Sáng nay (8/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường quy định vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường.
Trong phần thảo luận, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra một thực trạng là mặc dù người dân đang phải đối diện với nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, nhưng các cơ quan chức năng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau: "Vệ sinh an toàn thực phẩm là từ cánh đồng đến mâm cơm, trong khi đó ra Quốc hội chất vấn thì ông nông nghiệp bảo ông công thương, ông công thương thì bảo do bà y tế.
Ông nông nghiệp bảo chỉ lo ở cánh đồng thôi, còn hàng hóa đó chạy vào chợ thì lại quản lý thị trường nhưng quản lý thị trường muốn xem con gà đó có ăn cái này cái kia không thì lại quay về ông nông nghiệp. Rất cắt khúc! Cho nên phải tiến tới làm luật, chứ không các bộ lại đổ cho nhau, cuối cùng dân chịu trận hết”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ, các bộ đổ trách nhiệm cho nhau thì dân sẽ chịu hết. ảnh: quochoi.vn |
Chủ tịch Quốc hội Nguyên Sinh Hùng nhấn mạnh, luật như đèn xanh, đèn đỏ và người bấm nút là lực lượng quản lý thị trường. Nếu trái quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế thì không cho lưu thông trên thị trường. Hiện nay có nhiều luật liên quan và nhiều lực lượng nhưng chế tài quản lý không đủ mạnh.
Theo dự thảo pháp lệnh (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016), lực lượng quản lý thị trường được tổ chức từ trung ương đến địa phương theo nguyên tắc tập trung, thống nhất.
Đây là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chống tham nhũng và bồi dưỡng nhân cách làm quan |
Lực lượng quản lý thị trường có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường, với các hình thức: Kiểm tra định kỳ; Kiểm tra chuyên đề; Kiểm tra đột xuất.
Việc kiểm tra phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền quy định tại pháp lệnh.
Tổ chức, cá nhân được kiểm tra có trách nhiệm chấp hành quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền. Trường hợp tổ chức, cá nhân từ chối việc kiểm tra thì phải có văn bản giải trình, đồng thời cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc kiểm tra là không đúng quy định của Pháp lệnh này, pháp luật có liên quan.
Trực tiếp làm việc hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp làm việc với cơ quan kiểm tra khi được kiểm tra, bị xử lý vi phạm hành chính.
Cung cấp kịp thời giấy tờ, tài liệu, sổ sách, chứng từ liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các giấy tờ, tài liệu, chứng từ, sổ sách đã cung cấp.
Chấp hành việc kiểm tra, tạm giữ hàng hóa, tang vật, giấy tờ, phương tiện, dụng cụ sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại nơi sản xuất, bày bán, lưu giữ hàng hóa theo yêu cầu kiểm tra, tạm giữ của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Giải trình kịp thời, đầy đủ, đúng sự thật về các nội dung kiểm tra theo yêu cầu của người có thẩm quyền.
Không được trốn tránh, cản trở, trì hoãn, chống đối việc kiểm tra hợp pháp hoặc đe dọa, lăng mạ, dụ dỗ, mua chuộc, hối lộ dưới mọi hình thức đối với thành viên Đoàn kiểm tra.
Pháp lệnh cũng nêu rõ quy định thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng thẻ kiểm tra thị trường ở một trong các trường hợp sau:
Khi phát hiện công chức không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 của Pháp lệnh này tại thời điểm cấp thẻ.
Chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác hoặc nghỉ hưu, thôi việc; từ trần khi đang trong thời gian công tác.
Bị Toà án kết án bằng bản án hình sự có hiệu lực pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc; Mất năng lực hành vi dân sự.
Công chức bị tạm đình chỉ sử dụng thẻ kiểm tra thị trường trong những trường hợp sau: Có hành vi vi phạm trong hoạt động công vụ theo quy định của pháp luậtmà chưa có quyết định xử lý.
Tham mưu, ban hành quyết định trái pháp luật, không thực hiện đúng quy định của pháp luật về kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính từ hai lần trở lên nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật.
Đang trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật; Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo; Bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam.