Cho, biếu "đúng quy trình" thì cũng bị người ta cho là hối lộ, đút lót

05/03/2017 07:00
QUỐC TOẢN
(GDVN) - "Dù việc tặng, nhận đúng quy trình như thế nào đi chăng nữa cũng rất nhạy cảm và không nên làm, nếu không muốn nói là có vấn đề", PGS.TS Bùi Thị An nói.

"Rất nhạy cảm và không nên" 

Thủ tướng vừa giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra, làm rõ việc doanh nghiệp tặng xe siêu sang cho chính quyền  xảy ra tại Cà Mau và Đà Nẵng.

Trả lời báo chí, lãnh đạo một trong số các địa phương nói trên cho rằng, việc tặng quà này là đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định.

Đà Nẵng trả lại xe ô tô do doanh nghiệp tặng. Ảnh: Tấn Tài.
Đà Nẵng trả lại xe ô tô do doanh nghiệp tặng. Ảnh: Tấn Tài.

Bình luận về vụ việc nói trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc nhận quà (xe) của doanh nghiệp cho dù đúng quy trình đến đâu chăng nữa thì cũng rất nhạy cảm và không nên làm.

"Tất cả các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, đều tính tới việc lợi nhuận. Do đó, hầu như tất cả các hành vi của họ đều hướng tới mục tiêu đó. 

Trong trường hợp này, có thể đặt câu hỏi ngược lại rằng, liệu chính quyền có thiếu thốn đến mức phải nhận xe tặng của doanh nghiệp làm xe công, trong khi chúng ta vẫn có ngân sách để mua sắm xe công theo quy định?

PGS.TS Bùi Thị An (ảnh: Ngọc Quang).
PGS.TS Bùi Thị An (ảnh: Ngọc Quang).

Đặt trong mối quan hệ xã hội, nếu anh có lòng tốt thì nên dùng số tiền đó để tặng quà từ thiện cho đồng bào nghèo, xây trường học, trạm y tế, hoặc mang xe tới các địa phương còn khó khăn để họ có thêm phương tiện di chuyển, làm việc.

Việc làm này sẽ ý nghĩa hơn nhiều so với việc bỏ tiền mua xe để tặng cơ quan công vụ, nhất là khi giữa hai bên có mối quan hệ làm ăn với nhau.

Dù chưa đủ căn cứ để khẳng định việc tặng, nhận quà này có mục đích xấu (hối lộ, đút lót để chạy chọt), tuy nhiên trong trường hợp này dù hành vi trên dù đúng quy trình như thế nào đi chăng nữa cũng rất nhạy cảm và không nên làm, nếu không muốn nói là có vấn đề", PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII chia sẻ quan điểm với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 4/3.

Vị nguyên Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc tặng,

Cho, biếu "đúng quy trình" thì cũng bị người ta cho là hối lộ, đút lót ảnh 3

Đà Nẵng trả lại ô tô đang chở Bí thư do doanh nghiệp tặng

nhận quà sẽ mất ý nghĩa nếu món quà không có mục đích tốt đẹp.

"Thực tế cho thấy, trong hoạt động làm ăn kinh tế, doanh nghiệp muốn có lợi thế, ưu đãi (về dự án) thì người ta sẽ tìm cách "tặng quà" cho lãnh đạo cơ quan công vụ, không dưới dạng này thì cũng dưới dạng khác, thậm chí là cả chuyện "đi đêm" với quan chức. 

Cho nên, lãnh đạo các cơ quan công vụ cần giải trình rõ mục đích, ý nghĩa của việc tặng quà này, chứ không đơn thuần chỉ là chuyện nhận không xong rồi trả lại", PGS.TS Bùi Thị An đề nghị.

Lỗ hổng trong quy định của nhà nước về tặng, nhận quà?

Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc cơ quan công vụ nhận quà biếu có giá trị kinh tế cao từ doanh nghiệp là sai, có dấu hiệu bất thường trong mọi trường hợp.

Đây là một lỗ hổng của pháp luật về quy định tặng, nhận quà...

Ông doanh đưa ra dẫn chứng: "Ở Mỹ, họ quy định quà tặng cho quan chức nhà nước không được quá 50 USD.

Nếu giá trị quà tặng vượt quá số tiền theo quy định nói trên thì tất cả phải nộp vào công quỹ nhà nước.

Nếu cá nhân, tổ chức muốn sử dụng món quà này, phải có đề nghị xin mua lại thông qua đấu giá".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (ảnh: Hoàng Lực/giaoduc.net.vn).
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (ảnh: Hoàng Lực/giaoduc.net.vn).

Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, việc doanh nghiệp biếu quà (xe) cho một số địa phương có dấu hiệu không minh bạch.

"Chắc chắn người tặng quà phải có mục đích phía sau.

Trong trường hợp này, việc cơ quan công vụ ưu đãi cho doanh nghiệp (dự án) là điều không thể tránh khỏi.

Nói thẳng ra, chúng ta có thể đặt nghi vấn, đây có thể là hành vi mang tính đút lót, mua chuộc?

Còn có ý kiến cho rằng, việc tặng, nhận quà này đúng quy trình. Việc sử dụng tài sản được tặng vào mục đích phòng chống lụt bão, đê điều...

Tôi thì cho rằng đây là ngụy biện, thiếu trung thực. Xe Lexus làm gì thích hợp để dùng vào những hoạt động nói trên", TS. Lê Đăng Doanh chỉ rõ.

“Thế giới méo” và “Táo vẹo”

Từ những sự tương tự đã xảy ra trong thực tế, TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo: "Việc “đi đêm”, biếu xén quà cáp chính là biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu".

Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp và những người có quyền lực kết hợp với nhau, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận các dự án của nhà nước đồng thời có thể tác động đến quá trình ban hành chính sách, quyết định.

Những quyết định dựa trên mối quan hệ thân hữu, không
có sự cạnh tranh, không công khai, minh bạch trong làm ăn kinh tế đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn không chân chính có đất sống, thao túng nên kinh tế, thị trường", ông Doanh nói.

TS. Lê Đăng Doanh đề nghị sửa đổi bổ sung quy định về việc xử lý quà biếu, đặc biệt là trong trường hợp món quà có tính chất nhạy cảm.

Trường hợp chưa đưa ra được quy định cụ thể thì chính quyền nên bán đấu giá các món quà được tặng, xung công quỹ và công khai minh bạch cho người dân được biết.

Nhận định thêm về sự việc doanh nghiệp tặng xe siêu sang cho chính quyền  xảy ra tại Cà Mau và Đà Nẵng, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho rằng, rất khó đánh giá được việc địa phương nhận quà tặng (xe) của doanh nghiệp là có dấu hiệu tham nhũng, hối lộ.

"Cái này chưa sửa luật nên chưa nói được. Nhưng việc Thủ tướng cấm các địa phương nhận ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng, mà anh cứ vi phạm là sai quy định.

Nó có thể sai về Luật Hành chính, hoặc quy định về thực hành tiết kiệm...", ông Đạt nói.

QUỐC TOẢN