Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương XII tổ chức đầu tháng 7 vừa qua đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, một trong số đó là cải tiến lề lối làm việc, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu...
Đây là những yêu cầu hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm phát huy những kết quả đã đạt được từ Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Lương Gia Ban - Chủ nhiệm Khoa Lý luận Chính trị và đại cương (ĐH Phương Đông) nhận định, siết chặt kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị là biện pháp hết sức cần thiết để chấn chỉnh tình trạng “núp bóng tập thể” để vun vén cho cá nhân, nhóm lợi ích.
Đã mua, bán thì phải có lãi
Chạy chức chạy quyền được coi là một vấn nạn gây nhiều bức xúc trong nhân dân, gây ra tâm lý hoài nghi và ít nhiều gây ảnh hưởng không tốt tới uy tín của Đảng.
Tại hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng vào tháng 3 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Cứ vào đại hội, cứ chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm lại râm ran chuyện vận động, mời nhau ăn uống, cho tiền, tặng quà. Có cái gì luồn vào trong cái tình cảm ấy?”.
Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ rõ, hiện nay dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chạy cả luân chuyển. Từ đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu: “Nếu có thì phải sửa, phải rút kinh nghiệm. Nếu không có thì phải trả lời cho sòng phẳng. Ai chạy? Chạy ai? Đằng sau nó là cái gì? Có khi biết mà không nói ra được hay là không dám nói?”.
Trước vấn nạn này, PGS.TS Lương Gia Ban đánh giá: "Đã chạy chức, chạy quyền thì chẳng mấy ai chịu lỗ. Khi mà người ta đã mất tiền để vào chức vụ này, chức khác thì người ta phải tìm cách thu về, tức là phải làm trái các quy định của nhà nước để tham ô, thậm chí bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, không đủ tiêu chuẩn nhằm thu vén cho cá nhân.
Điều nguy hiểm là khi những kẻ chẳng ra gì được đặt vào các vị trí quản lý thì không những sẽ gây thiệt hại cho kinh tế nhà nước mà còn phá hoại bộ máy ở nơi đó.
Chúng sẽ tìm cách tạo vây cánh, tạo ra lợi ích nhóm, triệt hạ những người tử tế, ngay thẳng không chịu nghe theo sự sai bảo của chúng".
PGS.TS Lương Gia Ban nhận định: “Đã chạy chức, chạy quyền thì chẳng mấy ai chịu lỗ”. ảnh: Ngọc Quang. |
Gần đây nhất, dư luận xã hội lại được một phen choáng váng khi ông Trịnh Xuân Thanh - lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đi xe sang (Lexus 570) gắn biển xanh trái phép.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc, kiểm tra và chỉ rõ nhiều vấn đề bất thường liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh.
Trong đó đáng chú ý, kết luận này nói rõ, ông Thanh không đủ tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Kết luận 146-KL/TW, ngày 04-10-2013 của Bộ Chính trị khóa XI.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị hủy tư cách Đại biểu Quốc hội |
"Một cán bộ liên quan tới sự thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước hàng nghìn tỷ đồng không được làm rõ trách nhiệm, thế rồi lại được bổ nhiệm qua nhiều vị trí, đến cấp Vụ trưởng của Bộ Công thương, rồi đến Phó Chủ tịch tỉnh.
Điều đó cho thấy quy trình quản lý cán bộ của chúng ta có lỗ hổng, nhưng cái nguy hiểm hơn là có một số cán bộ đã tạo điều kiện để ông Thanh được ngồi vào các vị trí lãnh đạo dù không đủ tiêu chuẩn.
Do đó, chắc chắn các cơ quan có thẩm quyền phải truy ra trách nhiệm của những người liên quan tới việc đề bạt, bổ nhiệm ông Thanh vào các vị trí khác nhau.
Ngay cả sự việc xảy ra lỗ hàng nghìn tỷ đồng ở doanh nghiệp nhà nước cũng phải truy trách nhiệm rõ ràng, không thể chỉ có mình ông Thanh gây ra chuyện này”, PGS.Ban nêu quan điểm
Trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Tổng Giám đốc, rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính vì để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh, dư luận còn đặt ra trách nhiệm đối với ông Vũ Đức Thuận – người giữ chức Tổng Giám đốc PVC từ năm 2009 đến hết năm 2012.
Từ 1/1/2013, ông Vũ Đức Thuận thôi giữ chức Tổng Giám đốc PVC và làm Phó Trưởng Ban Xây dựng của của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Từ tháng 10- 2013, ông Vũ Đức Thuận được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình. Từ ngày 1/3/2015, ông Thuận giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải.
Hiện tại, ông Vũ Đức Thuận không còn giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải.
Cần những biện pháp mạnh chống xuống cấp đạo đức cán bộ
Những năm qua, Đảng luôn tỏ ra quyết tâm chống tham nhũng, ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức cán bộ. Rất nhiều quan chức mắc sai phạm đã bị mất chức, bị truy tố, phải ở tù hoặc bị tuyên án tử hình.
“Phải truy trách nhiệm của những người bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh” |
Đó là những bài học lớn, nhưng vẫn còn rất nhiều kẻ vì lòng tham mà bất chấp tất cả.
Chúng sẽ dùng chính những đồng tiền vơ vét được để đi hối lộ, nhằm tạo sự bao che một cách trắng trợn, để rồi được tiếp tục thăng tiến hoặc hạ cánh an toàn.
PGS Ban chia sẻ: "Những chuyện như vậy xảy ra khá nhiều trong đời sống hàng ngày, nên người ta vẫn cứ nói là nhất thân nhì quen là vì lẽ ấy.
Có những cán bộ nhà nước chẳng làm được việc gì cho ra hồn nhưng vẫn được chấm công, là vì có bố mẹ hoặc cô, dì, chúc, bác, người thân nhờ vả, sắp xếp.
Vì vậy, người đời mới truyền tai nhau câu 5C (Con – Cháu – Các – Cụ - Cả) và 5Đ (Đố - Đuổi – Đi – Đâu – Được)".
Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vị trí và vai trò của cán bộ là tiền vốn của đoàn thể - cái gốc của mọi công việc.
Người yêu cầu người cán bộ mẫu mực phải có đức có tài lấy đức là chính, phải khắc phục mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, xa rời quần chúng, hống hách kiểu quan cách mạng, quan liêu, tham nhũng, vô trách nhiệm dẫn đến chia rẽ, cục bộ địa phương và kết quả tất yếu là hỏng việc.
Người chỉ rõ, cán bộ công chức nhà nước phải có những tiêu chuẩn cơ bản, đó là:
- Phải trung thành với Tổ quốc với cách mạng, chế độ XHCN;
- Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi;
- Phải có mối liên hệ mật thiết với mọi người xung quanh;
- Dám phụ trách, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, nhất là trong những tình huống khó khăn.
PGS.Ban phân tích: “Thật đáng tiếc là nhiều cán bộ, thậm chí cả cán bộ cấp cao khi đã có chức có quyền thì lại quên mất lời dạy của Bác. Họ quên mất rằng để có được độc lập, hòa bình thì đã có biết bao thế hệ hy sinh, đổ xương máu mới có được.
Đôi khi có những cán bộ lúc đầu thì tốt, nhưng sau khi có chức quyền thì sinh ra hư hỏng. Họ bị tác động bởi khách quan, bị tác động của những người khác.
Nhưng suy cho cùng nếu cán bộ có sự kiên định, có lập trường chính trị tốt, luôn nghĩ đến lợi ích của nhân dân cao hơn lợi ích của cá nhân thì không ai nịnh nọt, mua chuộc được”.
Cũng theo PGS.TS Lương Gia Ban, những năm qua cả nước đã tổ chức hàng nghìn chương trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng chỉ dừng lại ở mức học tập chứ chưa thực sự làm theo được đạo đức của Người.
“Nếu kỷ luật, đạo đức công vụ không được siết chặt thì không chỉ kinh tế đất nước tiếp tục bị phá hoại, mà xa hơn là còn gây ảnh hưởng rất lớn tới lớp trẻ.
Để loại cán bộ yếu kém ra thì phải cần sự quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Phải tìm ra những cán bộ giỏi có đạo đức tốt để xây dựng lên những nhân tố điển hình, học tập những điển hình ấy.
Đồng thời khi phát hiện ra những trường hợp sai phạm như ông Trịnh Xuân Thanh phải xử lý rốt ráo, làm rõ và công khai tất cả những ai dung túng cho sai phạm ấy.
Những kẻ như thế đâu phải công bộc của dân, đó là quan của dân đấy chứ, cho nên dứt khoát phải xử lý nghiêm minh”, PGS.Ban nói.