Ngày 5/9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã công bố toàn bộ báo cáo liên quan đến “rà soát các dự án và quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trình Thủ tưởng Chính phủ.
“Không có yếu tố cư trú tại Sơn Trà”
Theo đó, tính đến thời điểm tháng 12 năm 2012, Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 18 dự án để đầu tư phát triển du lịch, nghỉ dưỡng tại khu vực bán đảo Sơn Trà.
40 móng biệt thự xây dựng không phép tại bán đảo Sơn Trà bị kiến nghị tháo dỡ. Ảnh: TT |
Tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.222,5 hecta với quy mô lưu trú của các dự án có 1.920 lô biệt thự, 24 Bungalow và 306 buồng khách sạn.
Về tình hình triển khai các dự án tại đây thì có ba dự án đã đầu tư, một dự án đang triển khai, ba dự án đã triển khai một phần nhưng sau đó tạm dừng, 11 dự án chưa triển khai.
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, các dự án tại bán đảo Sơn Trà đều được hình thành trong giai đoạn từ năm 2003-2012, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 33 ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đà Nẵng cho xây kè chống sạt lở tại khu vực có 40 móng biệt thự không phép |
Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch các dự án đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định về an ninh, quốc phòng với cao trình xây dựng các dự án dưới cao trình 200 mét so với mặt nước biển và không có nhà đầu tư nước ngoài.
Trên cơ sở đánh giá chung các dự án, cơ sở pháp lý liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đề xuất, phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghĩ dưỡng cao cấp…
Phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên.
Việc quy hoạch, phát triển tại bán đảo Sơn Trà theo hướng bền vững, đảm bảo phương châm “bảo tồn đi đôi với phát triển để phát huy bảo tồn”.
Đà Nẵng xác định bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ và kiểm soát bằng một cơ chế đặc biệt, nhằm giải quyết các mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát triển.
Do đó, thành phố đưa ra một số nguyên tắc phát triển như: giữ lại dự án đã xây dựng hoàn chỉnh và đã đưa vào hoạt động hiệu quả, phải đảm bảo an ninh quốc phòng, không ảnh hưởng đến khu vực nhạy cảm về quốc phòng, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học…
Công trình xây dựng phải tuân thủ theo quy chế quản lý đặc thù và hài hòa với môi trường tự nhiên sinh thái. Đảm bảo về bình độ triển khai các dự án.
Trong đó, các công trình có chức năng lưu trú, công trình kiên cố chỉ được triển khai từ bình độ 100 mét trở xuống.
Các chức năng thuần túy phục vụ vui chơi giải trí, hoạt động ngoài trời, sinh hoạt cộng đồng có thể được triển khai từ bình độ 200 mét trở xuống.
Hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích chung của cộng đồng theo hướng phát triển bền vũng, không có yếu tố cư trú tại khu vực bán đảo Sơn Trà.
Để đưa ra báo cáo trên, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã làm việc với các chủ đầu tư có dự án tại khu vực bán đảo Sơn Trà.
Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp, các nhà đầu tư như: Công ty cổ phần Địa Cầu, công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời, công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico), công ty cổ phần xây dựng 79…
Doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng
Sau khi nghe thông báo dự thảo kết luận rà soát các dự án du lịch trên bán đảo Sơn Trà, các chủ đầu tư đã có nhiều ý kiến và đơn thư gửi Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
“Sơn Trà có những di sản quý báu mà khi mất đi thì không bao giờ tái tạo được” |
Cụ thể như, việc chỉ cho phép triển khai dự án từ bình độ 100 mét trở xuống sẽ làm phá vỡ cấu trúc quy hoạch của dự án, dẫn đến dự án không thể triển khai được nên đề nghị triển khai dự án ở bình độ 150 mét trở xuống.
Đồng thời, giữ nguyên số lượng phòng lưu trú và biệt thự như quy hoạch đã được phê duyệt.
Đối với những dự án ven biển, có cao trình thấp hơn đường lên đỉnh Sơn Trà, không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan, đa dạng sinh học và an ninh quốc phòng nên doanh nghiệp đề nghị xem xét cho phép triển khai theo đúng quy hoạch.
Về pháp lý dự án, các doanh nghiệp cũng kiến nghị giữ nguyên mục tiêu của dự án đã được ghi nhận trong giấy chứng nhận đầu tư đã cấp. giữ nguyên mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất…
Đối với các dự án chưa làm thủ tục giao đất, cho thuê đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì tiếp tục cho phép hoàn thiện các thủ tục pháp lý trước khi thực hiện.
Đối với những dự án mở rộng nhưng không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, không có diện tích rừng đặc dụng… thì kiến nghị Thủ tướng xem xét cho tiếp tục thực hiện.
Trong buổi làm việc với Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch hiệp hội đã đề nghị Chính phủ và Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận ý kiến của Hiệp hội tại thư kiến nghị đã gửi ngày 15/7/2017.
Trong đó đề nghị giữ nguyên hiện trạng hiện nay tại bán đảo Sơn Trà. Không xây dựng mới các công trình hạ tầng và du lịch. Tháo dỡ 40 móng biệt thự xây dựng trái phép.
Ba kiến nghị, đề xuất của Đà Nẵng
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đưa ra ba kiến nghị, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, tiếp tục xác định bán đảo Sơn Trà là một trong các Khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Quan tâm kiến nghị của các tổ chức và cá nhân về việc bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh quốc phòng trong quá trình phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà.
Xem xét các kiến nghị của các nhà đầu tư tại khu vực bán đảo Sơn Trà, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà đầu tư trong khuôn khổ lợi ích chung của cộng đồng theo hướng phát triển bền vững.