Sự “im lặng khó hiểu” trong vụ sai phạm đất đai ở Sóc Sơn, Hà Nội

09/05/2013 14:17
Nhóm PV
(GDVN) - Vụ việc liên quan đến đất đai tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) gắn với nhưng tên tuổi nổi tiếng như ca sĩ Mỹ Linh, họa sĩ Thành Chương đã khiến dư luận hết sức quan tâm… 
Tuy nhiên những nhân vật chính trong vụ việc này lại chọn lựa phương án thông tin đến dư luận hết sức bất ngờ và khó hiểu: “im lặng”.

Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam về sự việc gia đình ca sĩ Mỹ Linh - nhạc sĩ Anh Quân bị kết luận xây công trình trái phép trên đất rừng, một thành viên trong gia đình khẳng định: Họ luôn tôn trọng pháp luật và việc xây dựng, đều có sự chấp nhận của chính quyền địa phương. 

Kết luận thanh tra chỉ rõ, ngôi nhà của gia đình ca sĩ Mỹ Linh tại huyện Sóc Sơn xây vượt diện tích cho phép. (Ảnh internet)
Kết luận thanh tra chỉ rõ, ngôi nhà của gia đình ca sĩ Mỹ Linh tại huyện Sóc Sơn xây vượt diện tích cho phép. (Ảnh internet)

Thành viên này cho biết, vấn đề đất cát mọi người nên hỏi chính quyền để rõ hơn. Gia đình Mỹ Linh không muốn đôi co trên báo, có thể gây ra những hiểu nhầm không đáng có.

Về việc Sở Tài nguyên - môi trường kết luận công trình Việt phủ Thành Chương xây không phép, trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Thành Chương chỉ đáp ngắn gọn: “Nếu nói xây không phép cũng đúng”. Ông cũng nói không bận tâm lắm và từ chối trả lời chi tiết.

Về phía các cá nhân là như vậy, còn về phía chính quyền, báo Thanh niên đưa tin: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2264 của Văn phòng Chính phủ ngày 22/5/2006 về xử lý sau thanh tra ở huyện Sóc Sơn thì các trường hợp mua bán, chuyển nhượng và xây dựng trái pháp luật trên đất rừng phải được xử lý theo nguyên tắc “thu hồi toàn bộ các diện tích mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật”.

Thế nhưng, cuối năm 2006, UBND H.Sóc Sơn đã có văn bản báo cáo UBND TP.Hà Nội về phương án xử lý. Theo đó, đối với công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, UBND huyện đề nghị các công trình xây dựng trên đất rừng phòng hộ thì xử lý vượt hạn mức (200 m2/hộ), áp dụng theo Quyết định số 178/QĐ-CP/2001 về chính sách cho người trồng rừng, thu hồi phần xây dựng quá hạn mức, buộc tháo dỡ công trình và trồng rừng bổ sung đã mất. Đối với các công trình xây dựng trong rừng đặc dụng thì phải di chuyển ra bên ngoài. Cùng với phương án này, UBND H.Sóc Sơn cũng liệt kê ra nhiều trường hợp phải tháo dỡ công trình và trồng rừng bổ sung”.

“Tuy nhiên, cơ quan này còn cho rằng “đối với các công trình xây dựng lớn thì xử phạt hành chính, yêu cầu lập dự án và làm thủ tục thuê đất theo quy định”. Những công trình xây dựng trái phép lớn này được UBND H.Sóc Sơn chỉ rõ gồm các trường hợp: Ông Nguyễn Thành Chương có hộ khẩu ở Hà Nội nhận chuyển nhượng đất với diện tích 8.234 m2 và đã xây dựng các công trình trên diện tích hơn 1.000 m2 để trưng bày các di vật văn hóa cổ. Đây là địa điểm đã đón nhiều khách du lịch thập phương có thể tạo nên điểm tham quan du lịch, do vậy chỉ nên xử phạt hành chính và hướng dẫn lập dự án cho thuê đất”, tờ báo này đưa tin thêm.

Phủ Thành Chương (Ảnh: Nguyễn Huệ)
Phủ Thành Chương (Ảnh: Nguyễn Huệ)

Dù trước đây đã có ý kiến là vậy nhưng cho đến thời điểm hiện tại, khi nhóm phóng viên báo Giáo dục Việt Nam liên lạc thì các cấp lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho rằng không thể phát ngôn được gì và vụ việc này đang chờ thông tin từ phía TP. Hà Nội.

Về phía TP. Hà Nội, báo Thanh niên viết: “Chiều qua, một lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cho biết vẫn chưa thống nhất biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm về quản lý sử dụng đất ở Sóc Sơn theo kết luận Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường”.

Theo các kết luận thanh tra (Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Sở Tài nguyên&Môi trường TP. Hà Nội), việc vi phạm của các cá nhân đã rõ ràng và không phải đến bây giờ mới những vi phạm này được phát hiện. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một phương án và thời gian xử lý những vi phạm trên được đưa ra bởi các cơ quan chức năng cũng như việc khắc phục vi phạm từ các cá nhân liên quan.

Đối với dư luận – những người đang theo dõi thông tin hàng ngày về vụ việc này, chừng nào chưa có phương án cụ thể và thời gian xử lý, chừng ấy, dường như vẫn là một sự “im lặng đến khó hiểu” với dư luận.
Nhóm PV