Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đánh giá việc sáp nhập sở, ngành sẽ hạn chế việc chồng chéo chức năng nhiệm vụ, tiết kiệm biên chế kinh phí thường xuyên, thuận lợi cho việc lãnh đạo điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai quyết định sáp nhập Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - Xây dựng được xem là địa phương tiên phong trong việc sáp nhập sở ngành.
Đây là việc phải làm để thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về tinh giảm bộ máy của hệ thống chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông, cần có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương xuống các địa phương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc. (Ảnh: Lao động) |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc đặt câu hỏi: “Trung ương có nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng không, có nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính không?
Hiện, chúng ta có 22 bộ và cơ quan ngang bộ, vậy có sắp xếp gọn lại được không?".
Theo ông, nếu chúng ta tính toán, làm từ cấp Trung ương rồi mới xuống cấp tỉnh, cấp huyện như thế sẽ thuận hơn.
“Tôi chưa rõ, là Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai theo ngành dọc sẽ chịu sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng hay Bộ Giao thông vận tải. Hay 2 Bộ chỉ đạo một Sở?”, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc đặt câu hỏi.
Điều ông Phúc băn khoăn nhất là khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập sở ngành như thế lựa chọn cán bộ thế nào.
“Chúng ta không thể đẩy cán bộ ra ngoài xã hội. Tôi đã nghe nói ở một số nơi sáp nhập nhưng mới chỉ là cơ học, dồn về một chỗ mà thôi. Bây giờ giảm số này phải gắn với tinh giản biên chế.
Trong khi đó, tinh giản biên chế thời gian qua chúng ta làm chưa thành công. Tinh giản chưa thấy đâu lại thấy phình to thêm biên chế”, ông nêu thực tế.
Theo đánh giá của Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, hiện nay, các bộ ngành, địa phương mới chủ yếu vận động người sắp đến tuổi nghỉ hưu về sớm.
Ví dụ như Đà Nẵng vừa rồi vận động ai nghỉ sớm thì được hỗ trợ tiền. Theo phân tích của Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, ông không đồng tình với cách làm này.
Bởi, sắp xếp, tinh giản biên chế phải chọn được cán bộ giỏi.
Cán bộ không đáp ứng được công việc thì dù anh có trẻ, thậm chí mới vào nhưng không có khả năng đáp ứng công việc của một lãnh đạo, của một công chức, viên chức thì phải tinh giản.
Mỗi người có thể phát huy vai trò của mình nhưng không nhất thiết cứ phải vào bộ máy cơ quan Nhà nước hết.
“Chúng ta phải lượng hóa được công việc, phải đánh giá được cán bộ, lãnh đạo có đáp ứng được nhiệm vụ hay không? Làm sao để tinh giản được những người thực sự không làm được việc.
Đó cũng là tạo điều kiện để họ tìm cơ hội ở nơi khác.
Chúng ta sắp xếp, sáp nhập với mục tiêu như vậy thì cuộc sống của cán bộ mới được nâng lên.
Nếu không tinh giản biên chế, không lượng hóa được công việc với số lượng cán bộ ăn lương lớn như vậy, chúng ta khó có thể nâng cao đời sống của họ được.
Đặc biết, nếu sắp xếp cơ học thì chỉ là dồn cán bộ về một chỗ sẽ không mang lại hiệu quả là bao”, ông nhận định.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, đã vào bộ máy Nhà nước là phải có chức trách, nhiệm vụ rõ ràng.
Thực tế hiện nay không ít công chức, viên chức vào cơ quan Nhà nước không biết làm gì, chỉ đọc báo với pha trà và không biết phải làm cái gì.
“Theo tôi, để đến tình trạng vậy thì trách nhiệm là ở người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó.
Vì chức năng của phòng ban, vụ, viện…không rõ nên cứ tuyển người vào thôi còn làm gì thì chả biết.
Thủ trưởng cũng không giao nhiệm vụ thành ra lãng phí.
Vì thế, việc sắp xếp bộ máy phải gắn với tinh giản biên chế. Tinh giản biên chế thì lại phải quay lại vấn đề gốc rễ là chọn được cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và đảm đương chức trách tốt.
Không phải tinh giản biên chế theo cách động viên về hưu sớm như nhiều nơi đang làm.
Cách này theo tôi chỉ mang lại về lượng tinh giản chứ chất thì chưa chắc đã hiệu quả”, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nêu quan điểm.