10 phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

09/01/2015 07:12
Ngọc Quang
(GDVN) - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam điểm lại 10 phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong năm 2014.

"Không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được"

Chiều 13/12/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri huyện An Lão, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Trả lời kiến nghị của cử tri về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc theo tinh thần vừa hợp tác, vừa đấu tranh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hợp tác và đấu tranh là hai mặt trong quan hệ quốc tế thời đại ngày nay để đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cũng như lợi ích chính đáng của mỗi quốc gia.

Thủ tướng chỉ rõ: “Trong thời đại ngày nay, hội nhập, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng thịnh vượng là nhu cầu tất yếu của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, những mâu thuẫn về lợi ích buộc mỗi quốc gia phải đấu tranh để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, trong đó có những phạm trù hết sức thiêng liêng là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và bền vững. Không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng chiều 13/12/2014. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng chiều 13/12/2014. Ảnh: VGP.

"Phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực"

Trong cuộc làm việc với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính ngày 9/7/2014, Thủ tướng chỉ rõ, yếu kém của công tác quản lý thuế thể hiện rõ nhất nếu so sánh với các nước trong khu vực khi mà số giờ nộp thuế của Việt Nam hiện nay là lớn nhất, số lần nộp thuế cũng cao nhất. Thủ tục hành chính thuế phức tạp, khó khăn trong thực hiện không những làm mất thời gian của người dân và doanh nghiệp mà còn nảy sinh tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức trong ngành, làm thất thu thuế của nhà nước. Đây là những hạn chế, yếu kém mà ngành thuế cần phải đặc biệt quan tâm, tập trung khắc phục bằng những giải pháp, hành động cụ thể và hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực”.

Trước đó, trong buổi làm việc với Tổng cục Hải quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: “Thủ tục hải quan cho xuất khẩu mất 4 ngày, cao gấp 2 lần so với bình quân khu vực, thủ tục nhập khẩu là 4 ngày trong khi bình quân khu vực chỉ có 3 ngày là không thể chấp nhận được”.

Thủ tướng chỉ đạo: “Ngành phải tăng cường công tác quản lý cán bộ hải quan, nhất là cán bộ ở cơ sở; có biện pháp hữu hiệu chấn chỉnh, khắc phục hiện tượng sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như trong khâu giám sát, kiểm tra, thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu. Kiên quyết loại ra khỏi ngành những cán bộ thoái hóa biến chất, tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế”.

"Trung Quốc bất chấp đạo lý, pháp lý"

Ngày 30/6/2014, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2014, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tháng 6 và 6 tháng đầu năm, thảo luận và định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Tàu Trung Quốc chủ động đâm húc, phun nước vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ngay trong vùng biển Việt Nam.
Tàu Trung Quốc chủ động đâm húc, phun nước vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ngay trong vùng biển Việt Nam.

Theo Thủ tướng, phiên họp diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, đó là từ 2/5 tới nay, Trung Quốc đã bất chấp đạo lý, pháp lý, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hành động này của Trung Quốc không những xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt Nam- Trung Quốc mà còn đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực.

Trong bối cảnh trên, nhiệm vụ đặt ra là vừa phải nỗ lực cao nhất bằng các giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, vừa bằng mọi giải pháp phù hợp để gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh trật tự để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời quyết tâm, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã được đề ra từ đầu năm 2014 trên tinh thần không điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội được đề ra cho năm 2014.

"Nếu không thực hiện được kế hoạch đặt ra thì tự nguyện từ chức"

Ngày 6/8/2014, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị giao ban, sơ kết về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 7 tháng đầu năm.

Theo báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, kết quả cổ phần hoá trong các tháng đầu năm được đánh giá là khả quan, cho thấy mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước còn lại từ nay đến hết năm 2015 là có thể thực hiện được.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cần phải đẩy mạnh hoạt động kinh doanh đồng thời với việc thực hiện tái cơ cấu, tập trung vào và kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp.

“Quan trọng nhất là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt. Nếu không thực hiện được kế hoạch đặt ra thì tự nguyện từ chức”, Thủ tướng yêu cầu.

"Hòa bình không thể chỉ khát khao, mong muốn mà có"

Sáng 16/9/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự Lễ khai giảng năm học 2014-2015 của Học viện Quốc phòng. Thủ tướng nhấn mạnh, dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc luôn là quy luật có ý nghĩa sống còn của dân tộc Việt Nam: “Là một đất nước phải chịu dựng quá nhiều đau thương, mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược; hơn ai hết Việt Nam luôn khát khao hòa bình - một nền hòa bình phải trên cơ sở độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ - để xây dựng đất nước, cải thiện đời sống và chăm lo hạnh phúc cho nhân dân. Song hòa bình không thể chỉ khát khao, mong muốn mà có. Việt Nam phải mạnh lên về mọi mặt, cả về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại - với khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, keo sơn; có môi trường chính trị - xã hội ổn định; bảo đảm dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội”.

"Không liên minh với nước này để chống phá nước khác"

Đây là quan điểm lập trường của Việt Nam được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong bài phát biểu tại Viện Koerber (Đức) vào giữa tháng 10/2014.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng tôi kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam là bạn là đối tác tin cậy của các quốc gia vì hòa bình và phát triển. Không ngừng nỗ lực xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp và tăng cường hợp tác cùng có lợi với tất cả các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác truyền thống.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước này để chống phá nước khác. Chúng tôi kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành mong muốn cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược – một sự tin cậy lẫn nhau bền vững lâu dài - trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, Luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới".

"Biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình"

Trong chuyến thăm chính thức nước Đức vào giữa tháng 10/2014, trả lời câu hỏi của phóng viên Router rằng Việt Nam có kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế hay không, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam chúng tôi có lẽ cũng như tất cả các quốc gia, các nước trên thế giới sẽ bằng mọi biện pháp để bảo vệ độc lập chủ quyền của mình theo đúng luật pháp quốc tế. Tôi cho rằng biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, tiến bộ mà cả thế giới, cả nhân loại đều ủng hộ”.

"Vừa đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước"

Trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 19/11/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những chia sẻ thẳng thắn khi Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc liên tục vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ: “Ta với Trung Quốc là láng giềng, dù mưa nắng hay bão lũ gì cũng là láng giềng, mãi mãi là láng giềng. Chúng ta hết sức mong muốn Việt Nam và Trung Quốc chân thành hợp tác hữu nghị để gìn giữ hoàn bình ổn định, để hợp tác cùng phát triển cùng có lợi, để thực hiện một cách thực chất hiệu quả phương châm 16 chữ, 4 tốt, để đem lại lợi ích cho cả hai nước.

Chúng ta mong muốn hai bên chân thành hợp tác để giải quyết những bất đồng giữa hai nước về biên giới lãnh thổ trên biển đảo theo luật pháp quốc tế, theo Công ước luật biển 1982 và theo cam kết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Giải quyết thỏa đáng mà hai bên chấp nhận được trên cơ sở luật pháp quốc tế những vấn đề còn tranh chấp, còn quan điểm khác nhau về biên giới lãnh thổ”.

Với lập trường nhất quán như vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam áp dụng 6 chữ “Vừa hợp tác vừa đấu tranh” không chỉ với Trung Quốc mà tất cả các nước.

“Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình ổn định. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hữu nghị tin cậy lẫn nhau. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để cùng có lợi, cùng phát triển cùng thịnh vượng. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, để bảo vệ quyền lợi của nước ta trên cơ sở nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng cho biết.

"Chiến tranh hay hòa bình hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm và ý chí chính trị của các quốc gia"

Ngày 17/10, tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10)tổ chức tại Trung tâm Hội nghị thành phố Milan (Italia), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đúng 100 năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và gần 70 sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bài học xương máu là chiến tranh hay hòa bình hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm và ý chí chính trị của các quốc gia. Để duy trì hòa bình, thực tiễn đã khẳng định, cần kiên trì xây dựng lòng tin chiến lược - sự tin cậy lẫn nhau bền vững, lâu dài - trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và tăng cường đối thoại về các khác biệt, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Vấn đề quyết định là phải kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không để tái diễn các hành động gây căng thẳng, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) và cùng nhau xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

"Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí"

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn chỉ rõ công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí có mặt còn chậm, công tác kiểm tra thanh tra hiệu quả chưa cao, đồng thời yêu cầu: "Thực hiện đúng quy định về kê khai và kiểm soát kê khai tài sản. Tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin truyền thông và nhân dân trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài".

Ngọc Quang