Sửa án do lỗi của thẩm phán quá lớn
Thảo luận tại hội trường về công tác của ngành tòa án, kiểm sát, chiều 25/10, Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) chỉ rõ, những bản án kém đang gây ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.
Đại biểu Nghĩa nêu thí dụ: Năm 2014, ngành công an đã khởi tố điều tra hơn 159.000 bị can, nhưng phải tạm đình chỉ điều tra hơn 3.200 bị can, đình chỉ điều tra 2.300 bị can. Đặc biệt, có 91 công dân bị oan sai, trong đó phải đình chỉ điều tra 60 bị can do hành vi không cấu thành tội phạm, đã hết thời gian điều tra nhưng không chứng minh được bị can cấu thành tội phạm. Ngành toà án tuyên 21 bị cáo không phạm tội.
“Điều này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp phụ trách vụ án có vấn đề, hoặc là trình độ, năng lực hạn chế, nóng vội, chủ quan hoặc xem nhẹ trách nhiệm của mình trước nhân dân. Khi khởi tố bị can không cân nhắc, xem xét thấu đáo các tình tiết.
Đề nghị các ngành công an, kiểm sát báo cáo trước Quốc hội đã xử lý những điều tra viên, kiểm sát viên này như thế nào?Nếu không xử lý thì không có tác dụng răn đe, số người bị oan ngày càng tăng lên, mất lòng tin của nhân dân vào công lý, chế độ”, Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
ĐBQH Huỳnh Nghĩa đặt ra vấn đề, ở nhiều vụ án dù thẩm phán giỏi nhưng vì sao vẫn phải sửa án? |
Về công tác xét xử, năm 2014, ngành toà án đã giải quyết xét xử hơn 385.300 vụ án, trong đó có trên 6.200 vụ án sửa lỗi chủ quan của thẩm phán.
“Đây là con số không hề nhỏ, gợi nhiều suy nghĩ. Thực tế, lỗi chủ quan là lỗi chính của thẩm phán. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lỗi này, như nhận thức, năng lực hạn chế, tuy nhiên cũng không ít thẩm phán giỏi nhưng án bị huỷ, sửa rất nhiều.
Vậy vấn đề ở đây là gì, đây là câu hỏi lớn cần được trả lời từ những người có trách nhiệm của ngành toà án, trong đó đặc biệt thụ lý những vụ án dân sự, kinh tế, thương mại có giá trị tranh chấp lớn, huỷ đi huỷ lại nhiều lần, qua các phiên toà sơ thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm kéo dài nhiều năm gây hoang mang bức xúc cho đương sự, đồng thời làm tốn kém tiền bạc của nhà nước, mất lòng tin của người dân đối với ngành toà án, đề nghị quốc hội tăng cường giám sát việc xét xử các toà án này, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật", Đại biểu Nghĩa nhận định.
Không thể vì sợ đền bù mà để xảy ra oan sai
Đại biểu Bùi Văn Hùng (đoàn Bình Phước) nhận định, công tác giải quyết xét xử khiếu kiện hành chính chưa đạt yêu cầu. Qua tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư của người dân, ông thấy rằng người dân chưa thực sự tin tưởng việc đưa ra toà để phán quyết xử đúng sai các quyết định hành chính của chính quyền.
Tình trạng thụ lý án kéo dài quá lâu gây bức xúc cho dư luận, người dân thấy bế tắc và hệ quả tất yếu là sẽ dẫn tới nhiều vụ khiếu kiện vượt cấp.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng: Tình trạng thụ lý án kéo dài đang gây bức xúc trong nhân dân, dẫn tới khiếu kiện vượt cấp. |
Đại biểu Hùng nêu thí dụ vụ kéo dài nhiều năm tại tỉnh Bình Phước, xét xử Lê Bá Mai với tội danh hiếp dâm trẻ em và giết người xảy ra năm 2013.
“Vụ án này đương sự là Lê Bá Mai đã lần lượt nhận các mức án tử hình, một bản án tuyên vô tội và tha bổng tại toà, và đến nay là bản án là chung thân về hành vi hiếp dâm trẻ em. Dư luận rất bất bình và đặt tên vụ án là kỳ án vườn mít.
Kỳ án bởi vì kéo dài quá lâu, bởi vì hai mức án quá khác biệt, hơn nữa có nhiều tình tiết đưa ra để kết tội chưa thực sự thuyết phục. Tôi đề nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét lại bản án trên, không để lọt tội phạm, nhưng cũng không để xảy ra oan sai, đặc biệt là không sợ vì bồi thường trách nhiệm mà để oan sai cho người vô tội”, Đại biểu Hùng nói.
Giải trình làm rõ những nội dung ĐBQH quan tâm, cụ thể là kỳ án vườn mít - Lê Bá Mai, ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện KSND Tối cao, cho biết: “Vụ án kéo quá dài nên chúng tôi rất thận trọng lập hai tổ phản biện độc lập. Một bên chỉ ra những vấn đề còn vướng, một bên phản biện.
Phiên toà phúc thẩm công khai có tranh tụng, có sự tham gia đông đảo của phóng viên và dư luận. Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực, bản thân Lê Bá Mai không thấy phản ứng gì, không có đơn thư kêu oan.
Chúng tôi nhân được một số phản ánh nguyên là đại biểu Quốc hội. Chúng tôi thành lập liên ngành có sự tham gia của kiểm sát viên, thẩm phán… xác minh lại những điều các đồng chí nêu, kết quả không thay đổi. Mặc dù trong quá trình điều tra có sơ suất, nhưng những điều đó không làm thay đổi vụ án. Chúng tôi sẽ có trả lời bằng văn bản, VKSND Tối cao sẽ họp và kết luận.