3.000 cán bộ kê khai tài sản không trung thực

12/06/2014 17:50
Ngọc Quang
(GDVN) - Tổng Thanh tra Chính phủ - ông Huỳnh Phong Tranh cho biết và Ủy ban KTTƯ đã vào cuộc để làm rõ khối tài sản báo chí nêu của ông Trần Văn Truyền.

Đề nghị minh bạch tài sản của cựu Tổng thanh tra Chính phủ

Trong phiên trả lời chất vấn chiều nay, ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh tra Chính phủ đã thông tin về khối tài sản của ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, theo yêu cầu của Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung.

Trước đó trên báo giới, ông Truyền cũng đã thừa nhận ngôi dinh thự tại ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến Tre là của mình, xây cất trên diện tích đất của người con trai, có tổng diện tích hơn 16.000 m2. Trong khuôn viên dinh thự này còn có một số gian nhà cổ làm bằng gỗ sưa.

Theo ông Huỳnh Phong Tranh, ông Truyền là Tổng Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2006 – 2011, hiện nay nghỉ hưu sinh hoạt Đảng tại tỉnh Bến Tre. Khi có thông tin về tài sản của ông Truyền, Thanh tra Chính phủ đã chủ động trao đổi với tỉnh ủy Bến Tre để nắm tình hình về tài sản này.

“Đồng chí Truyền là cán bộ nghỉ hưu thuộc diện Ban Bí thư quản lý cho nên Ban Bí thư chỉ đạo Ủy ban KTTƯ vào cuộc, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ủy ban KTTƯ về tài sản của đồng chí Trần Văn Truyền. Tuy nhiên việc này do Ban Bí thư quyết định, và như thế nào thì chúng tôi sẽ phối hợp thực hiện”, ông Tranh nói.

Tòa biệt thự được cho là của ông Trần Văn Truyền.
Tòa biệt thự được cho là của ông Trần Văn Truyền.

Cũng theo ông Tranh, trong quy định của pháp luật hiện nay không quy định cán bộ đã về hưu phải kê khai tài sản thu nhập. Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất để làm thế nào để quản lý đồng bộ.

Liên quan tới vụ việc này, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ cho rằng: “Tổ chức Đảng cần vào cuộc sớm để kiểm tra, kết luận công khai về những nguồn gốc tài sản mà báo chí đã nêu, phần nào của con cái, phần nào của anh em, họ hàng như chính ông Truyền nêu. Làm giàu chính đáng là quyền của mỗi người, nhưng đã là đảng viên thì phải chấp nhận những đòi hỏi khắt khe, phải sống mẫu mực. Nếu sai, ông Truyền sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng. Tổ chức Đảng nơi ông Trần Văn Truyền đang sinh hoạt cần phải thẩm tra, xác minh, làm rõ và có kết luận. Nếu thấy có sai phạm thì xem xét hình thức kỷ luật, còn không thì phải minh oan.

Ông Hùng chia sẻ, từ khi còn công tác cũng đã biết có chuyện quan chức ở các tỉnh tậu nhà lớn, nhà nhỏ

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/9/2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tôi đọc báo cáo thấy nói nhiều tiến bộ, nhưng khi nghe, xem thông tin bên ngoài thì buồn lắm. Các đồng chí phải đánh giá được những gì dư luận nói. Không tham nhũng thì lấy tiền đâu mà nhậu này nhậu kia, đi chơi này đi chơi kia, chức vụ này chức vụ kia. Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy...”.

ở Hà Nội, dưới hình thức là mua nhà cho con cái ở để học đại học. Họ rất kín đáo, chỉ khi nào nghỉ hưu rồi thì có thể mới về sống đó sống.

3000 người gian dối

Ông Huỳnh Phong tranh cho biết, từ năm 2013 tới nay sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2012, việc kê khai tài sản có tiến bộ hơn.  Việc kê khai tài sản năm 2012 đầu năm 2013 kết quả đạt được trên 642.000 đối tượng được kê khai đã đạt hơn 98% và công khai trên 59%.

Năm 2013, đầu năm 2014 thực hiện đến nay đã có trên 106/112 đơn vị trong đối tượng phải được kê khai đã hoàn thành việc kê khai. Đến nay có hơn 919.000 người trong đối tượng phải kê khai trên 935.000 trong đối tượng, đạt 98%. Trong số kê khai này có hơn 200.000 bản kê khai thuộc cấp ủy quản lý, hiện nay đã công khai trên 899.000, đạt 97%.

“Qua quá trình kê khai tài sản thu nhập có khoảng 3000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực, không rõ ràng đã được xác minh làm rõ. Trong quá trình thực hiện có 88 cán bộ bị xử lý bằng các hình thức, do kê khai không trung thực, chậm kê khai và vi phạm các quy định về kê khai tài sản. Có thể nói việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức thuộc đối tượng đến giờ này được thực hiện như thế”, ông Tranh cho biết.

Ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã chỉ rõ rằng: "Dân người ta nói những khu nhà to chưa có người ở không phải là nợ xấu đâu, có người mua cả rồi đấy, người ta nghỉ hưu là về ở thôi...".

Ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã chỉ rõ rằng: "Dân người ta nói những khu nhà to chưa có người ở không phải là nợ xấu đâu, có người mua cả rồi đấy, người ta nghỉ hưu là về ở thôi...".

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng nhận định: “Lâu nay, chúng ta nói kê khai tài sản, nhưng lại làm hình thức, chiếu lệ cho xong. Người dân nhìn thấy quan chức có nhà to, vợ con họ đi xe hơi đẹp… vậy thì tại sao các cơ quan quản lý được giao nhiệm vụ phòng chống tham nhũng lại không biết? Hoặc là biết nhưng có xử lý không? Theo tôi, mọi việc phải được tiến hành từ trung ương, vì trên có nghiêm khắc thì dưới sẽ phải tuân theo. Cán bộ, lãnh đạo cấp trung ương mà gương mẫu đi trước thì các cấp dưới dù không muốn cũng không thể chối từ”.

Ngọc Quang