Ông Dương Trung Quốc cảnh báo về tương lai Việt Nam

22/05/2014 13:02
Ngọc Quang
(GDVN) - Nếu chúng ta không quan tâm tới giống nòi thì đừng bao giờ mơ đến cao vọng sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) tại Quốc hội sáng nay, ông Dương Trung Quốc dẫn thí dụ từ trận thua tan nát của Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam và Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đều trước đối thủ Thái Lan và nhận định: Chúng ta sẽ tiếp tục bị bỏ xa nếu không thực sự quan tâm tới việc cải thiện thể chất giống nòi.

Có một sự thật mà chúng ta phải thừa nhận là chiều cao trung bình của người Việt Nam ngày càng thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Cụ thể, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện tại mới đạt 1,63m – so với Hàn Quốc 1,73m, Trung Quốc 1,72m, Singapore, Thái Lan hay Malaysia đều đạt trên 1,7m.

“Nước ta là quốc gia đông dân thứ 13 thế giới thì cũng lại đứng thứ 13 trong số các quốc gia có gánh nặng về suy dinh dưỡng lớn nhất thế giới. Cụ thể, chúng ta đang có 2,5 triệu trẻ suy dinh dưỡng mãn tính trong đó có 1/10 suy dinh dưỡng cấp tính. Con số thống kê cho thấy trẻ em suy dinh dưỡng không chỉ có ở vùng nghèo, vùng xau, vùng xa mà ngay cả ở đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM cũng có. Nói một cách đơn giản thì 30% người Việt Nam trưởng thành mang thể trạng của một tuổi thơ suy dinh dưỡng”, ông Quốc nhấn mạnh.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Chúng ta là một trong những quốc gia sớm nhất ký công ước về quyền trẻ em mà chế độ BHYT lại không quan tâm đến việc chữa trị căn bệnh suy dinh dưỡng của trẻ em là không thể chấp nhận được. Ảnh: Ngọc Quang.
ĐBQH Dương Trung Quốc: Chúng ta là một trong những quốc gia sớm nhất ký công ước về quyền trẻ em mà chế độ BHYT lại không quan tâm đến việc chữa trị căn bệnh suy dinh dưỡng của trẻ em là không thể chấp nhận được. Ảnh: Ngọc Quang.

Cũng theo ĐB Dương Trung Quốc, thực tế trên là nghịch lý khi thực trạng này xảy ra ở quốc gia xã hội chủ nghĩa, thừa lương thực, có lượng xuất khẩu gạo đứng nhất nhì toàn cầu. Những phân tích khoa học cho thấy, suy dinh dưỡng không chỉ là hậu quả của nghèo đói mà còn là hậu quả của tình trạng thiếu hiểu biết, thiếu hướng dẫn về khoa học dinh dưỡng trong việc chăm sóc trẻ nhỏ mà một thời ở nước ta đã được khắc phục nhờ hệ thống các nhà trẻ và đội ngũ nuôi dạy trẻ thời bao cấp, mà đến nay thời đổi mới lại chưa đáp ứng được. 

Hơn thế nữa, Tổ chức Y tế thế giới đã xác định rõ ràng rằng, suy dinh dưỡng là một căn bệnh của trẻ em, cần được chữa trị. Chính sách bảo hiểm y tế ở mọi quốc gia đều coi là tấm gương phản ánh chế độ chính trị, gắn với trách nhiệm tương lai qua việc chăm sóc trẻ em.

“Chúng ta là một trong những quốc gia sớm nhất ký công ước về quyền trẻ em mà chế độ BHYT lại không quan tâm đến việc chữa trị căn bệnh suy dinh dưỡng của trẻ em là không thể chấp nhận được. Cho dù chúng ta đã có chương trình mang tính chiến lược quốc gia về vấn đề này, nhưng chính hiện trạng đã nêu ở trên cho thấy sự kém hiệu quả một khi chưa đưa nó vào luật để điều chỉnh.

Những phân tích khoa học còn cho thấy, BHYT của chúng ta đã đưa trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng thụ hưởng mà lại bỏ qua không chữa trị một căn bệnh có ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của các cháu và là nguồn nhân lực của xã hội sẽ làm cho luật BHYT thiếu sự hoàn thiện và không thuyết phục khi chúng ta luôn nhắc tới tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi thế hệ trẻ thơ như búp trên cành, chính là cao vọng sánh vai với các cường quốc năm châu”, ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, nội dung khám tư vấn dinh dưỡng và điều trị dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi cần phải nhanh chóng được bổ sung vào nội dung khám chữa bệnh bằng BHYT. Thực chất, nó chỉ là sự bổ sung một căn bệnh mà thế giới đã khuyến cáo có nguy hại cho tương lai quốc gia.

Ông Quốc phân tích: “Thực tiễn nóng bỏng mới đây khi rất nhiều bệnh dịch bùng phát cướp đi sinh mạng của nhiều cháu nhỏ mà kết luận của giới y tế đã nhận ra rằng hậu quả tử vong có sự góp phần của thể trạng suy dinh dưỡng, đã hạn chế khả năng đề kháng của nhiều cháu. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ rõ, trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ tử vong gấp 9 lần những trẻ không suy dinh dưỡng.

Nếu chúng ta không quan tâm đến đòi hỏi tối thiểu, chính đáng và hợp lý này thì chúng ta đừng bao giờ mơ đến việc sánh vai cùng các nước trong khu vực, chứ đừng nói đến cao vọng của một dân tộc sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Mong Quốc hội quan tâm đến các cháu, cũng là hậu duệ của chúng ta và là tương lai của đất nước”.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đề nghị ngành y tế cần phải bổ sung nội dung khám dinh dưỡng, điều trị dinh dưỡng và BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.

“Trẻ em hôm nay là nguồn lực cho đất nước mai sau, muốn có chất lượng tốt thì phải chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tốt từ bé. Thể lực của người Việt Nam thì yếu và thể hiện rõ nhất là trên sân chơi thể thao trong phạm vi khu vực. Nhìn vào biểu đồ thì thấy một thực trạng đau đớn là tỷ lệ suy dinh dưỡng rơi nhiều vào các tỉnh vùng xau, vùng xa, các tỉnh khó khăn. Vì vậy, tôi thiết tha đề nghị Quốc hội sẽ bổ sung điều này vào Luật BHYT như tôi và các ĐBQH đã nêu, vì các em cần được chăm sóc, nuôi dưỡng để trở thành những người thanh niên khỏe mạnh, đó là tương lai của đất nước”, ĐB An đề nghị.

Ở vùng cao, có những bà mẹ chỉ có thể nộp được 5 nghìn đồng tiền thức ăn cho con trong một tháng. Thế nên những bữa cơm có thịt luôn là ước mơ xa xỉ của những đứa trẻ.
Ở vùng cao, có những bà mẹ chỉ có thể nộp được 5 nghìn đồng tiền thức ăn cho con trong một tháng. Thế nên những bữa cơm có thịt luôn là ước mơ xa xỉ của những đứa trẻ.

Bên cạnh đó, ĐB Bùi Thị An cũng cho rằng, ngành y tế cần có thêm nhiều giải pháp để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, lấy mục tiêu chăm sóc sức khỏe của dân làm mục tiêu của ngành mình. Cần phải giám sát xử lý nghiêm đạo đức ngành y, từ đó người dân sẽ hăng hái tham gia bảo hiểm y tế và tự hào khi được tham gia BHYT, chứ không cần phải chờ vào các biện pháp hành chính bắt buộc phải tham gia.

ĐB Bùi Thị An cũng kiến nghị ngành y tế nghiên cứu kỹ để bảo đảm sự công bằng cho mọi người trong dịch vụ khám chữa bệnh, không nên hạn chế khám chữa bệnh quy định theo tuyến

“Không nên hạn chế quy định khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, vì thời gian vừa qua nhiều bệnh nhân ở vùng xau vùng xa mắc bệnh nhưng bệnh viện vì các điều kiện khác nhau không thể gửi lên tuyến trên, đến khi giải quyết ra vấn đề thì đã muộn, người dân đã mất mạng. Đề nghị Bộ Y tế cũng nghiên cứu với các anh chị em lao động là người tỉnh này nhưng phải đi làm việc ở tỉnh khác, làm thế nào tạo điều kiện cho họ, chứ nếu không thì sẽ gây nhiều khó khăn cho các anh chị em lao động, cuộc sống của họ vô cùng khó khăn”, ĐB An đề xuất.

Ngọc Quang