"Buộc thôi việc công chức chưa tốt nghiệp cấp 2 cũng chẳng oan ức gì"

08/07/2015 07:13
XUÂN QUANG - ĐỨC THIỆN
(GDVN) - “Nếu phát hiện cán bộ không trung thực, vẫn dung túng cho sai phạm thì cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức bổ nhiệm...”, ông Lê Văn Cuông cho biết.

LTS: Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (khóa XII) nêu quan điểm như vậy (hôm 7/7) khi đề cập tới tình trạng cán bộ không trung thực về bằng cấp, nhưng vẫn được bố trí công chức.

PV: Thanh Hóa vừa phát hiện hàng loạt các cán bộ công chức xã không trung thực về bằng cấp. Mới đây nhất, báo chí phản ánh trường hợp một cán bộ xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa không có bằng tốt nghiệp cấp 2, vẫn được bố trí công chức. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Lê Văn Cuông: Trước hết, tôi đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong việc rà soát bằng cấp của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, nhằm đưa ra giải pháp chuẩn hóa chuyên môn của người được giao nhiệm vụ.

Thực tế cho thấy, việc cán bộ không trung thực về mặt bằng cấp đã trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội, chứ không riêng gì ở Thanh Hóa.

Tuy nhiên việc cán bộ thiếu trung thực về bằng cấp,  nhưng vẫn được cấp có thẩm quyền dung dưỡng, bổ nhiệm, bố trí công tác là họ “nói một đường, làm một nẻo”, rất khó chấp nhận.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. (ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. (ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Trường hợp nếu cơ quan có thẩm quyền không phát hiện cán bộ gian dối về bằng cấp thì vô tình người ta đang hợp thức hóa cho sai phạm.

Mặt khác, nếu phát hiện thấy vi phạm nhưng vẫn dung túng cho sai phạm, thì trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức bổ nhiệm cần phải được làm rõ.

Từ nhận định trên có thể thấy, đây là hành vi vi phạm của nhà tổ chức trong công tác tổ chức cán bộ. Cá nhân, tổ chức có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về sai lầm của mình.

Từ sự việc trên, theo ông đâu là nguyên nhân làm dẫn tới việc cán bộ không trung thực trong việc kê khai, sử dụng bằng cấp?

Ông Lê Văn Cuông: Theo quy định, người được bổ nhiệm phải đáp ứng đủ điều kiện (trong đó có vấn đề bằng cấp) cần, đủ, để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trong một xã hội khi vấn đề bằng cấp vẫn được coi là thước đo để đánh giá năng lực con người thì khó tránh khỏi tình trạng cán bộ không trung thực .

Ở Việt Nam, người có bằng cấp (đẹp) dễ thăng quan, tiến chức.

"Buộc thôi việc công chức chưa tốt nghiệp cấp 2 cũng chẳng oan ức gì" ảnh 2

Thanh Hóa: Cán bộ gian lận, chưa tốt nghiệp cấp 2 vẫn bổ nhiệm công chức

Điều này khiến người ta có thể tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình, kể cả phải dùng tới “thủ đoạn” (mua - bán, dùng bằng giả…).

Do vậy, xuất hiện nhiều trường hợp bằng giả, kiến thức giả. Nhưng cũng có khi bằng thật nhưng lại kiến thức giả. Điều quan trọng là chất lượng sau những tấm bằng “chợ đen” ấy rất khó được đảm bảo.

Cũng có trường hợp do điều kiện lịch sử, họ không có điều kiện hoàn thiện bằng cấp theo quy định của nhà nước. Mặt khác, cũng do hạn chế về mặt tuổi tác, nên thay bằng việc đi học để hoàn thiện bằng cấp, nhiều người nghĩ đến chuyện dùng tiền để “chạy” trọt...

Theo ông, việc cán bộ không trung thực về mặt bằng cấp nói trên, sẽ tác ảnh hưởng như thế nào tới công tác tổ chức quản lý nhà nước?

Ông Lê Văn Cuông: Cán bộ thiếu trung thực trong việc sử dụng bằng cấp là điều rất khó chấp nhận, đáng lên án trong xã hội.

Tôi không khẳng định 100%  bằng cấp (bằng đẹp) tỉ lệ thuận với năng lực công việc. Tuy nhiên nếu cán bộ không trung thực về bằng cấp sẽ trở thành vật cản không nhỏ trong công tác điều hành, xử lý công việc của cán bộ.

Hành vi không trung thực đó sẽ làm mất niềm tin của nhân dân đối với cán bộ công chức nói riêng, cơ quan công quyền nói chung. Tạo ra sự mất đoàn kết trong nội bộ.

Sâu xa hơn, nó tạo ra sự trì trệ trong công tác quản lý

"Buộc thôi việc công chức chưa tốt nghiệp cấp 2 cũng chẳng oan ức gì" ảnh 3

Phải xử tử hình những kẻ có "máu tham nhũng"

nhà nước, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Bởi lẽ, một khi người ta gian dối được cái này sẽ gian dối được cái khác.

Cũng không ít trường hợp cán bộ thiếu trung thực (bằng cấp) luôn có tư tưởng cục bộ mang tính cá nhân, thu vén, xà xẻo ngân sách để làm lợi cho mình.

Đây là vấn đề lớn, cần đặc biệt quan tâm trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay khi vấn nạn chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp…vẫn còn khá phổ biến.

Theo ông, nên xử lý cán bộ không trung thực về bằng cấp trong trường hợp nêu trên như thế nào?

Ông Lê Văn Cuông: Tôi tin rằng, nếu thực hiện quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đồng thời xử lý nghiêm túc cán bộ vi phạm, sẽ hạn chế phần nào những khiếm khuyết trong công tác tổ chức cán bộ.

Ngược lại, nếu việc xử lý cán bộ vi phạm theo kiểu

"Bản thân những người dối trá như vậy, nếu họ có liêm sỉ, thấy rằng mình là người không chững trạc, thì không nên tham lam chức quyền, danh lợi", ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu quan điểm về tính trung thực của cán bộ.

“đánh trống bỏ dùi” hay ‘vỗ vai” nhau, thì khó có chuyện cán bộ, tổ chức, đặc biệt là cấp cơ sở có thể vững mạnh được.

Nếu cán bộ không trung thực về mặt bằng cấp, cố tình vi phạm, thì hình thức xử lý buộc thôi việc cũng không oan ức gì.

Cũng cần xử lý nghiêm túc cá nhân, tập thể đã dung dưỡng, tiếp tay cho sự không trung thực đó...

Trân trọng cảm ơn ông!

XUÂN QUANG - ĐỨC THIỆN