Cách tính GDP ở nước ta so với quốc tế là "không giống ai"

07/08/2014 20:46
HOÀNG QUÂN
(GDVN) - Cách tính GDP ở nước ta không sát với thực tế, so với quốc tế thì ta "không giống ai" trong khi đất nước chúng ta đã ngày càng hội nhập.

Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư được khai mạc vào ngày 7/8 tại Đà Nẵng. 

Hội nghị do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức nhằm triển khai các nội dung quan trọng như: Xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; Xây dựng Kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 – 2020… Đồng thời, đại biểu tham gia hội nghị cũng sẽ thảo luận, góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, cũng như các vấn đề liên quan đến việc triển khai Luật Đấu thầu sửa đổi và Luật Đầu tư công mà Quốc hội mới thông qua; Phổ biến và hướng dẫn cách tính toán chỉ tiêu giá trị gia tăng trong nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Quang cảnh hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch & Đầu tư.
Quang cảnh hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch & Đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Mong muốn của Chính phủ là Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đạt được các mục tiêu cao hơn giai đoạn 2011 - 2015. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại...

"Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này được dự kiến ở mức 6,5 - 7%/năm, trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu trên, Việt Nam sẽ phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chính sách. Tuy nhiên, để thực hiện thành công các mục tiêu này sẽ gặp phải những thách thức rất lớn. Bởi, việc triển khai xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, có những thuận lợi, cơ hội nhất định, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức. Trước hết, phải kể đến những tác động của suy thoái toàn cầu, xu thế hạn chế tiêu dùng diễn ra phổ biến. Ngoài ra, còn có những tác động do bất ổn, xung đột và bất đồng giữa các nền kinh tế lớn; tình hình kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn...", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết thêm, các bộ ngành, địa phương phải dự báo tốt tình hình, đưa ra các phương án khác nhau để luôn ở thế chủ động trong việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Trước mắt, ngay tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư lần này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận để xây dựng được một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hợp lý, phù hợp với diễn biến trong thực tại cũng như dự báo của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, đưa ra được các giải pháp đúng đắn để thực hiện kế hoạch này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng kế hoạch đầu tư trung hạn có ý nghĩa hết sức tích cực trong giai đoạn hiện nay. Lợi ích quan trọng nhất của đầu tư trung hạn là để cho các ngành, các địa phương biết được nguồn vốn mình được phân bổ là bao nhiêu để chủ động lựa chọn danh mục, dự án quan trọng ưu tiên đầu tư.

Ngoài ra, đó cũng là cơ sở để các ngành, địa phương chủ động kế hoạch đầu tư, tránh được tình trạng đầu tư dàn trãi lâu nay đã nói rất nhiều nhưng vẫn chưa khắc phục được. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết khi có kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ là cơ sở để đầu tư có hiệu quả hơn, khắc phục được thủ tục hành chính phiền hà, tiêu cực.

Thủ tướng lưu ý định hướng đầu tư công cần phải bám vào đầu tư đột phá, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, chú ý xây dựng các công trình quan trọng thiết yếu cho tái cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Các ngành, địa phương cần lựa chọn lĩnh vực then chốt đầu tư để mang lại hiệu quả thúc đẩy kinh tế xã hội. Ngoài nguồn lực tư ngân sách nhà nước, cần huy động các nguồn lực xã hội khác. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các ngành, địa phương sắp tới chương trình mục tiêu quốc quốc gia cũng có kế hoạch trung hạn chứ không phải đi xin hằng năm. Hiện có 16 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình kém hiệu quả nên sắp tới chỉ có hai chương trình là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Nói về cách tính GDP của các tỉnh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị phải bàn lại cách tính GDP hiện tại. 

“Cách tính GDP ở các địa phương hiện nay đã có từ lâu và kéo dài đến hôm nay khi chúng ta chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Tuy nhiên, cách tính này giờ không còn phù hợp nữa rồi, cách tính đó là không sát với thực tế, so với quốc tế thì ta "không giống ai" trong khi đất nước chúng ta đã ngày càng hội nhập. Nhưng chúng ta phải nhìn vào sự thật để tính toán lại con số GDP, tính lại chắc chắn sẽ thấp đó các đồng chí”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các địa phương phải có kế hoạch sớm tính GDP lại để sát với thực tế hiện nay đồng thời đúng với thông lệ quốc tế. Các địa phương phải chấp nhận tính lại một cách khoa học cho chính xác. Việc tính lại GDP giao cho Tổng cục Thống kế bàn cách triển khai thực hiện.

Được biết, hội nghị kéo dài đến ngày 9/8.

Sáng nay (7/8) tại TP. Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 
HOÀNG QUÂN