Ông Vũ Mão: Với cán bộ trẻ, chăm bẵm quá dễ sinh ra đặc quyền, đặc lợi!

02/02/2017 06:47
Trinh Phúc (thực hiện)
(GDVN) - "Cán bộ trẻ cần được rèn luyện, thử thách, kinh qua nhiều công việc để trưởng thành vững chắc. Không nên đưa cán bộ trẻ lên nhanh quá khiến họ ngộ nhận".

LTS: Trong năm qua, dư luận chú ý đến nhiều vụ việc bổ nhiệm cán bộ.

Trong đó, có nhiều câu chuyện liên quan đến cán bộ trẻ, cán bộ là con cháu của những cựu lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Nhiều câu chuyện gây bức xúc trong dư luận như việc, một sở có tới 44 lãnh đạo 2 nhân viên (ở Hải Dương).

Hay việc, con đường làm sếp của ông Vũ Quang Hải con trai ông Vũ Huy Hoàng, người vừa bị tước bỏ danh vị nguyên Bộ trưởng Công thương... và chuyện về một số "cậu ấm, cô chiêu" giữ các chức vụ khác nữa.

Dư luận cũng chú ý đến hành trình đảm đương chức vụ của những Bí thư, Chủ tịch tỉnh trẻ nhất nước...

Xung quanh công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phỏng vấn ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Ông Vũ Mão: Với cán bộ trẻ đừng chăm bẵm quá dễ sinh ra đặc quyền, đặc lợi! ảnh: Ngọc Quang.
Ông Vũ Mão: Với cán bộ trẻ đừng chăm bẵm quá dễ sinh ra đặc quyền, đặc lợi! ảnh: Ngọc Quang.

Không nên bổ nhiệm người trẻ quá sớm!

Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về việc bổ nhiệm cán bộ, trong năm qua có nhiều vụ việc gây bức xúc, ông có quan điểm như thế nào về vấn đề trên?

Ông Vũ Mão: Rõ ràng, qua dư luận, qua báo chí, trong năm qua công tác cán bộ còn nhiều tồn tại, cần xem xét, cần phân tích để rút ra bài học nhằm đổi mới hơn nữa công tác cán bộ hiện nay.

Tôi cho rằng, một số vấn đề liên quan đến công tác cán bộ cần phải đổi mới.

Trước hết, cần đổi mới về tiêu chí công tác cán bộ vì hiện các quy định vẫn mang tính hình thức và nặng về bằng cấp.

Từ các quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chưa hợp lý đã dẫn đến chất lượng, thực chất của cán bộ được bổ nhiệm nhiều nơi không tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Rồi vấn đề quy hoạch cán bộ vẫn tồn tại nhiều bất cập, cần phải nghiên cứu và hoàn thiện thêm.

Thực ra, hiện đã có quy định, cán bộ cấp này, cấp kia phải có bằng cấp gì, học vị gì, kinh qua địa phương, cơ sở nào.

Nhưng, một vài trường hợp đã làm quá “linh hoạt”, cố tình vi phạm tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định. 

Công tác bổ nhiệm cán bộ hiện vẫn còn nhiều bất cập (ảnh minh họa - Tuổi trẻ).
Công tác bổ nhiệm cán bộ hiện vẫn còn nhiều bất cập (ảnh minh họa - Tuổi trẻ).

Ví dụ, muốn bổ nhiệm cán bộ cấp Trung ương tiêu chuẩn phải qua cơ sở, qua địa phương.

Nhưng thực tế, khi đi vào cụ thể không ít cán bộ trung ương, cán bộ lãnh đạo ở cơ quan ở bộ ngành vẫn chưa kinh qua cơ sở, địa phương.

Có trường hợp, để đáp ứng những tiêu chí phải qua thực tiễn ở cơ sở, địa phương nên xảy ra việc luân chuyển cán bộ một cách hình thức.

Trong một số trường hợp, do cần cán bộ nhưng cán bộ chưa kinh qua cơ sở vẫn cố đưa vào. 

Chúng ta chưa lường được những hạn chế, thậm chí là hậu quả của cách làm tuỳ tiện ấy đâu.

"Cán bộ là đầy tớ của dân, cán bộ là công bộc của dân" đây là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhưng những cán bộ chưa qua cơ sở rất khó để hiểu được nỗi lòng của dân, có thấu hiểu được dân thế nào đâu?

Việc bổ nhiệm cán bộ dễ dãi như vậy, sẽ tạo nên bộ máy công quyền vô cảm và quan liêu.

Vấn đề bất cập nữa trong công tác cán bộ đó là chúng ta mở ra nhiều trường lớp quá.

Đã có nhiều trường lớp thì trường nào cũng yêu cầu cán bộ phải đào tạo qua trường của mình.

Ông Vũ Mão: Với cán bộ trẻ, chăm bẵm quá dễ sinh ra đặc quyền, đặc lợi! ảnh 3TS Nguyễn Tiến Luận: Tâm lý sính bằng cấp đang khiến Việt Nam tụt hậu!

Một cán bộ phải học qua rất nhiều trường lớp, muốn đề bạt phải học qua khóa này khóa kia làm tiêu tốn thời gian, tiền của của nhà nước.

Rồi vấn đề tuyển chọn cán bộ. Chúng ta đã đưa ra tiêu chuẩn, quy định, quy trình nhưng nhiều nơi vẫn mang tính hình thức chưa đi vào thực chất.

Công tác quản lý cán bộ, vẫn còn nhiều vấn đề. Sau khi bố trí, đề bạt rồi thì quản lý họ thế nào?

Vì, chúng ta đang trong cơ chế thị trường. Mà đã là cơ chế thị trường chắc chắn nó sẽ tác động vào đạo đức, tư tưởng của con người, cũng như nền tảng văn hóa trong một xã hội.

Cơ chế thị trường dẫn tới cái gì cũng xem xét đến lợi nhuận, lợi ích, quyền lợi, đồng tiền.

Cũng có ý kiến cho rằng, người trẻ làm chức to là có vấn đề, họ luôn cố tình tìm lý lịch của người này, người kia để "soi", ông bình luận gì về vấn đề này?

Ông Vũ Mão: Ngày xưa hay thời đầu của giai đoạn cách mạng, rõ ràng những người trẻ là những người có tư tưởng đổi mới, không chịu được áp bức bóc lột, năng động, tiên phong. Cho nên, người trẻ đi làm cách mạng.

Ta thấy, thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, những đồng chí của chúng ta đa phần là tuổi trẻ, trên dưới 30 tuổi nhưng hoạt động và đóng góp rất lớn cho cách mạng.

Các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ… dưới 30 tuổi đã đảm đương vị trí cao trong Đảng.

Ông Vũ Mão: Với cán bộ trẻ, chăm bẵm quá dễ sinh ra đặc quyền, đặc lợi! ảnh 4Hoan hô đồng chí Xuân Anh!

Vì thế, tôi cho rằng cán bộ trẻ đương nhiên là cốt cán của sự nghiệp cách mạng.

Ở Thời kỳ Kháng chiến chống Pháp, cán bộ cũng trẻ, rồi đến chống Mỹ cán bộ trẻ chiếm tương đối...

Cán bộ trẻ là hợp với quy luật tự nhiên của xã hội, lịch sử và nó cũng là một quy luật sinh học. Trẻ thì năng động, trẻ sức bật tốt, trẻ thì tiếp thu được cái mới nhiều hơn.

Bây giờ, thời đại này trẻ trình độ văn hóa, tiếp thu thế giới rất tốt. Đó là ưu điểm của người trẻ.

Giai đoạn cách mạng hiện nay, có thể nói đòi hỏi người cán bộ rất cao về trí tuệ và kinh nghiệm. Chúng ta cũng mong muốn, kỳ vọng có nhiều người trẻ đáp ứng được điều đó.

Tôi cho rằng, cần thiết phải có tỉ lệ người trẻ phù hợp trong tổ chức bộ máy nhà nước và Đảng.

Cách đào tạo, bố trí cán bộ trẻ cần thiết phải được chú trọng hơn nữa, thử thách hơn nữa để trưởng thành.

Con người ta nếu chỉ thuận buồm xuôi gió, chưa  kinh qua cơ sở, trãi qua thác ghềnh, giông bão thì dễ ngộ nhận và như thế thì rất khó thực hiện được vai trò lãnh đạo ở cương vị cấp cao.

Vì thế, những hiện tượng vừa qua về mặt nào đó đã cho thấy công tác cán bộ trẻ chưa đáp ứng được như cầu.

Đào tạo cán bộ trẻ như hiện nay tôi cho rằng vẫn còn ít quá.

Trong khi đó, một số trường hợp chúng ta đưa cán bộ quá nhanh, đưa tắt quá.

Ông Vũ Mão: Với cán bộ trẻ, chăm bẵm quá dễ sinh ra đặc quyền, đặc lợi! ảnh 5Đừng mất công đi tìm bố của "ông quan trẻ" là ai?

Một số trường hợp như vậy lại là con em cán bộ nguyên là lãnh đạo chủ chốt ở trung ương và địa phương. Chính vì thế mà dư luận soi xét.

Ông cha ta nói “không có lửa làm sao có khói”. Nghĩa là, không phải không có trường hợp có sự “ưu ái” nào đó!

Tuy nhiên, cần xem xét từng trường hợp để nhìn nhận cho đúng, phê phán cho chính xác, tránh “vơ đũa cả nắm”.

Cán bộ trẻ là vốn quý. Họ cần được đào tạo căn cơ, hệ thống, trang bị đầy đủ kiến thức, đồng thời kinh qua cơ sở, từng trải thử thách. Tôi từng lãnh đạo công tác đoàn, mình cũng qua thời kỳ tuổi trẻ như thế cũng rất hiểu.

Cán bộ trẻ cần được rèn luyện, được thử thách, được kinh qua nhiều công việc để trưởng thành để tạo nền tảng vững chắc.

Không nên đưa cán bộ trẻ lên nhanh quá khiến bản thân những cán bộ đó dễ ngộ nhận. Hậu quả là, trẻ lên nhanh, giữ cương vị lãnh đạo quá lâu dẫn đến chủ quan, ngạo mạn, quan liêu, xa rời quần chúng.

Quan điểm của tôi là rất ủng hộ cán bộ trẻ và cần công phu bồi dưỡng chăm sóc, đồng thời đòi hỏi kiểm soát quyền lực nơi họ.

"Chăm bẵm" quá dễ sinh ra đặc quyền, đặc lợi

Mỗi khi có sai sót xảy ra, nhiều nơi thường viện dẫn đúng quy trình để bao biện, ông có đồng tình với cách lý giải trên?

Ông Vũ Mão: Trước hết, chúng ta phải thừa nhận quy trình bổ nhiệm cán bộ của chúng ta đang có vấn đề.

Để người ta lợi dụng quy trình để bổ nhiệm sai thì chúng phải xem xét một cách nghiêm túc nhằm hoàn thiện quy trình chặt chẽ hơn.

Mặt khác, nhiều vụ việc cho thấy, người thực hiện quy trình có động cơ không trong sáng nên dẫn đến hệ quả sai sót.

Ông đã có nhiều năm công tác và gắn bó với các thế hệ trẻ rất lâu, theo ông đâu là con đường để thế hệ trẻ tham gia lãnh đạo đất nước?

Ông Vũ Mão: Tôi cho là rất cần có quy hoạch để quan tâm đào tạo cán bộ trẻ.

Cán bộ trẻ, trước hết đó phải là người được học hành nghiêm túc, có kiến thức nền một cách cơ bản. Điều quan trong phải là người có văn hóa theo nghĩa rộng.

Sau khi học xong, con đường vào đời của người trẻ được mở rộng thênh thang: Nghiên cứu khoa học, công tác tại các cơ quan nhà nước, về các cơ sở kinh doanh sản xuất... Đó là những môi trường tốt để họ được rèn luyện và trưởng thành.

Câu chuyện ở đây là tìm phương án tốt nhất cho việc đào tạo cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cấp chiến lược.

Việc đào tạo cán bộ bài bản sẽ là rất quan trọng vì kết quả cuối cùng là chúng ta sẽ có nguồn cán bộ ưu tú để làm lãnh đạo.

Trong công tác cán bộ phải có cái tâm sáng, phải công bằng. Chúng ta không nên “chăm bẵm” thái quá. Vì điều đó dẫn đến không có lợi cho lợi ích chung của đất nước.

Một cá nhân được “chăm bẵm quá” sẽ sinh ra chuyện không công bằng với người này, người kia, rồi sinh ra đặc quyền, đặc lợi.

Ông Vũ Mão: Với cán bộ trẻ, chăm bẵm quá dễ sinh ra đặc quyền, đặc lợi! ảnh 6Ông Vũ Quang Hải xin ở lại Sabeco, nhưng không phải người của Bộ Công Thương

Trong công tác cán bộ, hiện có việc đề bạt con em của các đồng chí lãnh đạo.

Tôi cho rằng, con em của các đồng chí đã từng làm lãnh đạo, về mặt sinh học sẽ kế thừa được cái gen của bố mẹ, môi trường gia đình cơ bản là tốt nên có được những nhận thức đúng đắn, tạo nên tố chất của con người mang tính nhân văn.

Tuy nhiên, không phải con lãnh đạo nào cũng tốt. Với những lãnh đạo mà luôn mưu mô, toan tính, vụ lợi thì khi sống trong môi trường đó con cái họ cũng tiêm nhiễm những thói hư tật xấu.

Với những phân tích trên, ta thấy rằng, không nên định kiến quá mức đối với việc đề bạt cán bộ là con em của các vị đã từng giữ cương vị lãnh đạo mà phải đi vào đúng bản chất của vấn đề. Và như vậy, ta sẽ có một nguồn lực dồi dào đội ngũ cán bộ lãnh đạo  trẻ có đức có tài.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trinh Phúc (thực hiện)