Mục tiêu của Trung Quốc là án ngữ đường hàng hải huyết mạch quốc tế

14/05/2014 07:09
VIẾT CƯỜNG
(GDVN)- Một đất nước sẵn sàng dùng xe tăng nghiến hàng ngàn thanh niên thế hệ tương lai của dân tộc mình thì chẳng còn biết đến việc thương xót một dân tộc nào khác...

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng đội quân tàu chiến hiện đại vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đang trở thành điểm nóng của dư luận trong nước và quốc tế tuần qua. Hành động này đã tạo nên bất ổn tại biển Đông, khiến nhiều nước trên thế giới phải quan ngại về chính sách bành trướng ngày càng lộ rõ của Trung Quốc. 

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất cao tấn công tàu Việt Nam
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất cao tấn công tàu Việt Nam

Để có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn về “ý đồ” này của người láng giềng Trung Quốc, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam có phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lê Bảo – chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc và Châu Á, giảng viên khoa Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

PGS.TS Trần Lê Bảo
PGS.TS Trần Lê Bảo

PV: Thưa ông, là một người có nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc và Châu Á, ông có bất ngờ trước việc mới đây Trung Quốc đưa giàn khoan 981 cùng đội quân tàu chiến vào vùng biển Việt Nam? Ông đánh giá như thế nào về hành động này của láng giềng Trung Quốc?

Việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam là một hành động tất yếu nằm trong âm mưu lâu dài, thể hiện trong một chuỗi những sự kiện xâm lược và gây hấn với các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam của Trung Quốc, một đất nước đầy tham vọng với ước mơ bá chủ thế giới

PV: Theo quan điểm của ông, vì sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để đưa giàn khoan 981, tàu thuyền vào Việt Nam? Mục đích của chuyến "xâm phạm" này là gì, kinh tế hay chính trị?

Trung Quốc chọn thời điểm đưa giàn khoan vào Việt Nam khi tổng thống Mỹ vừa có chuyến công du các nước châu Á, để khẳng định chuyển hướng sang châu Á của chính phủ Mỹ. Trong đó đặc biệt khẳng định sự ủng hộ với Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippin là ba đồng minh quan trọng của Mỹ. Trong khi đó nước Nga đang bận rộn với Ukraina và Crimea. Về phía Trung Quốc, bản thân cũng đang diễn ra nhiều mâu thuẫn, đặc biệt các cuộc tàn sát đánh bom ở nhiều nơi trên đất Trung Quốc. Vì vậy chuyển mâu thuẫn bên trong ra bên ngoài là hành vi thường thấy trong lịch sử của các lãnh đạo Trung Quốc. Mục đích của cuộc "xâm phạm" lần này có khá nhiều. Tuy nhiên, mục đích đầu tiên là thử phản ứng nếu không muốn nói là "nắn gân" về ý đồ xoay trục sang châu Á, cùng với những lời cam kết vừa qua của tổng thống Mỹ.

Trung Quốc ngoài ý đồ chuyển mâu thuẫn đối nội sang đối ngoại, còn muốn nhân dịp này hiện thực hóa đường lưỡi bò bằng việc cắm giàn khoan trên vùng biển Việt Nam như một mốc biên giới di động, một mặt phá vỡ thế bao vây của Mỹ và các đồng minh, một mặt vươn lên làm chủ biển Đông, án ngữ đường hàng hải huyết mạch quốc tế.

Một thực tế là Trung Quốc đã có ý đồ vươn ra biển từ lâu. Từ những tranh chấp đến xâm lược các đảo trong khu vực biển Hoa Đông và biển Đông. Việc tập trung xây dựng các đội tàu lớn với những phương tiện chiến tranh trên không trên biển và cả chiến tranh không gian vũ trụ đều chuẩn bị cho việc thực hiện xâm chiếm không gian biển bằng sức mạnh của nước lớn đối với các nước nhỏ hơn. Thêm nữa, tài nguyên biển Đông vốn giàu có, đặc biệt tài nguyên dầu khí với trữ lượng vô cùng lớn khiến Trung quốc càng đặt quyết tâm xâm lược biển Đông để thỏa mãn “con rồng tham lam Trung Quốc” vốn đang đói khát về nguyên nhiên liệu để phát triển.

Để vươn ra biển, Trung Quốc phải tranh chấp với Nhật Bản, Philippin và Việt Nam. Tranh chấp với Nhật đảo Senkaku còn đang rất nóng bỏng, thì tổng thống Mỹ khẳng định đó là lãnh thổ của Nhật Bản và sẵn sàng ủng hộ Nhật bảo vệ đảo này. Với Philippin thì quá xa và đây cũng là nước đồng minh của Mỹ. Nước này lại đang kiện Trung Quốc lên toàn án quốc tế, lại thêm họ vừa bắt ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá ở vùng biển mà Philippin quản lý. Chỉ còn Việt Nam cho dù có những bước phát triển, đổi mới kinh tế xã hội và thực lực quân sư, nhưng cũng khó mà so bì được với một đất nước rộng lớn, có hàng tỉ dân và quan tâm đặc biệt cho quân sự như Trung Quốc.

Lại thêm Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn về kinh tế kể cả những khó khăn về ngoại giao, trước một Trung Quốc đầy tham vọng xảo quyệt, nói không đi đôi với làm. Một đất nước người ta sẵn sàng dùng xe tăng nghiến đi nghiến lại hàng ngàn thanh niên thế hệ tương lai của dân tộc mình thì chẳng còn biết đến việc thương xót một dân tộc nào khác trên thế giới này. Việt Nam lại nằm trong vị thế địa chính trị gần gũi với Trung Quốc, cho nên việc đặt giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam cũng là một bước thực hiện giấc mộng Trung Hoa.

PV: Ông có cho rằng Trung Quốc sẽ còn nhiều hành động gây hấn khác với các nước lân cận trong thời gian tới?

Trung Quốc sẽ còn tiếp tục hiện thực hóa tham vọng bá quyền này trên biển Đông cũng như các vùng biển khác.

PV: Theo ông, người dân và Chính phủ Việt Nam cần làm gì trước hành động ngang ngược trên của Trung Quốc?

Việt Nam lại phải đối diện với một thử thách vô cũng khó khăn và nguy hiểm mới. Việt Nam cần huy động sức mạnh tổng thể của toàn dân tộc, đặc biệt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trên dưới một lòng, phát huy ý chí tự lực tự cường. Cần đoàn kết với bà con người Việt ở khắp năm châu, tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, thống nhất ý chí tạo thành sức mạnh ủng hộ trực tiếp từ khu vực. Làm cho thế giới thấy chính nghĩa và lẽ phải thuộc về nhân dân Việt Nam. Cần có những phương pháp thích hợp trong từng tình huống nhưng về nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ là kiên quyết không thể khoan nhượng.  

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông
VIẾT CƯỜNG