5 chỉ đạo điều hành nổi bật của Chính phủ tuần qua

26/10/2014 07:45
Ngọc Quang (Tổng hợp)
(GDVN) - Cá nhân cán bộ tín dụng có thể bị phạt tới 600 triệu; Nâng mức phạt vi phạm quy định về ứng dụng khoa học công nghệ... là những chỉ đạo đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng có thể bị phạt tiền tỷ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực từ 12/12/2014.

Theo Nghị định này, vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gồm các vi phạm quy định về: quản lý và sử dụng giấy phép; tổ chức, quản trị, điều hành; cổ phần, cổ phiếu; huy động vốn và phí cung ứng dịch vụ; cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác và hoạt động liên ngân hàng; hoạt động thông tin tín dụng; hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng; thanh toán, quản lý tiền tệ và kho quỹ; mua, đầu tư vào tài sản cố định và kinh doanh bất động sản; bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; bảo hiểm tiền gửi; phòng, chống rửa tiền; chế độ thông tin, báo cáo; cản trở việc thanh tra, không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền.

Với hành vi hoạt động không có giấy phép (trừ một số trường hợp quy định) và chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hành nước ngoài mà chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản có thể bị phạt tới 500 triệu đồng.

Các tổ chức tín dụng vi phạm Nghị định 96 có thể chịu mức phạt lên tới hàng tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng vi phạm Nghị định 96 có thể chịu mức phạt lên tới hàng tỷ đồng.

Phạt tiền từ 500 – 600 triệu đồng đối với hành vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức khác mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định; phạt từ 400-450 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi, Nghị định quy định mức phạt tới 150 triệu đồng đối với hành vi không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Đối với hành vi tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền có thể bị phạt lên đến 250 triệu đồng.

Các mức phạt tiền quy định trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm khi thực hiện công việc của cá nhân thuộc quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô bằng 10% mức phạt tiền quy định trên; mức phạt tiền đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân thuộc quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục đại học công lập

Chính phủ đã ra Nghị quyết 77 về việc thí điểm đổi mới hoạt động của cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2014 - 2017. Việc thí điểm này nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi cho Ngân sách nhà nước, đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách.

Chính phủ quyết nghị cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện. Trong đó, về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, các trường đại học tự chủ quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định và tổ chức tuyển sinh bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Việc đổi mới hoạt động các cơ sở giáo dục công lập sẽ góp phần nâng cao chất lượng cho giáo dục đại học. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Việc đổi mới hoạt động các cơ sở giáo dục công lập sẽ góp phần nâng cao chất lượng cho giáo dục đại học. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Về tổ chức bộ máy, nhân sự, các trường đại học tự chủ quyết định thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, giải thể; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các tổ chức trực thuộc.

Bên cạnh đó, quyết định cơ cấu và số lượng người làm việc; tuyển dụng viên chức, nhân viên hợp đồng lao động sau khi được Hội đồng trường thông qua; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật; giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học là người nước ngoài để bảo đảm nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Các trường này cũng được tự chủ quyết định mức học phí bình quân (của chương trình đại trà) tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp bình quân cho mỗi sinh viên công lập trong cả nước.

Quyết định mức học phí cụ thể (cao hoặc thấp hơn mức học phí bình quân) đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo, bảo đảm mức học phí bình quân trong nhà trường không vượt quá giới hạn mức học phí bình quân tối đa nêu trên; thực hiện công khai mức học phí cho người học trước khi tuyển sinh.

Quyết liệt giảm số người chết vì tai nạn giao thông

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2014.

Vụ tai nạn chiều ngày 3/4 tại Đà Nẵng làm hàng chục người bị thương.
Vụ tai nạn chiều ngày 3/4 tại Đà Nẵng làm hàng chục người bị thương.

Hướng tới mục tiêu giảm số người chết do tai nạn giao thông năm 2014 xuống dưới 9.000 người, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt là các quy định liên quan đến điều kiện hoạt động đối với xe khách giường nằm 2 tầng... chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện; tiếp tục phối hợp hiệu quả hoạt động tại trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm xếp hàng từ nguồn hàng hoá; tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ô tô tải.

Công bố điều kiện đăng ký xác định quốc tịch Việt Nam

Theo Nghị định 97/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 1/7/2009 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, nếu có yêu cầu thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam theo trình tự, thủ tục quy định (gọi là người yêu cầu xác định quốc tịch).

Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (cơ quan đại diện), nơi người yêu cầu xác định quốc tịch đang thường trú, thực hiện tiếp nhận và giải quyết yêu cầu xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam.

Vi phạm quy định về ứng dụng khoa học công nghệ chịu mức phạt tới 30 triệu đồng

Chính phủ đã ban hành Nghị định 93 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Theo đo, vi phạm quy định về ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng thay vì mức 20 triệu đồng như trước đây.

Ngọc Quang (Tổng hợp)