Mới đây, khi đi kiểm tra dự án tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội, một lần nữa Chủ tịch TP Hà Nội – ông Nguyễn Thế Thảo lại bày tỏ thái độ không hài lòng trước tiến độ thi công chậm trễ của các nhà thầu Hàn Quốc ở cả gói thầu số 1 và số 2. Và đặc biệt, ông Thảo cũng cho biết lần thứ 3 đi thực tế thì gói thầu các công trình kiến trúc depot không có gì thay đổi. Những hạng mục này thuộc trách nhiệm của Tổng Công ty xây dựng Hà Nội.
Sau cuộc vi hành của Chủ tịch Hà Nội, người ta chờ đợi ông có những hành động mạnh mẽ thực sự để thúc đẩy tốc độ của dự án này. Nhưng rồi ông Thảo lại giao cho cấp dưới xem xét năng lực nhà thầu. Thế nên có người bảo, những phát biểu của ông Thảo chẳng thấm tháp gì, nếu không muốn nói là quá thiếu uy lực với một lãnh đạo đứng đầu thành phố.
Người dân Thủ đô chờ đợi những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa của Chủ tịch TP. |
Trước đó, lãnh đạo Hà Nội cũng đã phê bình Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội do chậm chễ trong việc đôn đốc các nhà thầu triển khai thi công dự án trên.
Tất cả mới chỉ có vậy!
Điều đáng tiếc là một dự án chỉ dài 12,5km, được đầu tư tới 33 nghìn tỷ đồng, và đã nhiều lần phải điều chỉnh lùi thời hạn hoàn thành, thậm chí bị thiệt hại hàng triệu Euro, nhưng nay vẫn cứ chậm. Lạ thay, chưa thấy một ai có trách nhiệm tại dự án này bị cách chức, hay chí ít cũng bị điểm mặt chỉ tên, vạch rõ trách nhiệm? Và mỗi lần nói về cái sự ì ạch của dự án thì người ta lại tuôn ra lý do “thiếu kinh nghiệm vì đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam”.
Ai cũng bảo, rồi lại hòa cả làng. Thì đã có vô khối dự án của Hà Nội chậm tiến độ đấy thôi, như cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, và mới nhất là ở dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Bộ GTVT đã xác định, việc chậm giải phóng mặt bằng của các cơn quan thuộc Hà Nội cũng khiến cho dự án bị đội thêm 25 triệu USD. Suy cho cùng, đấy cũng là mồ hôi, nước mắt của dân. Nhưng cho tới giờ, cũng chẳng thấy ai bị kỷ luật. Chưa một ai phải chịu trách nhiệm cụ thể vì những thiệt hại như vậy.
Nhớ lại trước đó vào ngày 24/2, trong một cuộc họp bàn triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, ông Thảo đã chỉ thẳng ra là các đơn vị đang “làm ăn theo kiểu sờ mó”, và ra “tối hậu thư” cho huyện Từ Liêm chậm nhất đến 30/4 phải hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng.
Tối hậu thư của Chủ tịch Hà Nội được ban ra, nhưng đã quá hạn 4 tháng mà giải phóng mặt bằng ở quận Bắc Từ Liêm (nơi đặt ga đề-pô) vẫn rối như canh hẹ. Và có lẽ, rồi người ta sẽ lại giải thích: Vì huyện Từ Liêm tách thành hai quận nên tiến độ giải phóng mặt bằng cũng phải chậm lại vài tháng như vậy?
Và cho đến bây giờ, hơn 40 hộ dân ở phường Tây Tựu vẫn chưa chấp nhận phương án đền bù mà mà huyện Từ Liêm đã áp đặt cho họ, với lý do làm sai Nghị định của Chính phủ khiến dân thiệt đơn, thiệt kép. Thậm chí, có cả tình trạng cùng một thửa đất, nhưng huyện Từ Liêm lại có 2 quyết định thu hồi với nội dung khác nhau. Những vướng mắc như vậy đã tồn tại suốt từ năm 2007 đến nay, có người dân còn bức xúc đến độ đâm đơn kiện đích danh Chủ tịch Hà Nội ra tòa.
Cách đây 4 tháng, ông Thảo đã từng nổi cáu và đe cấp dưới là sẽ yêu cầu thanh tra công vụ vào cuộc để xử lý trách nhiệm, nếu cứ làm ăn thế này. Nhưng cho tới giờ, khi cả giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công đều ì ạch thì Chủ tịch Hà Nội cũng chưa hề có một hành động mạnh tay đáng kể để chấn chỉnh.
Mỗi ngày trôi qua trong sự chậm trễ ấy, dự án sẽ ngốn thêm bao nhiêu tiền? Con số ấy bây giờ chưa xác định chính xác, nhưng có một điều khác đã rõ đấy là tiền thuê tư vấn đã bị đội thêm hàng triệu Euro. Sau khi phải bồi hoàn cả trăm tỷ đồng cho đơn vị tư vấn Systra, Ban quản lý dự án làm theo chỉ đạo của TP Hà Nội ký gia hạn hợp đồng mới với đơn vị này, nhưng giấu nhẹm chuyện tiền nong.
Cho tới gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố con số 27,3 triệu USD (gồm 20,8 triệu USD cho hợp đồng thời gian và 6,5 triệu USD cho hợp đồng trọn gói) và yêu cầu Hà Nội phải giải trình, thì dân tình mới tá hỏa vì lại có thêm vài trăm tỷ đồng đội nón ra đi. Ấy vậy mà ông Nguyễn Quang Mạnh – Giám đốc Ban quản lý dự án thì lại cho rằng, đó chỉ là sự hiểu lầm, vì số tiền phát sinh ấy đã nằm trong sự tính toán cho phép.
Nhiệm kỳ của ông Thảo tại Hà Nội chẳng còn bao lâu nữa, và có lẽ khi vị Chủ tịch TP đã nghỉ hưu thì dự án này và nhiều dự án khác vẫn đang dang dở. Liệu rằng trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại, ông Thảo có đủ uy quyền để loại bỏ những cán bộ yếu kém đang làm mục ruỗng Thủ đô? Nói như Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương: “Ăn lương của dân mà vô dụng thì phải thay”.
Ai thực sự vì xã tắc, ai chỉ vì cái ghế của mình, dân đều biết cả!