Trung Quốc đưa giàn khoan 981 phi pháp vào biển Việt Nam
Ngày 1/5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan 981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan 981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, phù hợp với các quy định và thực tiễn Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, không để vấn đề này tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa hai bên.
Giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. |
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, cho tới tận ngày 15/7 mới bắt đầu rút lui. Trong thời gian xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, các tàu của Trung Quốc liên tục chủ động gây hấn, đâm húc, làm hư hỏng nhiều tàu của các lực lượng chức năng phía Việt Nam.
Vụ việc này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế, đã có rất nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ Việt Nam với các biện pháp giải quyết hòa bình, phản đối những hành động gây căng thẳng tình hình của phía Trung Quốc.
Sáng 21/10, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (đại biểu QH tỉnh Điện Biên) đã chỉ rõ: “Chúng ta không thể lơ là mất cảnh giác. Các cụ của ta cũng đã nói rồi: Nếu không muốn chiến tranh thì chúng ta phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh. Công tác chuẩn bị sẽ là một yếu tố để người ta tính đến khi muốn tấn công mình”.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII thông qua nhiều chủ trương quan trọng
Quốc hội làm việc 33 ngày, phần lớn thời gian dành để thảo luận về các dự án luật, thông qua 18 dự án luật, 3 nghị quyết. Đây là dự án luật xem xét và thông qua nhiều nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, Quốc hội thông qua các dự án luật: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật đầu tư (sửa đổi); Luật doanh nghiệp (sửa đổi); Luật giáo dục nghề nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật hộ tịch; Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. |
Quốc hội cũng thảo luận, thông qua ba nghị quyết gồm: Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Ngoài ra có 12 dự án luật trình ra Quốc hội lần đầu, gồm: Luật tổ chức Chính phủ; Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Bộ luật dân sự (sửa đổi); Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Luật ban hành văn bản pháp luật; Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật an toàn vệ sinh lao động; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật thú y.
Đối với công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng có ba nội dung lớn: Một là báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước về hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015"; Hai là "Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông"; Ba là "Về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành".
Quốc hội cũng tiếp tục tiến hành thực hiện Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Ở lần lấy phiếu này, những người có số "phiếu tín nhiệm cao" thuộc tốp đầu gồm: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Kỷ luật cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền
Sau một thời gian dài kiểm tra, ngày 21/11/2014, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông cáo về kết luận ông Trần Văn Truyền. trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu, ông Truyền đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất.
Cụ thể, bản thân ông Truyền đã thiếu tự giác, thiếu gương mẫu khi đồng thời trong hai năm 2002 và 2003 được hưởng 2 lần chính sách về nhà, đất của Nhà nước, không đúng với quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định 61/CP của Chính phủ "Việc hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng chỉ xét một lần cho một hộ gia đình...”.
Xác minh 6 căn nhà do ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng thanh tra Chính phủ) và gia đình đứng tên, Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận thấy ông Truyền đã thiếu trung thực, vi phạm những điều đảng viên không được làm, gây phản cảm, tạo dư luận xấu.
Căn nhà 105 Nguyễn Trọng Tuyển (TP.HCM) được thu hồi. Ảnh: vne. |
Về căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận (TP.HCM) năm 2003, khi đã chuyển ra Hà Nội công tác, ông Truyền có đơn gửi UBND TP.HCM trình bày hoàn cảnh khó khăn do công tác xa ở Hà Nội và có nhu cầu nhà ở tại TP HCM trong khi gia đình không có khả năng mua đất để xin thuê nhà và đã được UBND thành phố giải quyết cho thuê căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận.
Năm 2008, do thời hạn hợp đồng gần hết, ông Truyền làm đơn và được Công ty Quản lý - Kinh doanh nhà TP.HCM đồng ý chuyển tên trong hợp đồng cho con gái là Trần Thị Ngọc Huệ làm việc tại Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Sài Gòn, tiếp tục được thuê căn nhà trên.
Đến tháng 3/2011, ông Truyền làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở và đề nghị UBND TP.HCM bán căn nhà này cho mình và để con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên. Sau đó các cơ quan chức năng của TP HCM đã đồng ý bán căn nhà trên cho bà Huệ theo hình thức thu 100% tiền sử dụng đất theo đơn giá do thành phố quy định hàng năm và thực hiện quy trình bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP của Chính phủ, nhưng không tính miễn, giảm các khoản được hỗ trợ theo chính sách.
Vào thời điểm tháng 7/2014, qua kiểm tra và báo cáo của công an quận Phú Nhuận, ông Truyền và gia đình không sử dụng căn nhà này mà cho người khác ở và bán hàng.
Tại thời điểm làm đơn xin mua căn nhà này, vợ ông Truyền là bà Phạm Thị Thủy đang đứng tên sở hữu căn nhà số 465/48C khu phố Phước Hậu, phường Phú Khương, quận 9, TP HCM là nhà được tặng; con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đang đứng tên sở hữu căn hộ 28.04A, Khu căn hộ cao cấp Hùng Vương tại quận 5, TP HCM.
Như vậy, ông Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định bán nhà của UBND TP HCM không đúng đối tượng và chính sách của Nhà nước. Sau khi được mua thì không sử dụng ngay mà lại để cho người khác ở và bán hàng. Việc làm trên của ông là có vi phạm, làm cho uy tín cá nhân bị giảm sút, gây dư luận xấu trong xã hội.
UBND tỉnh Bến Tre đã ra quyết định thu hồi thửa đất số 598B5, đường Nguyễn Thị Định, TP Bến Tre. Ảnh: vne. |
Trong thời gian công tác, vào năm 2004, ôngTruyền được thuê nhà công vụ 95m2 (phòng 607, B1, Khu nhà A số 61, đường Trần Quang Diệu, Hà Nội). Ông Truyền nghỉ hưu vào tháng 10/2011, nhưng đến đầu năm 2014 khi có thông tin dư luận về thực hiện chế độ nhà công vụ và Ủy ban Kiểm tra trung ương nắm tình hình thì mới đề nghị trả lại nhà. Đến tháng 5/2014, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận lại căn hộ trên.
Như vậy, với cương vị nguyên là cán bộ cấp cao, ông Truyền có khuyết điểm khi chưa gương mẫu trong sử dụng nhà công vụ.
Ngày 30/12/2014, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 9396-CV/VPTW về việc công bố Thông báo của Ban Bí thư về xem xét xử lý kỷ luật đồng chí Trần Văn Truyền.
Theo đó, sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc đề nghị thi hành kỷ luật ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ về thực hiện chế độ, chính sách nhà, đất ở, Ban Bí thư đã ra quyết định:
1. Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Văn Truyền do có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở, đất ở và trong công tác cán bộ.
2. Yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre và Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan rút kinh nghiệm về những thiếu sót, khuyết điểm trong việc quyết định, xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến sai phạm của ông Trần Văn Truyền.
Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc về những khuyết điểm có liên quan đến sai phạm của ông Trần Văn Truyền trong công tác cán bộ; tiếp tục chỉ đạo thực hiện triệt để việc khắc phục và việc xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại phiên họp ngày 16/6/2014.
3. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát việc sử dụng nhà ở công vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý, kiên quyết thu hồi ngay những trường hợp nhà công vụ sử dụng không đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
Sập hầm thủy điện Đa Dâng: 12 công nhân được giải cứu thần kỳ
Vào khoảng 7h ngày 16/12, hầm Thủy điện Đa Dâng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bất ngờ bị sập khiến 12 công nhân mắc kẹt bên trong.
Theo tài liệu từ cơ quan chức năng thu thập, dự án thuỷ điện Đạ Đâng (huyện Lạc Dương) và dự án thuỷ điện Đa Chomo (huyện Lâm Hà) được khởi công cuối tháng 12/2003 do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (tức Cienco 5) làm chủ đầu tư.
Tháng 3/2006 dự án nói trên được chuyển đổi chủ đầu tư là công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (trụ sở chính ở TP.Hà Nội).
Công trình thuỷ điện Đa Dâng – Đa Chomo sau khi hoàn thành sẽ có tổng công suất 22 MW, sản lượng điện là 109,27 triệu kWh/năm.
Công trình này gồm hai nhà máy thuỷ điện liên hoàn – Nhà máy thuỷ điện Đạ Dâng đặt trên dòng sông Đa Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương) và Nhà máy thuỷ điện Đa Chomo trên suối Đa Chomo (nhánh của sông Đa Dâng, tại xã Phi Tô, Lâm Hà).
Đoạn hầm bị sập cách cửa hầm khoảng 300m khiến công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đích thân tới hiện trường để chỉ đạo công tác giải cứu 12 công nhân. Tham gia công tác chỉ đạo cuộc giải cứu còn có sự tham gia của ông Trịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Công thương - ông Vũ Huy Hoàng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ huy vụ giải cứu 12 công nhân. |
Lực lượng cứu hộ đã áp dụng nhiều phương án nhưng chưa thu được kết quả khả quan. Tính đến 17h15 ngày 18/12, mũi khoan không thể tiếp tục khoan xuống được do vướng lớp đá cứng và mũi khoan bị gãy khi đã khoan qua hơn 40m. Lực lượng cứu hộ đã khảo sát một số vị trí mới, thuận lợi hơn và quyết định di dời lỗ khoan bởi vị trí cũ không còn khả thi. Tình hình càng trở nên nguy cấp khi các phân tích cho thấy sau 2 ngày nữa, nước sẽ ngập hết đường hầm, tính mạng của 12 công nhân sẽ gặp nguy hiểm.
Sau rất nhiều nỗ lực, đến 16h39 ngày 19/12, tất cả 12 nạn nhân được giải cứu an toàn khi ngách của lực lượng công binh vào sâu được 14 mét thì phát hiện các nạn nhân, dù trước đó theo dự tính phải tới ngày đêm ngày 19, hoặc sáng 20 mới giải cứu được 12 công nhân.
12 công nhân ngay lập tức được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng điều trị phục hồi sức khỏe. |
Nhìn lại hành trình giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện không chỉ thấy sự quan tâm của tập thể Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các Bộ trưởng, sự tập trung của tất cả các ngành, tạo mọi điều kiện, nguồn lực tốt nhất để đảm bảo cuộc giải cứu phải thành công. Đặc biệt, trong những nỗ lực ấy có sự đóng góp rất lớn của lực lượng Công binh. Họ đã thể hiện được quyết tâm sắt đá và tinh thần dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm, tận dụng từng giây từng phút để đào đường hầm cứu hộ nhanh nhất.
Rơi trực thăng Mi171: 20 chiến sĩ tử nạn
Vào khoảng 7h46 ngày 7/7, trực thăng Mi171 thuộc Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân chở 21 chiến sĩ, sĩ quan trên đường huấn luyện nhảy dù đã rơi ở xã Bình Yên, Thạch Thất (Hà Nội). 20 chiến sĩ hy sinh (trong đó 15 người hy sinh tại hiện trường vụ tai nạn, 4 chiến sĩ hy sinh khi được chuyển vào Viện Bỏng Quốc gia), chỉ còn duy nhất 1 chiến sĩ qua khỏi, nhưng toàn thân thương tích nặng nề.
Sáng 11/7, Lễ viếng và truy điệu dành cho các chiến sĩ hy sinh trong vụ rơi máy bay quân sự ở Thạch Thất, Hà Nội ngày 7/7 đã được tổ chức trang trọng tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Đông đảo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các cơ quan Trung ương, địa phương đã đến viếng vong linh các anh hùng liệt sĩ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viếng hương linh các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: zing |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết trong Lời ghi sổ tang: "Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân ta mãi mãi biết ơn sự hy sinh cao cả của các đồng chí vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng viết: "Sự hy sinh của các đồng chí đã để lại niềm tin xúc động, thương tiếc trong lòng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong những ngày qua và sự cảm phục trước tinh thần bình tĩnh xử lý tình huống để tránh những thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân ở mặt đất".
Các chiến sĩ hy sinh anh dũng để lại trong lòng nhân dân nỗi tiếc thương, cảm phục. Ảnh: zing |
21 chiến sĩ đã được truy tặng và tặng thưởng Huân chương chiến công, truy phong quân hàm lên một bậc.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội cho biết, tai nạn do sự cố kỹ thuật, không phải phá hoại từ bên ngoài.