Nhà sử học - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết tâm huyết về an toàn thực phẩm, lo lắng về “rau hai luống, lợn hai chuồng” với thực trạng người dân tự đầu độc lẫn nhau, hủy hoại giống nòi.
Nội dung này chưa có dịp được trình bày trước Quốc hội, vì vậy ông Dương Trung Quốc mong muốn thông qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, những lời tâm huyết của ông sẽ đến được với cử tri cả nước.
Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả!
Bản báo cáo của Chính phủ tại kỳ hợp thứ 3 với nội dung là bổ sung kết quả hoạt động của năm trước (cuối 2016) và những tháng đầu năm nay 2017 của Chính phủ.
Một bản báo cáo vẫn giữ được những sắc thái tích cực có từ đầu nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ Chính phủ phấn đấu những phẩm chất "kiến tạo", "năng động" liêm chính”... Và điều vẫn được ghi nhận là dám nhìn vào sự thật nhưng để nhận ra sự thật thì lại là vấn đề khác.
Tôi chỉ nêu lên một điểm mà bản báo cáo thể hiện như một nội dung rất nhỏ và mờ nhạt nếu nhìn và lượng chữ và cách viết lại đặt lẫn trong một dãy rất nhiều vấn đề ở tiểu mục thứ 6 "Về văn hóa, xã hội".
Vậy mà đó lại là vấn đề làm nóng xã hội chúng ta nhiều năm nay, một bức xúc của mọi tầng lớp xã hội.
Vấn đề đó trở thành một nội dung mà Quốc hội phải tiến hành tổ chức giám sát tối cao và dành cả một ngày mới đây để thảo luận tại hội trường và truyền hình trực tiếp. Đó là vấn đề tạm gọi tắt là "thực phẩm bẩn" hay "an toàn thực phẩm".
Vậy mà bản báo cáo của Chính phủ chỉ có chừng hơn 2 dòng: "Chú trọng bảo đảm an tòan thực phẩm, thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh và thanh tra chuyên ngành tại một số địa phương".
Đương nhiên, lúc này Chính phủ đang đứng trước nhiều thách thức và phải ứng phó với rất nhiều vấn đề nóng bỏng như nợ công, nợ xấu, lãng phí, tham nhũng đến cát tặc, giải cứu thịt lợn, triển khai chương trình giáo dục phổ thông đúng kỳ hạn quy định của Quốc hội...
Tôi cũng không thổi phồng mức nghiêm trọng của vấn đề "thực phẩm bẩn", nhưng nếu nhận thức vấn đề này chỉ như thể hiện trong báo cáo thì đó lại là một việc khó có thể chấp nhận được. Vì sao?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi lương tri của các nhà sản xuất thực phẩm |
Cách đây hơn hai thập kỷ, những người làm sử chúng tôi cùng với các đồng nghiệp Nhật Bản tiến hành việc nghiên cứu về Nạn đói năm Ất Dậu (1945).
Chúng tôi làm điều tra tỉ mỉ tại nhiều điểm xem xét số người chết, hoàn cảnh chết, nguyên nhân chết và những vấn đề liên quan để kết luận một cách khoa học rằng con số "ngót hai triệu người" đã chết là có cơ sở và nhiều kết luận khác.
Nhưng có một nhận xét được rút ra đáng để chúng ta suy ngẫm là: Với một nạn đói có quy mô và mức độ khủng khiếp như vậy, ở nước ta không có hiện tượng có thể đã xảy ra ở những nơi khác là tình trạng chém giết nhau vì miếng ăn, thậm chí ăn thịt lẫn nhau...
Ngược lại, trong một xã hội còn chậm phát triển về kinh tế, nhưng quan hệ xã hội lại dựa trên những truyền thống bền vững về đạo đức, trong dòng tộc, gia đình, làng xã và cộng đồng khiến cho con người trong cơn hoạn nạn vì đói kém lại có nhiều hơn sự chia sẻ, thương cảm, cứu giúp đùm bọc lẫn nhau đều đã đi vào thành ngữ dân gian "nhường cơm sẻ áo", "lá lành đùm lá rách"...
Đó chính là cái cốt lõi của một phẩm chất cũng là một sức mạnh của dân tộc Việt Nam ta trên trường dựng nước và cứu nước. Đó là "tình đồng bào" vừa mang ý nghĩa nhân văn lại vừa mang giá trị cách mạng.
Vậy thì khi nhìn nhận hiện tượng "thực phẩm bẩn" hay "mất an toàn thực phẩm" chúng ta phải nhận ra cái cốt lõi của nó chính là sự băng hoại về đạọ đức cũng là sự hủy hoại một trong những giá trị quan trọng nhất mà tổ tiên, ông cha chúng ta đã gây dựng, gìn giữ và phát huy.
Cái tình "đồng bào" hạt nhân của lòng yêu nước, tinh thần tự chủ nay phải đối mặt với việc chính người Việt Nam chúng ta đang đầu độc lẫn nhau mà chỉ vì những lợi ích không phải là quá lớn lao.
Những kẻ tham nhũng, nhưng kẻ gây ra nợ xấu có thể bỏ túi rất nhiều tiền, làm cho đất nước nghèo khổ, nhưng ở đây đôi khi chính những người dân, những người hàng xóm láng giềng, những người đồng chí của nhau... lại sẵn sàng đầu độc nhau để thu về những cái lợi vô cùng nhỏ trong mớ rau, cân thịt bán ngoài chợ... Và cái tính "nhân dân" gắn với hiện tượng này mới là điều nguy hiểm hơn hết.
Ông Dương Trung Quốc cảnh báo: Rau hai luống, lợn hai chuồng chính là mối nguy hại âm ỉ của đất nước hiện nay. ảnh: Ngọc Quang. |
Người viết sử xưa, để khái quát về một thời thịnh trị, đôi khi người ta chỉ cần viết mấy dòng "thời đó, nhà dân cổng không cần cài then, nhà không cần khóa cửa..." là đủ.
Vậy người viết sử đời nay chỉ cần kể lại cái hiện tượng khá phổ biến là nhà nhà "trồng rau 2 luống","nuôi lợn 2 chuồng" thì người sau này đọc sử chắc phải rùng mình khi nghĩ về cái thời ta đang sống?!
Vậy thì tại sao Chính phủ không coi trọng đúng mức việc chấm dứt hiện tượng này trước khi tác hại nó còn ghê gớm hơn trước?
"Nếu Trung ương không nghiêm thì sao yêu cầu Chủ tịch tỉnh nghiêm? " |
Giờ đây, chúng ta đã thấy sự tha hóa đến mức có những người Việt Nam sẵn sàng tiếp tay cho ngoại bang để phá hoại nền kinh tế đất nước.
Thu mua từ cái móng lợn, từng cái rễ cây cho đến việc đứng tên, mua đất đai trên khắp ngóc ngách của đất nước này.
Sẵn sàng thay máy móc, thép đóng vỏ tàu để những người ngư dân đã khốn khổ vật lộn với biển cả để kiếm sống và bảo vệ biển bờ của Tổ quốc có thể khuynh gia bại sản hay gặp nạn ngoài biển khơi vì những người gian dối muốn kiếm lời mà không hề nghĩ tới đồng bào hay Tổ quốc, cũng là phá hoại một chính sách lớn của quốc gia...
Tại sao chúng ta cứ mãi mãi đối đầu với những sự việc nghiêm trọng ấy với lời than vãn "chế tài không đủ nghiêm"?
Đừng tin vào lời những kẻ bán chất độc gài trong thuốc bảo vệ thực vật hay thức ăn chăn nuôi khi bị phát giác thì biện minh rằng "chúng tôi không biết" chẳng khác gì những quan chức khi được thăng thì vênh váo, lúc ra tòa thì tự nhận "vì trình độ có hạn".
Họ chính là những kẻ điêu luyện săn lùng siêu lợi nhuận... Phải coi đó là bọn người "hại dân hại nước", nói cách khác hành vi đó là phản quốc.
An toàn thực phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các thế hệ tương lai của đất nước. ảnh: TTXVN. |
Chúng ta luôn tự hào có một hệ thống tổ chức chính trị bao trùm mọi tầng lớp xã hội, vậy thì chỉ cần quy định đã là đảng viên, là thành viên của những tổ chức ấy tránh xa thói xấu "rau hai luống, lợn 2 chuồng", muốn là "nông thôn mới" hay "khu phố văn hóa" thì không thể có sự gian dối đầu độc đồng bào để kiếm lợi.
Chỉ cần như thế, cộng với việc tổ chức tốt việc sản xuất ra những sản phẩm sạch và trừng trị thật nghiêm khắc những kẻ sai phạm, tôi tin rằng chúng ta sẽ cải thiện một cách căn bản.
Có một dấu hiệu tích cực mà tôi đọc thấy trong phát biểu của Thủ tướng khi tiếp xúc với giới doanh nhân mới đây là lời khích lệ hãy chuyển đổi tâm thế "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mà các cuộc "giải cứu" liên miên chúng ta đã và đang chứng kiến là hệ quả, để chấp nhận tâm thế "Hàng Việt Nam hãy chinh phục người Việt Nam" - một thị trường ngót 100 triệu dân, đông thứ 13 thế giới, nơi mà chính chúng ta một thời gian dài không quan tâm, để thua trên sân nhà và thị trường bán lẻ cũng đang đứng trước nguy cơ rơi vào tay nước ngoài.
Chinh phục người Việt Nam chính là phục vụ đồng bào của mình bằng những sản phẩm tốt, sạch cũng là một hành động tích cực, chủ động xóa bỏ cái hiện tượng đáng xấu hổ mà chúng ta phải chịu đựng mong sao chỉ một lần trong lịch sử.
Phải coi mục tiêu diệt trừ thảm họa "tự đầu độc" hủy hoại tương lai giống nòi là một ưu tiên và cấp bách chứ không thể hời hợt.