Người ta vội vàng lát đá vỉa hè Thủ đô để làm gì?

27/02/2018 09:26
Bạch Đằng
(GDVN) - Bà Bùi Thị An nhấn mạnh: “Lãnh đạo thành phố phải ra chỉ thị thanh tra lại. Phải làm rõ các nguyên nhân để không có sự lặp lại sai lầm, gây lãng phí".

Ngày 13/2, Thanh tra thành phố Hà Nội công Kết luận Thanh tra Thành phố về các Dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận.

Kết luận đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, trong đó nhiều quận chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

Thậm chí chưa làm đồng bộ hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật khi cải tạo lát đá hè.

Thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm trong lát đá vỉa hè tại Hà Nội (ảnh minh họa - nguồn baogiaothong.vn).
Thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm trong lát đá vỉa hè tại Hà Nội (ảnh minh họa - nguồn baogiaothong.vn).

Điều này là đi ngược hoàn toàn với chủ trương và mục đích của việc lát đá vỉa hè có độ bền 50 – 70 năm.

Chủ trương này ra đời, không ít người kỳ vọng sẽ chấm dứt được tình trạng vỉa hè vừa làm xong đã bị bới lên, vừa làm xong đã hỏng.

 Chưa hạ ngầm kỹ thuật đã lát đã vỉa hè nhằm mục đích gì?

Kết luận thanh tra chỉ ra một số Ủy ban nhân dân quận chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, cụ thể chưa tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè.

Chưa đồng bộ cải tạo hè với cải tạo, chỉnh trang mặt tiền đô thị để đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan khu vực, ví dụ như: quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân.

Một số dự án chưa làm đồng bộ hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật khi cải tạo lát đá hè, như: Tại quận Ba Đình, có 3 dự án.

Tại quận Hà Đông, có 2 tuyến là phố Ngô Thì Nhậm và đường N3, K3 chạy xung quanh Ủy ban nhân dân quận chưa được hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin.

Nhưng với cách làm chưa đồng bộ hạ ngầm, đường nước, dây điện, cáp viễn thông đã lát hè thì sớm hay muộn những vỉa hè có tuổi thọ 50 – 70 năm này sẽ bị chế yểu.  

Ngoài ra, thanh tra cũng đã chỉ ra nhiều điểm bất thường như chênh lệch giá vật liệu, giá nhân công ở các quận…

Rồi việc, quản lý, thanh lý gạch lát hè cũ dỡ ra, các vật tư dây điện, xà, xứ của đường dây dỡ ra khi hạ ngầm còn chưa thực hiện đúng quy định...

Sau khi kết luận thanh tra được công bố, dư luận thực sự bất ngờ bởi việc sai phạm trong chủ trương lát đá vỉa hè có tính phổ biến.

Dấu hỏi đặt ra lúc này là những công trình sai phạm như trên sẽ được xử lý như thế nào khi tiền thuế của người dân đã được đem đi đầu tư rồi?

Trách nhiệm của các cá nhân, tập thể được xử lý ra sao, khi cho tiến hành dự án nhưng không đúng với chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố đề ra?

Không ít những nghi vấn về khuất tất đằng sau các dự án này cần thiết phải được trả lời rạch ròi cho dư luận rõ.

Đặc biệt, nguyên nhân vì đâu dẫn đến các sai phạm đó thì trong kết luận thanh tra vẫn chưa làm rõ hết ngọn ngành.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (ảnh: Ngọc Quang/giaoduc.net.vn).
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (ảnh: Ngọc Quang/giaoduc.net.vn).

Trước những băn khoăn trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành trao đổi với bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội.

Theo bà Bùi Thị An: “Về chủ trương lát đá vỉa hè có tuổi thọ 50 đến 70 năm là chủ trương tốt.

Chủ trương này có sự tham khảo nhiều thành phố trên thế giới. Việc lát đá nên độ bền lâu dài, độ thẩm mỹ đẹp.

Chủ tương tốt nhưng trong quá trình thực hiện những người thực hiện không làm chi tiết, không làm đầy đủ”.

Người ta vội vàng lát đá vỉa hè Thủ đô để làm gì? ảnh 3Phát hiện mới: “Con ông cháu cha… vỉa hè”!

Bà Bùi Thi An cũng cho rằng: “Để hạn chế việc làm tùy tiện trong toàn thành phố Hà Nội những phố nào có thể làm được phải được liệt kê báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố.

Khi nào, các tuyến phố này được phê duyệt thì mới cho tiến hành làm.

Còn để xảy ra sai phạm hàng loạt như vậy cần thiết phải truy trách nhiệm đến cùng.

Tại sao chủ trương đã có và quy định rõ ràng nhưng vẫn làm sai, lỗi ở đâu, ai, khâu nào cần phải được “chỉ mặt đặt tên” cụ thể.

Thi công, giám sát phải xem có thực hiện đúng hay không?  Người lên phương án, người duyệt phương án là ai, vì sao đưa ra các phương án như vậy?”.

Trước những sai phạm có tính hệ thống, đại trà khi thực hiện chủ trương lát đá vỉa hè độ bền 50 – 70 năm của thành phố Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An có ý kiến:

“Đề nghi xem xét tại sao lại xảy ra như thế, vì sai phạm không chỉ ở một tuyến phố mà nhiều tuyến phố đến như vậy?

Vấn đề sai sót nằm ở chỗ nào phải làm cho rõ, cho đến nơi.

Tôi đề nghị cho thanh tra cụ thể từng dự án. Tại sao lại có một số tuyến phố làm một cách vội vàng, bỏ qua những quy định.

Vội vàng như thế để làm gì, vì sao?”.

Cuối cùng bà Bùi Thị An nhấn mạnh: “Lãnh đạo thành phố phải ra chỉ thị thanh tra lại, làm lại, nhìn lại.  

Phải làm rõ các nguyên nhân để không có sự lặp lại sai lầm về sau, gây lãng phí cho thành phố và khiến dư luận chưa hài lòng”.

Mỗi nơi một giá đến khó hiểu!

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra tồn tại trong việc xác định giá đá lát hè, tính đơn giá nhân công lát đá hè khi lập, thẩm định, phê duyệt các dự án:

- Giá đá áp dụng trong dự toán các dự án chưa thống nhất, có nơi tính cao, có nơi tính thấp (giá đá kích thước 40x40x4cm dự án tại quận Nam Từ Liêm từ 270.000 – 300.000 đồng/m2 ; các dự án ở quận Hà Đông giá đá lát hè kích thước 40x40x4cm là 410.000 đồng/m2 ; đặc biệt tại các dự án ở quận Hoàn Kiếm, giá đá lát kích thước 40x40x5cm đơn giá 550.000 đồng/m2 ).

- Về đơn giá nhân công, đơn giá máy của đơn giá lát đá trong dự toán các dự án tại các quận cũng khác nhau, cụ thể: tại quận Hoàn Kiếm áp dụng mã hiệu AK.56110: đơn giá nhân công: 116.952 đồng/m2 , đơn giá ca máy: 34.929 đồng/m2 ; tại quận Long Biên áp dụng mã hiệu AK.51240: đơn giá nhân công: 19.974 đồng/m2 , đơn giá ca máy: 4.448 đồng/m2 ;

Quận Thanh Xuân áp dụng mã hiệu AK.56110: đơn giá nhân công: 81.873 đồng/m2 , đơn giá ca máy: 22.239 đồng/m2 …

Từ việc áp dụng giá đá, đơn giá nhân công, đơn giá máy lát đá hè không đồng nhất nêu trên đã dẫn đến việc hiểu không đúng của các doanh nghiệp, người dân và dư luận.

Bạch Đằng