Hà Nội đang giấu dân để xây dựng công trình sát Hồ Gươm

08/11/2014 07:44
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Dương Trung Quốc cho biết, kiên quyết phản đối các công trình vi phạm không gian lịch sử. Và việc âm thầm xây dựng của Hà Nội cần phải được nhắc nhở.

Sau một thời gian tạm dừng vì bị dư luận phản đối, dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ) lại âm thầm triển khai. 

Tòa nhà này cao 3 tầng, do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư. 

Điều đáng nói là nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hóa và cả kiến trúc sư lo lắng, khi tòa nhà này mọc lên sẽ phá vỡ không gian lịch sử quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. 

Bên lề kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục gửi thư nhắc nhở lãnh đạo TP Hà Nội.

Ông nghĩ sao khi có một công trình xây dựng ngay sát Hồ Gươm, gây ảnh hưởng tới không gian lịch sử quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục mà không công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ việc xây dựng ở đô thị nhất là những vùng nhạy cảm như quanh Hồ Gươm là một vấn đề rất hệ trọng, nó không chỉ mang tính hợp lý mà quan trọng là phải hợp lòng người, trong khi đó Hồ Gươm của chúng ta ngày càng bị thu hẹp không gian công cộng, những thiết chế văn hóa, những cái cảnh quan văn hóa cũng ngày càng nghèo nàn. Vậy nên chuyện thu hẹp không gian ấy theo tôi lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng như Hà Nội phải cân nhắc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đề nghị Hà Nội phải làm rõ những lo lắng băn khoăn của dư luận trước khi tiếp tục thực hiện dự án. Ảnh: Ngọc Quang.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đề nghị Hà Nội phải làm rõ những lo lắng băn khoăn của dư luận trước khi tiếp tục thực hiện dự án. Ảnh: Ngọc Quang.

Công trình xây dựng này đã bị dừng một lần rồi chính là do dư luận xã hội không đồng tình, vậy khi triển khai tiếp thì phải trả lời câu hỏi dư luận xã hội đã đặt ra trước đây nhiều năm. Không có gì tốt bằng công khai cái chuyện đó lên, xây ở đó cái gì, kiến trúc như thế nào, tác động đến cảnh quan đến đâu, có tác động xấu không... trả lời được tất cả những câu hỏi đó thì mới đạt được sự đồng thuận cao.

Tôi đề nghị Hà Nội cần làm công khai chuyện này ra trên các phương tiện thông tin đại chúng; phải mang chuyện này ra để bàn thảo và để bàn về việc nên lấy không gian ấy là một biểu trưng văn hóa hơn hay để làm một tòa nhà hơn.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một di tích lịch sử nên cần phải được tôn tạo giữ gìn, mà chính ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội từng nói “đụng vào một viên gạch ở đây cũng không xong, phải tính kỹ”. Nhưng dường như từ phát ngôn tới hành động thực tế thì có một khoảng cách xa khi mà cấp dưới của ông Thảo đang âm thầm xây dựng tại không gian này?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo bày tỏ thái độ đó là đúng. Có thể nói không gian nói về giá trị của nó ngoài cái giá trị đã được định hình nó còn là không gian mở nối kết khu phố cổ, với Hồ Hoàn Kiếm.

Lâu nay, chúng ta chưa quan tâm đúng mức vẫn tồn tại một cái kiến trúc mà mới chỉ sửa chữa lại mà chưa phát huy được công năng của nó ngoài cái đài phun nước. Vậy tại sao quận Hoàn Kiếm, Hà Nội không đầu tư trí tuệ vào để mở rộng cái không gian này cũng là để chỉnh trang không gian này? Tôi cho rằng đây là một cơ hội để làm việc này.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng đây là mảnh “đất kim cương” nên người ta có thể lờ đi không gian văn hóa lịch sử, với rất nhiều các lý do khác nhau?

Ông Dương Trung Quốc: Có lẽ họ cũng tận dụng cái kiến trúc đang bị đổ nát để biến thành một chỗ cho cái cơ quan có liên quan đến không gian ấy để quản lý và cho nó tiện về mặt địa bàn, nhưng tôi nghĩ đấy chỉ là một phương án còn nhiều phương an tốt hơn. Còn theo tôi lịch sử thì không phải ở đâu cũng có nhưng một ngôi nhà để ở thì ở đâu cũng có và ngôi nhà làm việc thì ở đâu cũng vậy. Tôi nghĩ là phải cân nhắc lại chuyện xây dựng đó.

Ông từng viết tâm thư để phản đối UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội xây dựng công trình bê tông này giữa quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nó làm phá vỡ cảnh quanh văn hóa. Lần này, ông sẽ làm gì khi biết tin họ sẽ tiếp tục xây dựng?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi cũng làm công văn để nhắc nhở lãnh đạo Hà Nội về việc xây dựng này. Tôi mong muốn là công trình đó nó đáp ứng nhu cầu đòi hỏi chính đáng của người dân nói chung và dư luận cũng như cá nhân tôi.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Quang