chúng ta lắng nghe câu chuyện xung quanh sẽ thấy đa phần những ước mơ rất tầm thường như làm thế nào kiếm tiền đổi con iPhone 5S; Làm thế nào để mua con xe Innova chơi Tết, Làm thế nào để có tiền mua căn hộ ngon ngon trong TP.HCM và Hà Nội... Ước mơ vật chất là chính đáng, nhưng nếu chúng ta đặt 150% khát vọng vào những ước mơ vật chất đó thì mãi mãi các khát vọng lớn sẽ chỉ là viễn cảnh.

Có thể hiểu một cách đơn giản, khát vọng của một dân tộc là tổng khát vọng của toàn bộ các cá nhân. Nếu chỉ toàn những ước mơ vật chất tầm thường thì chúng ta sẽ không bao giờ vươn lên cao được. Hãy thêm vào những ước mơ như làm thế nào để nuôi dạy con cái trưởng thành, làm thế nào vươn lên cấp quản lý, làm thế nào để chia sẻ các kinh nghiệm mình có được cho những đàn em đi sau, làm thế nào giúp cho xã hội trở nên tốt hơn một ít.

Khát vọng của một dân tộc là tổng khát vọng của toàn bộ các cá nhân. Nếu chỉ toàn những ước mơ vật chất tầm thường thì chúng ta sẽ không bao giờ vươn lên cao được. Ảnh minh họa.
Khát vọng của một dân tộc là tổng khát vọng của toàn bộ các cá nhân. Nếu chỉ toàn những ước mơ vật chất tầm thường thì chúng ta sẽ không bao giờ vươn lên cao được. Ảnh minh họa.

Thỏa mãn quá sớm: Đi kèm với những ước mơ tầm thường ở trên đó là tâm lý thỏa mãn và thụ hưởng quá sớm. Cũng dễ hiểu khi một cá nhân có những ước mơ tầm thường sẽ cảm thấy thỏa mãn khi đạt được những điều đó. Họ sẽ không còn những động lực chiến đấu cho những ước mơ lớn hơn ngoài việc thỏa mãn bản thân họ và gia đình.

Chúng ta có thể thấy những chuyên gia Nhật sẵn sàng công tác tại Việt Nam khi nghỉ hưu, những cá nhân thiện nguyện nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Thỏa mãn quá sớm sẽ làm thui chột lửa chiến đấu trong mỗi con người.

Tâm lý ao nhà: Các cá nhân trong quốc gia vĩ đại như Israel, Nhật bản, Đức... luôn luôn hướng ra thị trường quốc tế. Các bạn trẻ Việt Nam thường có xu hướng tại Việt Nam và không hướng ra bên ngoài. Năm 2015, khi thị trường lao động Asean mở cửa, chúng ta sẽ đối chọi với thực tế lao động các nước Asean sẽ sang Việt Nam. Câu hỏi trong bao nhiêu bạn đang học tại trường đại học đang có một kế hoạch chuẩn bị tích cực cho mình công tác hội nhập vào thị trường lao động Asean? Một lần nữa những giấc mơ "con" sẽ chẳng thể bao giờ làm cho một dân tộc lớn được.

Những giới hạn trên đều có thể thấy rất rõ trong mỗi cá nhân ít hay nhiều. "Khát vọng Việt" chỉ có thể trở thành hiện thực nếu như có những chương trình kích hoạt như Trung Nguyên thực hiện trong vòng hai năm gần đây.

Quan trọng nhất kế tiếp, thế hệ trẻ có nhận thức và triển khai trong cuộc sống hàng ngày hay không. Thiếu thực thi hoàn hảo, "Khát vọng Việt" sẽ mãi chỉ là những cơn khát dai dẳng tại thì tương lai xa và bất định cho dân tộc Việt Nam. Các trở ngại trên nếu vượt qua được, các bạn trẻ sẽ thu nhận được những giá trị to lớn về cả vật chất và tinh thần ngay cho cuộc sống của các bạn. Hãy nâng tầm khát vọng của mỗi cá nhân để "Khát vọng Việt" trở thành hiện thực trong tương lai gần của dân tộc.

Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam