Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng sức mạnh tổng hợp

16/07/2014 15:04
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng của tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp...

Bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng

Sáng nay, 16/7, Chính phủ tổ chức họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Tại đây, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đã báo cáo cập nhật tình hình liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Theo đó, từ tối 15/7, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan về hướng đảo Hải Nam và đến sáng ngày 16/7, giàn khoan 981 cùng tàu hộ tống bảo vệ đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng của tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam.

Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và cùng phát triển. Với tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc và các bên liên quan đàm phán hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục chủ động và kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục chủ động và kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

Trước đó, từ ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam, sử dụng hàng trăm tàu hộ tống, có cả tàu quân sự, máy bay. Các tàu của Trung Quốc đã hung hăng đâm va, phun vòi nước công suất lớn làm hư hỏng nhiều tàu và làm bị thương nhiều cán bộ thực thi pháp luật của Việt Nam; đặc biệt, đã có hành vi vô nhân đạo đâm chìm tàu cá, đe dọa nghiêm trọng tính mạng của ngư dân Việt Nam.

Những hành vi này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bà con ngư dân, đồng bào ta cả trong và ngoài nước với lòng yêu nước nồng nàn đã biểu thị thái độ và trách nhiệm cao, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. 

Việt Nam trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam; lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục chủ động và kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Đồng thời đoàn kết một lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực về mọi mặt của đất nước. 

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không xâm phạm vùng biển trong tương lai

Từ ngày 2/5/2014 đến nay, Việt Nam đã nhiều lần gửi công hàm, tiếp xúc trên 30 lần ở nhiều cấp khác nhau để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào vùng biển của Việt Nam – hành động xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trong các công hàm và tại các lần tiếp xúc này, Việt Nam luôn yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Để bảo vệ hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc triển khai hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự vào vùng biển của Việt Nam. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc chủ động đâm va các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Nhiều bằng chứng dưới dạng băng hình và hình ảnh được thực hiện bởi các phóng viên quốc tế được Việt Nam mời ra hiện trường cho thấy rõ ràng các hành động bạo lực và hung hăng của Trung Quốc như đâm húc, bắn vòi rồng vào các tàu của Việt Nam, làm bị thương hàng chục cán bộ và đâm hỏng nhiều tàu của các cơ quan thực thi pháp luật dân sự của Việt Nam và đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam (ngày 26/5/2014) mà không xem xét đến an toàn và tính mạng của ngư dân Việt Nam.

Các hành động của Trung Quốc đã không chỉ vi phạm quy định cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế mà còn là hành vi vô nhân đạo đối với những người đi biển.

Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng của tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng của tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng các quyền của Việt Nam được xác định bởi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và ngay lập tức chấm dứt các hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981, tàu và các phương tiện, thiết bị khác khỏi vùng biển của Việt Nam và không xâm phạm vùng biển của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc giải quyết tất cả các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tránh để căng thẳng kéo dài và tránh dẫn đến xung đột giữa hai nước.

Ngày 16/7, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và "yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương-981 quay trở lại".

Ngọc Quang