Kinh ngạc với cách lấy ý kiến của lãnh đạo Hà Nội

03/11/2014 06:02
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Những tiết lộ bất ngờ từ người trong cuộc về cách lấy ý kiến chuyên gia trong việc xây cầu đường sắt vượt sông Hồng của UBND TP Hà Nội có thể sẽ gây sốc.

Ngày 28/10 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cùng UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội thảo về phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng. Được biết, có đến 9/15 ý kiến đồng ý với phương án xây cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét.

Thế nhưng, những tiết lộ bất ngờ từ chính người trong cuộc - TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu - Đường Việt Nam – người được mời tham dự hội thảo này về cách lãnh đạo Hà Nội lấy ý kiến chuyên gia có thể sẽ khiến không ít người kinh ngạc.

Tại hội thảo về phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cùng UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 28/10 vừa qua, có 9/15 ý kiến đồng ý với phương án xây cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét. Theo ông điều này có ý nghĩa gì?

Kinh ngạc với cách lấy ý kiến của lãnh đạo Hà Nội ảnh 1Nếu QH bỏ phiếu sân bay Long Thành: Chính phủ phải chi 142,5 triệu USD

(GDVN) - Nếu Quốc hội bấm nút "cho chủ trương" xây sân bay Long Thành, lập tức Chính phủ phải rút ngân sách chi cho Bộ GTVT và Chủ đầu tư 142,5 triệu USD...

Hôm đó tham dự cuộc hội thảo chủ yếu là các nhà sử học, các nhà di sản văn hóa, rất ít giới chuyên môn. Hà Nội đã tổ chức hội thảo để các vị đó chọn phương án xây dựng cầu và các vị đó đã “bỏ phiếu” cho phương án 75 mét.

Theo như tuyên bố của ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, có 5 vị không ủng hộ phương án đó và họ là các nhà quy hoạch, chuyên gia giao thông. Cá nhân tôi cũng là một người tham dự hội thảo trên, tôi không hiểu chủ trương bỏ phiếu như vậy sẽ nói lên điều gì?

Chưa kể, khi chúng tôi đến họp không thấy ai nói đến chuyện bỏ phiếu. Trên thực tế trong suốt hội thảo cũng không có ai đưa phiếu để bỏ cả. Vậy nên việc báo chí đưa có 9/15 phiếu ủng hộ, còn lại không ủng hộ theo tôi là không khách quan.

Theo ông tại sao người ta bác phương án 30 mét trước đây từng được Bộ Giao thông vận tải phê chuẩn?

Vì nó quá gần cầu Long Biên. Cầu Long Biên hiện dài hơn 1.000 mét. Khi làm cầu mới quá gần cầu Long Biên như vậy việc phục chế nó không đơn giản mà có khi lại tốn rất nhiều tiền của.

Phương án xây cầu mới cách cầu cũ 75 mét có khả thi hơn phương án trên không thưa ông?

Cả hai phương án trên đều không có gì khác nhau, thậm chí 75 mét còn tệ hơn 30 mét. Lý do là bởi phía các nhà tư vấn TEDI đã lập ra một bảng biểu xem qua thì rất thuyết phục ở chỗ tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng với phương án 75 mét, nhưng thực tế không phải vậy.

Để đổi lấy chút tiền tiết kiệm được từ việc giải phóng mặt bằng, phương án 75 mét lấy đi toàn phố hàng Đậu và một phần phố Phùng Hưng của người Hà Nội. Cần phải hiểu phố cổ bao gồm nhà, phố, các vật kiến trúc và tất cả những gì liên quan trong khu vực được bảo tồn.

Kinh ngạc với cách lấy ý kiến của lãnh đạo Hà Nội ảnh 2Mở rộng Tân Sơn Nhất 2 tỷ USD hay xây sân bay Long Thành 18 tỷ USD?

(GDVN) - TS Nguyễn Bách Phúc thẳng thắn chỉ ra con số 9,1 tỷ USD để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất như Bộ Giao thông Vận tải đưa ra công luận là không thỏa đáng.

Nói cách khác, phố là một nội dung hết sức quan trọng. Phố hàng Đậu trong kí ức của rất nhiều người Hà Nội là con đường của lịch sử. Nay mai, phố hàng Đậu lại là phố chính để dẫn lên cầu Long Biên. Nếu Hà Nội định phục chế cầu Long Biên trong khi phố hàng Đậu chỉ còn nhỏ hẹp với 2 làn xe chưa đầy 3 mét/bên do nhường diện tích đất xây dựng cầu đường sắt mới thì chúng ta sẽ đi lên cầu Long Biên như thế nào?

Chẳng lẽ lúc đó Hà Nội lại bàn chuyện mở một con đường mới dẫn lên cầu Long Biên? Rồi lại phải mất tiền giải phóng mặt bằng. Như thế có khi còn tốn kém hơn!

Tức là ông ủng hộ phương án 186 mét hơn?

Đúng vậy. 186 mét hoặc là xa hơn nữa. Cách đây 3 – 4 năm, chính Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đề xuất phương án này. Chính họ đã lập lên quy hoạch đó, thậm chí còn cử cán bộ đi điều tra số lượng nhà cửa, dân cư...thuộc diện phải giải phóng mặt bằng nếu thực hiện theo phương án đó.

Và tôi nghĩ không ít người dân thủ đô mặc định rằng nếu không dùng phương án 30 mét, chắc chắn Hà Nội sẽ theo phương án 186 mét chứ không phải 75 mét. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch đó rồi. Như vậy có thể thấy đã có các văn bản pháp lý liên quan tới việc đó.

Câu hỏi mà tôi và rất nhiều chuyên gia cũng đang muốn đặt ra đó là: Vì lý do gì mà Hà Nội bỏ phương án đó?

Ngoài ra, tôi cũng có thêm một thắc mắc là vì sao cả bộ tài liệu tư vấn về các phương án xây dựng cầu, bản báo cáo so sánh về các phương án cũng như trong tóm tắt báo cáo của TEDI không nêu một tí gì về việc phương án 75 mét sẽ “ngoạm” cả phố hàng Đậu?

Tôi là một nhà chuyên môn, chỉ cần nhìn hình minh họa là tôi biết ngay phương án này sẽ lấy phố hàng Đậu. Khi tôi hỏi lại phía TEDI họ cũng thừa nhận như thế trong khi rất nhiều người không phải nhà giao thông học còn chưa hiểu ra vấn đề trên nên đã ủng hộ phương án này.

Như vậy, lãnh đạo Hà Nội sẽ lại phải “đau đầu” lo giải bài toán chi phí giải phóng mặt bằng?

Không riêng gì dự án này, tất cả các dự án làm trong đô thị đều vấp phải vấn đề giải phóng mặt bằng. Đó là vấn đề lớn, một công việc hết sức khó khăn, cực nhọc và không phải cứ có tiền là giải quyết được bởi việc đó động chạm tới người dân.

Kinh ngạc với cách lấy ý kiến của lãnh đạo Hà Nội ảnh 3Chủ quyền quốc gia, lãnh đạo bận họp và âm mưu ác độc của loài Tu hú

(GDVN) - Dù ra đời nhờ tổ chim chích, nhưng khi vừa mới nở, Tu hú đã dùng sức mạnh đẩy chim chích non, những quả trứng còn lại rơi xuống đất, để nó độc chiếm cái tổ...

Chính vì thế, trong quy hoạch tổng thể về giao thông Hà Nội trước đây, người ta đã đưa ra một nguyên tắc: từ đường vành đai 2 trở vào, tất cả các công trình giao thông kiểu metro phải làm ngầm. Từ vành đai 2 đến vành đai 3, so sánh giữa đi ngầm và đi trên cao. Từ vành đai 3 trở ra, so sánh giữa đi trên cao và đi bằng.

Thế nhưng, đến nay, kể cả nguyên tắc ấy và nguyên tắc: chỉ giới phố cổ không được vi phạm đều bị bỏ qua trong 3 phương án xây cầu kể trên.

Thiết nghĩ, chúng ta phải tìm cách giải quyết, tháo gỡ khó khăn này cho thỏa đáng chứ không thể nói vì giải phóng mặt bằng khó nên ta đi ở giữa phố cho đỡ phải giải phóng.

Ông có nghĩ Hà Nội nên mở cuộc “trưng cầu dân ý” trước khi triển khai dự án này?

Nên chứ. Chúng ta không chỉ cần bảo tồn cầu Long Biên mà còn phải tính đến phương án bảo vệ phố cổ.

Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN