Chủ trương sáp nhập các huyện, xã, thôn, xóm không đủ tiêu chí về diện tích, dân số đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Được biết, đây là một chủ trương lớn nhằm tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm được biên chế và phát huy hiệu quả công vụ.
Tuy nhiên, xung quanh chủ trương này vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại về những thay đổi, xáo trộn khi tiến hành sáp nhập huyện, xã, thôn, xóm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đoàn Đồng Tháp (ảnh quochoi.vn). |
Để có góc nhìn sâu sắc về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.
Theo vị đại biểu Quốc hội này thì chủ trương hợp nhất, sáp nhập các huyện, xã, thôn không đủ tiêu chí là hợp lý.
Tuy nhiên, quá trình hợp nhất cần thận trọng vì sẽ xảy ra nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ dần dần.
Ông Hòa cho rằng: “Bước đầu có khó khăn liên quan đến địa giới hành chính, dân số. Vì trước giờ đã có khác biệt về điều kiện sinh hoạt, đặc thù văn hóa, thói quen.
Một vấn đề nữa là khó khăn trong sắp xếp nhân sự. Hai nhập một sẽ giảm một nửa số lượng cán bộ công chức. Thậm chí, giảm một nửa cán bộ không chuyên trách của những nơi đó.
Tuy nhiên, cái khó khăn chỉ tạm thời chứ không phải về lâu dài”.
Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, mắc mớ nhất là chính sách, chế độ cho những cán bộ dôi dư ra. Cần có chính sách để đảm bảo cuộc sống của họ.
Ông Hòa góp ý rằng, với những cán bộ được lựa chọn, cần thiết phải làm thận trọng, khách quan để chọn được người có đức, có tài, có trách nhiệm với người dân để bố trí.
Nếu có điều kiện nữa thì nên tổ chức thi tuyển.
“Tôi nghĩ làm như vậy để tránh sự so bì, đảm bảo công bằng trong vấn đề sáp nhập thôn, tổ, ấp, xã, huyện.
Cách đây nhiều năm rồi, Hà Tây nhập vào Hà Nội con số cán bộ, viên chức dôi dư không phải là ít nhưng hiện nay thì Hà Tây về Hà Nội hoạt động tốt và có hiệu quả.
Do đó, bước đầu có khó đi nữa thì chúng ta có quyết tâm chính trị cao để tổ chức thực hiện có hiệu quả và thành công” – đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Cuối cùng vị này cho rằng: “Khi hợp nhất cái lợi là ngân sách nhà nước giảm và hạn chế thấp nhất chuyện chi tiêu ngân sách cho cán bộ như hiện nay.
Việc dư ra các trụ sở, cơ quan đơn vị nên chuyển đổi phục vụ cho mục đích công cộng hay đấu giá bán tài sản, thu tiền ngân sách, giải quyết chế độ chính sách cho công chức, viên chức nghỉ làm.
Tôi nghĩ, đây là một chính sách tích cực nên người dân sẽ ủng hộ”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 1986 - 2016, số đơn vị hành chính cấp huyện đã tăng hơn 270 xã từ 431 lên 713 đơn vị. Cùng với đó, số đơn vị hành chính cấp xã cũng tăng hơn 1.500 đơn vị, từ 9.657 lên 11.162.
Dựa vào tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã theo Nghị quyết 1211/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hiện có 259 huyện, 6.191 xã trong cả nước chưa đạt 50% tiêu chuẩn.
Huyện chưa đủ chuẩn 259/713 đơn vị, chiếm 36,33%, trong đó có 199 huyện, 21 quận, 23 thành phố thuộc tỉnh và 16 thị xã.
Nghị quyết 18 Trung ương 6 yêu cầu đến năm 2021 sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên;
Từ năm 2022 - 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định.
Chính bởi vậy, các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn sẽ phải sắp xếp lại.
Theo kế hoạch, năm 2019, bố trí nguồn kinh phí cần thiết cho việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Trong đó, có việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư do sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính.
Sang năm 2020, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, dân số;
Sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư.