Chuyện “quan” Tòa, “quan” Viện Triệu Sơn dùng luật pháp, ngã giá với bị can để chạy tội, khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Thật xấu hổ, pháp luật lại chính là món hàng được đưa lên bàn cân để ngã giá trong thương vụ “làm tiền” của những người được cho là công bộc, là đầy tớ của nhân dân.
Theo diễn biến vụ việc, ông Nguyễn Bá Quý (phạm tội cưỡng đoạt tài sản) đến Tòa án Nhân huyện Triệu Sơn đặt vấn đề nhờ Chánh án Lê Ngọc Hiệp giúp đỡ. Tại đây, một cuộc ngã giá “làm tiền” trắng trợn, hiếm gặp giữa cán bộ tòa án và bị can đã diễn ra giữa "thanh thiên bạch nhật". Toàn bộ các cuộc hội thoại “kỳ kèo bớt một thêm hai” này đã được ghi âm lại.
Cũng tại trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Triệu Sơn, bà Lê Thị Thu, thẩm phán đã nói với bị can Nguyễn Bá Quý rằng: “Vì anh là người nhà của cô Niên (bà Niên cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Triệu Sơn có họ hàng với bị can Quý- PV), nên bọn em mới giúp, còn là dân thì... bọn em sẽ làm theo quy định của pháp luật”.
Câu nói trên đã lột tả đúng bản chất đạo đức kém cỏi của một số cán bộ đang thực hiện trọng trách “cầm cân, nảy mực”, công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thì ra theo các “quan” Tòa, “quan” Viện, giá trị của pháp luật cũng được chia làm hai loại: Một loại dành cho quan hệ, loại khác không có quan hệ. Nói cách khác, dân sai thì sẽ xử nghiêm, còn con em, người nhà cán bộ sai, ắt sẽ có cái để…chống lưng?
Nói như thế không phải cứ có quan hệ là không mất tiền, mà tùy theo mức độ vi phạm sẽ có các loại “giá” (tiền) khác nhau. Và dĩ nhiên, loại pháp luật dạng quan hệ sẽ nhận được cơ chế “ưu tiên” hơn các đối tượng khác. Hay nói cách khác, trong trường hợp trên, “quan” Tòa, “quan” Viện đã sử dụng “giấy phép” quyền lực của mình để “kinh doanh pháp luật”.
Tranh biếm họa của Quang Phan |
Cũng từ sự việc trên, độc giả bỗng nhận ra một thực tế rằng, việc nhận tiền chạy án đâu chỉ có riêng “quan” Tòa, “quan” Viện tại huyện Triệu Sơn, mà nhiều nơi khác cũng đã và đang xuất hiện tình trạng này.
Đến đây, mời độc giả nghe lại đoạn đối thoại giữa thư ký Tòa án Lê Sỹ Thuần và bị can Nguyễn Bá Quý đã được ghi âm lại trong thương vụ ngã giá, mặc cả, bán rẻ luật pháp, để thấy nhận định trên là có cơ sở: “Anh vứt xuống tỉnh 20 cái (tiền - PV), lo đây 10 cái, tổng 30 cái, được lòng trước khỏi mất lòng sau, chính xác 100%. Còn nếu anh không tin tôi thì anh cứ đi hỏi nơi khác, nhưng khi anh quay lại phải nâng lên một ít nữa, tính tôi rất thật...”.
Tiếp đó, báo GDVN xin viện dẫn tiếp vụ việc nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát - ông Đỗ Chí Nguyện bị truy tố về tội nhận hối lộ năm 2013. Theo đó, để giảm nhẹ tội cho bị can, ông Nguyện đã yêu cầu mỗi đương sự đưa 5 triệu đồng để được hưởng án treo, nếu không sẽ bị kết án ở tội có khung hình phạt nặng hơn...Sau khi sự việc bại lộ, cơ quan chức năng đã kết án ông Nguyện 3 năm tù về tội nhận hối lộ.
Cũng chính từ suy nghĩ Tòa án luôn là nơi tính thượng tôn của pháp luật được bảo vệ và thực thi một cách nghiêm minh, thì qua sự việc trên, người ta bỗng chột dạ, nhận ra rằng, công lý tại chốn công đường không phải khi nào cũng minh bạch.
Chắc hẳn, qua sự việc, nhiều “quan” thanh liêm đang công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm: “Tôi không thể tin rằng những cán bộ lãnh đạo công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể nhận tiền trắng trợn đến như vậy? Tôi quá buồn, họ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm nghiêm trọng luật pháp…”, một cán bộ uy tín công tác trong ngành tòa án tỉnh Thanh Hóa đã phải thốt lên như thế.
Sự việc trên chỉ là lát cắt nhỏ về những tiêu cực đã từng tồn tại trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên, nhìn nhận ở một góc độ khác nó cũng chỉ là những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”. Người dân vẫn tin tưởng và luôn hy vọng công lý sẽ được thực thi nghiêm khắc đối với những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật…