Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là một Đại biểu Quốc hội rất thẳng thắn mỗi khi bấm nút phát biểu tại nghị trường.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin điểm lại cùng quý độc giả những phát ngôn ấn tượng của ông Lê Như Tiến, được cử tri cả nước ủng hộ.
“Trên rải thảm, dưới rải đinh”
Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 3/2016, Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) nhận định, để Việt Nam cất cánh được thì phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thế nhưng những chủ trương, chính sách tốt đẹp, thông thoáng lại bị khâu thực hiện làm méo mó, bằng cách tạo ra nhiều rào cản, những barie vô hiệu hóa chính sách.
“Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào chắn cổng, một số người thi hành công vụ vòi vĩnh nhũng nhiễu trắng trợn đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn, làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.
Đến nỗi trong thảo luận về kinh tế - xã hội có đại biểu phải thốt lên, đất lành chim đậu, nhưng chim chưa kịp đậu đã nhậu hết chim. Thế là mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh, các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”, ông Tiến ví von.
Ông Lê Như Tiến luôn thẳng thắn khi bấm nút phát biểu tại nghị trường Quốc hội. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Cũng theo Đại biểu Lê Như Tiến, nhiều người thi hành công vụ chưa coi mình là công bộc của dân, không nghĩ rằng mình sinh ra để phục vụ dân. Một khi cơ chế xin - cho vẫn còn đất sống thì người dân, doanh nghiệp còn bị nhũng nhiễu, vì đã xin thì phải có cái gì đó mới cho được.
“Tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, đến mức người đứng đầu của Đảng phải đặt câu hỏi: Cái gì cũng chạy, chạy chức, chạy quyền, chạy cả luân chuyển, vậy chạy ai, ai chạy. Cử tri mong rằng chỉ cần đi là đến, không cần phải chạy đến như hôm nay", ông Tiến nói.
“Ăn cả vào sinh mạng sống chết của người dân”
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, khi thảo luận về dự án Luật dược (sửa đổi), Đại biểu Lê Như Tiến đóng góp ý kiến về thời hạn cấp giấy chứng chỉ hành nghề trong dự thảo Luật đưa ra là 5 năm, với quan điểm nếu có vi phạm, khuyết điểm thì phải thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động, còn hoạt động tốt thì cứ thế mà hoạt động.
Việc thu đổi, cấp mới sau 5 năm sẽ sinh ra những thủ tục hành chính rườm rà.
"Tôi cho rằng không nên cấp giấy chứng chỉ 5 năm mà chỉ nên cấp một lần và cấp giấy không thời hạn. Nhưng có vấn đề thì thu hồi và cảnh báo, thậm chí phạt nặng. Khi mà họ đang sống, chưa khai tử thì làm sao lại cứ 5 năm khai sinh một lần.
Ta tiệm cận với tiên tiến của thế giới chứ không nên gây ra cơ chế xin cho và làm thủ tục hành chính chỉ có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước chứ lại có hại cho doanh nghiệp, người hành nghề", ông Tiến nêu quan điểm.
“Liên ngành tư pháp là một tổ chức siêu quyền lực vi hiến" |
Về quản lý nhà nước về giá thuốc, Đại biểu Lê Như Tiến nhấn mạnh, cần có biện pháp quản lý thật mạnh vì có thực trạng ngay tại Hà Nội, hai cửa hàng dược cạnh nhau, nhưng có thể bán giá chênh lệch 3- 4 lần vì không ai quản lý, không ai siết lại.
Ông Tiến chỉ rõ: "Giá bán với giá trị thuốc phải tương thích với nhau. Giá trị chỉ có 1 mà giá thuốc 10 lần thì không được.
Đặc biệt, với thuốc nhập khẩu đang có thực tế là các nhà thuốc tăng vô tội vạ. Đó chính là cái làm cho người dân rất bức xúc.
Anh ăn cả vào sinh mạng sống chết của người dân. Tăng giá thuốc, người nghèo không có tiền mua thì mong manh sinh tử của họ tăng lên rất nhiều”.
Lo lắng “chuyến tàu vét” khi “hoàng hôn nhiệm kỳ”
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, ông Lê Như Tiến nói rằng, trong các phiên chất vấn ở Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu đã cảnh báo về một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm "hoàng hôn nhiệm kỳ".
Phải chỉ rõ ai ở "liên ngành tư pháp" đã "tha" cho ông Phí Thái Bình và cộng sự? |
Ông Tiến cũng đặt ra yêu cầu đối với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để chặn đứng hiện tượng quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những "chuyến tàu vét" cuối cùng trước khi hạ cánh.
Đó là chuyện: bất động sản của công thành tư, đề bạt bổ nhiệm không bình thường vào lúc xế chiều; hàng loạt cán bộ công chức thân hữu vào bộ máy công quyền vì mục đích vụ lợi mà công luận đã từng lên án trong thời gian qua.
Chống tham nhũng, phải tập trung vào chiến dịch bắt hổ
Trong một phiên họp của Quốc hội vào cuối năm 2013, ông Lê Như Tiến quan điểm: “Đề nghị các cơ quan phòng, chống tham nhũng nên tập trung vào chiến dịch bắt hổ, với những siêu vụ án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn là dàn những trận lớn chỉ để bắt mèo nhỏ chuột con.
Ông Tiến chỉ rõ: “Có cán bộ cấp phòng ở một thành phố sau hơn 1 năm tài sản tăng thêm lên đến hàng chục tỷ đồng, có cậu bé mới lớn đã tích lũy được cả biệt thự sang trọng, ô tô đắt tiền và vài lô đất trong phố.
Chúng ta lên án hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài mà chưa nghiêm khắc với hành vi chuyển dịch tài sản cho người thân của nhiều quan chức tham nhũng.
Khi người dân không kiểm soát được thu nhập của các công bộc thì kê khai chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ mỗi khi đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, ứng cử hoặc bỏ phiếu tín nhiệm, tai mắt nhân dân trong phòng, chống tham nhũng không có điều kiện để tỏ tường vì thiếu thông tin, thiếu sự minh bạch”.
"Bệnh thích hoàng tráng, thèm ngân sách đang làm khổ dân"
Nói về vấn đề phòng chống tham nhũng, Đại biểu Lê Như Tiến dẫn ra báo cáo của Tổ chức minh bạch quốc tế công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng trong khu vực công (CPI) 2013 xếp Việt Nam đứng thứ 116/177 với mức điểm đạt 31/100 điểm.
Ông Tiến nói thẳng: “Tham nhũng trong lĩnh vực công như vậy là còn rất nghiêm trọng; tình hình tham nhũng diễn ra phức tạp hàng ngày gây thiệt hại lớn với tài sản của nhà nước, nhân dân.
Tham nhũng dẫn đến hệ quả nhiều công trình, dự án lâm vào những căn bệnh không có trong từ điển y khoa, bệnh thích hoành tráng, thèm ngân sách.
Nhiều công trình dự án tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả, công năng sử dụng không đáng kể, thậm chí có những công trình do đẻ non, chín ép nên vừa khai trương đã phải khai tử.
Người dân không được thụ hưởng những lợi ích của công trình, dự án vốn khoác áo mục đích rất to là phục vụ dân sinh”.
Theo phân tích của ông Lê Như Tiến, với những công trình, dự án đó thì chỉ một số người như chủ đầu tư, chủ thầu xây dựng, ban quản lý dự án được lợi.
Vì vậy, họ thích vẽ ra các dự án hoành tráng vì công trình càng lớn thì phần trăm hoa hồng, chiết khấu, tiền chảy vào túi họ càng nhiều.