Ông Dương Trung Quốc: "Đừng tạo ra một quy định khó xử"

29/10/2014 07:20
Ngọc Quang
(GDVN) - Dư luận vô cùng ngỡ ngàng khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành thông tư cấm doanh nghiệp đặt tên theo danh nhân.

Đặt theo tên doanh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh vừa ký và ban hành thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL (có hiệu lực từ 25/11/2014), nêu rõ: Việc đặt tên doanh nghiệp trùng tên danh nhân trong lịch sử là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc. 

Ông Dương Trung Quốc: "Đừng tạo ra một quy định khó xử" ảnh 1Binh pháp quan trường - Kế thứ tư “Chọc gậy bánh xe”

(GDVN) - Gậy có khi là khúc gỗ, đoạn tre, có khi làm bằng sắt, có loại gậy chỉ để chống đằng trước như “gậy cà kheo”, có loại chỉ chống đằng sau như “gậy chống lưng”...

Trong trường hợp người thành lập doanh nghiệp khi đặt tên doanh nghiệp theo tên riêng của mình nhưng tên riêng này trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong giấy khai sinh của người thành lập doanh nghiệp.

Trường hợp đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.

Đặt tên doanh nghiệp cũng bị coi là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc khi sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ. Hay sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc; các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết: “Tôi đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đề nghị nên cân nhắc, đừng tạo ra một quy định khó xử”.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết đã gửi thư tới Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị cân nhắc lại quy định trên. Ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết đã gửi thư tới Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị cân nhắc lại quy định trên. Ảnh: Ngọc Quang.

Theo ông Dương Trung Quốc, Thông tư của Bộ Văn hóa cũng là thực hiện Nghị định của Chính phủ có từ lâu. Việc đó có thể bắt nguồn từ một mục tiêu rất tốt, tránh sự lạm dụng hoặc gây phản cảm, nhất là đối với một số ngành nghề, kể cả đối với một số doanh nghiệp gặp những biến cố tiêu cực.

“Phải thừa nhận văn bản này ra đời xuất phát từ những mục đích tốt, nhưng tôi cảm thấy chưa được chuẩn bị chín chắn, vì chúng ta thấy rằng rất nhiều câu hỏi chưa trả lời được. Thí dụ, trong lịch sử, khi ta nói đến nền kinh tế thời kỳ kháng chiến chống Pháp, không ai không nhắc đến Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ ở trên chiến khu; rồi thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, không ai không tự hào về Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo… Việc đặt tên đó là một cách tôn vinh.

Cũng chưa nói một cái phức tạp nữa là chúng ta coi hệ thống giáo dục, nhất là tư thục, cũng là một phần của kinh doanh. Thế thì bao nhiêu trường học mang tên danh nhân, gần như là một phương cách khá phổ biến và đây là niềm tự hào. Vậy sẽ xử lý như thế nào?”, ông Quốc đặt vấn đề.

Phải mạnh dạn sửa sai

Phân tích sâu về việc nhiều doanh nghiệp muốn đặt tên theo một danh nhân, ông Dương Trung Quốc chỉ rõ hai mục đích: Thứ nhất là nhằm tôn vinh, nhất là lấy nhân vật gắn liền địa phương, lĩnh vực mình hoạt động và mục đích thứ hai là định vị về địa lý. Thí dụ cửa hàng nha khoa của tôi ở phố Nguyễn Du để phân biệt với một bệnh viện nha khoa khác ở phố Trần Hưng Đạo.

“Có rất nhiều lý do khác nhau, bây giờ chúng ta thay đổi thì liệu có phiền phức không? Khi đặt vấn đề này, dư luận xã hội và nhất là các doanh nghiệp phản ứng cũng làm cho Bộ Văn hóa lúng túng. Cách giải thích: cái gì đã có rồi thì thôi, kể từ nay không làm nữa. Vậy tại sao lại đặt vấn đề đó? Nếu vì mục tiêu giá trị văn hóa và đúng với lĩnh vực ngành văn hóa quản lý thì lúc nào cũng có vấn đề của nó chứ không phải đến bây giờ thay đổi.

Theo tôi, vấn đề này cần nhất là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp khi lựa chọn tên doanh nhân ấy. Nếu mình tự hào thì mình phải phấn đấu xứng đáng với tên gọi đó chứ đừng để nó bê bối. Một số ngành nghề thì tránh đi không lấy tên danh nhân”, ông Quốc nói.

Trước giải thích của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là “cái nào có rồi thì để đấy còn cấm cái mới” (tức là chỉ cấm những trường hợp đăng ký mới), ông Quốc bình luận: “Nếu đặt vấn đề như thế thì không còn gì liên quan tới ý nghĩa quan trọng nhất là bảo vệ giá trị văn hóa, cho nên, không có lý do gì người trước làm được mà người sau không làm được, nếu đây là sự xúc phạm. Ở đây còn chưa nói tới chuyện là đến giờ cũng chưa có chuẩn nào về danh nhân, chưa có chuẩn nào là nhân vật tiêu cực, thì điều đó cực kỳ phức tạp.

Ông Quốc cho rằng, khi cá nhân đi đăng ký tên doanh nghiệp thì cơ quan chức năng nên làm công tác tư vấn cho họ, chứ không nên ra một văn bản pháp luật để cấm, làm cho tình hình trở nên phức tạp.

“Tôi đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là nên cân nhắc xem, đừng tạo ra quy định gì khó xử, nhất là trong lúc này chúng ta đang muốn tháo gỡ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Bộ này ban hành Thông tư để thực hiện một Nghị định của Chính phủ, nhưng khi dư luận đóng góp ý kiến thì Bộ nên lắng nghe và báo cáo Chính phủ điều chỉnh lại. Nếu không thích hợp thì ta mạnh dạn sửa, tại sao phải bắt buộc phải làm thế? Qua đây cũng phải rút kinh nghiệm để không lặp lại chuyện đó nữa”, ông Quốc bày tỏ.

Ngọc Quang