Sự kiện Formosa thuê doanh nghiệp xử lý chất thải tiếp tục là chủ đề được đặt ra trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 2/8. Trong đó đặc biệt lưu ý tới thông cáo báo chí của Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận, có hơn 390 tấn chất bùn thải đất đá có chứa chất thải nguy hại.
Theo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – ông Trần Hồng Hà, Tổng cục Môi trường đã có báo cáo về kết quả phân tích bùn thải, chất thải phát hiện trong thời gian vừa qua do Công ty Formosa thuê doanh nghiệp xử lý của Hà Tĩnh chôn lấp trái phép.
Trong phân tích đại diện các mẫu chôn lấp trái phép, đã phát hiện 3 nơi chôn lấp chất thải.
“Việc lấy mẫu thu gom bảo quản nhằm bảo đảm giữ cho môi trường không tiếp tục bị ảnh hưởng. Kết quả là có một số mẫu cho thấy nồng độ chất cyanide vượt quá quy chuẩn chất thải nguy hại”, ông Hà .
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, theo quy định, trong chất thải thông thường, nếu có lẫn chất thải nguy hại thì việc quản lý phải thực hiện như đối với chất thải nguy hại.
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy mẫu bùn thải và môi trường xung quanh, nước ngầm, mẫu đất quanh khu vực chôn lấp để phân tích xem việc chôn lấp tác động gì đến môi trường.
Rất may do phát hiện sớm nên chất thải chưa tác động môi trường, môi trường ở đó vẫn đạt tiêu chuẩn bình thường cho phép.
“Còn với toàn bộ 390 tấn chất thải được coi là chất thải nguy hại, buộc Formosa cũng như doanh nghiệp môi trường Kỳ Anh có trách nhiệm phải lựa chọn cơ quan, trung tâm xử lý có năng lực được cấp phép.
Trên địa bàn Hà Tĩnh chưa có cơ quan nào xử lý chất thải nguy hại được cấp phép, vì vậy việc chọn doanh nghiệp xử lý phải từ cấp Trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép, kể cả vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác”, ông Hà nói.
Bộ trưởng Hà cũng cho biết, xử lý quy mô nhỏ đối với chất thải có nhiều cách, nhưng trường hợp này thì cách xử lý phù hợp, hiệu quả nhất là đốt, thiêu hủy để hợp chất này phân hủy, bùn đất không gây ô nhiễm môi trường.
“Về phía cơ quan quản lý nhà nước về môi trường Hà Tĩnh, chúng tôi đã chỉ đạo kiểm điểm, nói gì thì nói đây là thiếu sót lớn của các cơ quan quản lý môi trường địa phương, cấp xã, huyện.
Chúng tôi sẽ kiểm kê lại toàn bộ chất thải từ Formosa thông qua số vừa rồi đã thu gom, qua số còn trong nhà kho, số trong hợp đồng ký kết và xử lý.
Từ đấy tiếp tục tìm ra xem, còn ở đâu không, còn doanh nghiệp nào ở Hà Tĩnh đã nhận chất thải công nghiệp này cố tình đổ chất thải ra môi trường không đúng quy định không?”, ông Hà cho biết thêm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hồ sơ vụ việc chôn lấp trái phép chất thải của Formosa đã được chuyển tới Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục xử lý. ảnh: VGP. |
Đề nghị cơ quan công an tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc
Sau khi có kết quả trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển hồ sơ tới Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục làm rõ, xử lý theo các quy định của pháp luật.
“Về xử lý, tôi cho rằng hành vi một doanh nghiệp cố tình đưa chất thải công nghiệp đã quy định cần có nơi chôn đúng điều kiện quy chuẩn đổ ra môi trường, như trường hợp công ty môi trường Kỳ Anh là nghiêm trọng.
Tôi cho rằng đây không phải lần đầu, mà là cố ý, có nhiều người thực hiện.
"Bộ trưởng không được phép trả lời... không biết!" |
Nếu đúng là hành vi cố ý, có tổ chức, sẽ xử lý nghiêm khắc nhất theo quy định pháp luật.
Với Formosa thực hiện không đúng, chưa phân loại kiểm đếm, thống kê chất thải, cung cấp cho nhà xử lý chưa đủ năng lực vận chuyển như vậy cũng là vi phạm”, ông Hà nêu quan điểm.
Qua sự việc trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Formosa phải thống kê toàn bộ chất thải, đồng thời với loại chất thải, kể cả chất thải từ bể công nghiệp thông thường, cũng như là nguy hại.
Phải có kế hoạch lựa chọn doanh nghiệp có năng lực vận chuyển xử lý, đồng thời có báo cáo thường kỳ với cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tăng cường lực lượng để kiểm soát toàn bộ chất thải Formosa, đồng thời cùng doanh nghiệp này lên kế hoạch khắc phục sự cố trước đây liên quan đến công nghệ, liên quan đến hệ thống xử lý, đến công trình để phòng ngừa ô nhiễm môi trường, hệ thống giám sát môi trường như các bể lắng… có đủ thông số, đặc biệt là thông số ô nhiễm môi trường biển.
Formosa đã thuê doanh nghiệp không có chức năng xử lý chất thải nguy hại cũng phải chịu trách nhiệm. ảnh: Báo Người lao động. |
Có xem xét lại thời hạn thuê đất của Formosa?
Sau khi xảy ra sự cố nghiêm trọng làm hủy hoại môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, câu hỏi đặt ra là: Nhà nước có xem xét lại thời hạn Formosa thuê đất 70 năm không?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Đào Quang Thu thông tin, theo các luật hiện hành, nhất là Luật Đất đai, việc cho thuê đất có thể kéo dài đến 70 năm.
Tuy nhiên, việc cho phép thời gian hoạt động của dự án vẫn theo Luật Đầu tư. Trong Luật Đầu tư hiện hành (năm 2014), tại Điều 47 đã quy định về việc ngừng, tạm ngừng hoạt động của các dự án đầu tư, có 5 trường hợp sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tạm ngừng hoạt động của dự án, trong đó có 1 trường hợp là để khắc phục vi phạm về môi trường theo đề nghị của cơ quan nhà nước về quản lý môi trường.
Trong Luật Đầu tư, Điều 48 có quy định về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
Theo đó, Khoản 1 Điều 48 quy định dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động nếu thuộc một trong các điều quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không thể khắc phục điều kiện ngừng hoạt động thì cơ quan quản lý đầu tư có thẩm quyền có thể quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
“Đầu tiên phải tạm ngừng và yêu cầu khắc phục vi phạm môi trường nhưng nếu không thể khắc phục được thì theo quy định của pháp luật, sẽ bị ngừng hoạt động”, ông Thu cho biết.
Đối với nội dung này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, theo Luật Đất đai năm 2003 cũng như Luật Đất đai năm 2013, việc cho thuê đất đối với các nhà đầu tư cũng căn cứ theo các tiêu chí như khu vực khó khăn để đầu tư…. Vũng Áng (Hà Tĩnh) theo quy chế hoạt động được Thủ tướng Chính phủ ban hành là khu vực thuộc tiêu chí được xem xét ưu tiên.
Như vậy, theo cả Luật Đất đai 2003 và 2013 thì thẩm quyền cho thuê đất đối với UBND tỉnh, thành phố là được 70 năm.
Đối với việc cấp giấy phép đầu tư, đặc biệt cho doanh nghiệp nước ngoài theo Luật Đầu tư 2005 thì thẩm quyền của UBND tỉnh cho phép thuê được 50 năm, còn trên 50 năm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, báo cáo Chính phủ để xem xét trên các góc độ: Nguồn vốn đầu tư, điều kiện khó khăn…
Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người có thẩm quyền cho phép.
“Việc này thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra, kiểm tra rồi. Đối với Hà Tĩnh, tôi cho rằng, việc cấp giấy phép đầu tư với thời hạn 70 năm ở đây là sai thẩm quyền vì UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho doanh nghiệp thuê với thời hạn đáng nhẽ phải do Chính phủ quyết định”, ông Hà khẳng định.