Chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Theo Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu), tài sản đã không chứng minh được nguồn gốc là tài sản không minh bạch.
Ông dẫn chứng, bây giờ ở nước ngoài, không phải cán bộ mà ngay ở Trung Quốc, ai đi gửi 10.000 đô phải chứng minh tại sao có 10.000 đô la. Phải chứng minh chứ không thể có chuyện “ăn chia” đâu.
Bản thân người có tài sản phải chứng minh thu nhập, nguồn gốc ở đâu ra để có số tiền đó.
“Còn những tài sản không chứng minh được có nghĩa là bất minh. Tài sản bất minh thì chỉ tịch thu thôi”, đại biểu Hạ nên quan điểm.
Theo đại biểu, người có tài sản chứng minh với cơ quan có trách nhiệm. Nguồn gốc đó không được chấp nhận thì đó là tài sản không minh bạch. Cái này phải rõ.
Người có tài sản phải cung cấp chứng từ, biên bản…để chứng minh nguồn gốc đó. Nguồn gốc đó phải được chấp nhận. Nguồn gốc mà không được cơ quan có trách nhiệm chấp nhận thì phải xử lý.
“Quan điểm của tôi là đã không rõ nguồn gốc là phải tịch thu”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Ông Lê Minh Khái giải trình nhiều ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận tổ. |
Sau phần phát biểu ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ, đại biểu Trần Văn Sơn (Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên) nói, tài sản không minh bạch, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là không rõ nguồn gốc rất khó. Vì chúng ta chưa có khái niệm chuẩn xác.
Ông Sơn nêu câu chuyện: “Có người rất giàu. Khi sống, con cái không biết bà có tài sản. Khi sắp chết, người này nói được vài câu. Không có di chúc. Khi đấy, người này kê khai mẹ tôi, bố tôi chết, không có di chúc, giấy tờ thì tài sản đó có gọi là minh bạch, có nguồn gốc không?”
Ngay sau ví dụ của ông Sơn, đại biểu Tạ Văn Hạ nói: "Người ta bảo bây giờ tài sản tham nhũng người thân giữ chứ bản thân người đó giữ đâu!”.
Trước các ý kiến trên, đại biểu Lê Minh Khái – (đoàn Bạc Liêu) - Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định, các đại biểu rất quan tâm đến vấn đề xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc kê khai nhưng không giải trình rõ nguồn gốc.
“Khi nghiên cứu, cũng tranh cãi rất nhiều. Lần trước, khi dự thảo Luật trình vào kỳ họp thứ 4 tháng 10/2017 không có điều khoản này.
Trên cơ sở, các ý kiến của đại biểu Quốc hội nói phải có chế tài xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp lý (ở đây không phải là tài sản bất hợp pháp, bất minh) thì xử lý như thế nào.
Theo ông Khái, khi nghiên cứu, đối với tài sản bất hợp pháp, bất minh mà xác định được căn cứ theo pháp luật hiện hành Luật Hình sự, Dân sự đưa ra tố tụng theo trình tự của tòa để xử lý.
Đó là tài sản hình thành từ vi phạm pháp luật. Cái này chúng ta không bàn.
“Hiện nay, có khoản tài sản hình thành trong điều kiện thực tế của Việt Nam mà chúng ta chưa kiểm soát được đầy đủ về thu nhập, không kiểm soát được chi tiêu trong toàn xã hội. Có rất nhiều trường hợp cho, biếu, tặng hay công chức làm thêm…họ có thể kê khai hoặc không kê khai.
Khi kê khai và cơ quan chức năng phát hiện có một khoản thu nhập. Khoản thu nhập này một là kê khai không đúng hai là có kê khai rồi nhưng chứng minh nguồn gốc với thu nhập và hoạt động hợp pháp nó không hợp lý.
Loại tài sản này mình cũng không thể khẳng định tài sản này bất hợp pháp. Nếu bất hợp pháp thì xử lý theo luật rồi, còn gì mà thu thuế.
Theo luật tố tụng hình sự, dân sự hiện nay, nghĩa vụ chứng minh là của Nhà nước
Tất nhiên, ở đây công chức phải kê khai đầy đủ. Vì vậy, phải nghiên cứu loại tài sản này phải có chế tài. Chúng tôi nghiên cứu mãi nếu xử lý hình sự thì phải hình sự hóa tội này.
Tuy nhiên Luật mình không có tội này. Muốn làm phải bổ sung mà vừa rồi mới bổ sung luật rồi. Xử lý hình sự tội không kê khai đầy đủ hiện nay là chưa được”, ông Khái nêu cái khó.
Thu hồi tài sản tham nhũng cần có thêm tội danh làm giàu bất hợp pháp |
Ông Khái phân tích tiếp, nếu dân sự thì Nhà nước phải chứng minh. Các đại biểu rất quan tâm nhưng mình có chứng minh được không?
Chưa chứng minh được thì sao tòa xử được.
Như vậy, cơ quan soạn thảo tính đến xử lý vi phạm hành chính và nộp thuế. Nhưng việc xử lý vi phạm hành chính rất khó hoặc cũng không có chế tài nào để chúng ta xử lý với loại tài sản này.
“Cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu mãi thì đề xuất đánh thuế. Một là xử lý theo như tài sản vãng lai. Tuy nhiên không loại trừ tài sản do phạm tội mà có nếu như thu thuế rồi phát hiện ra vẫn xử lý bình thường.
Nếu như cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập đã xác minh, đã xử lý, chuyển tính thuế nếu người đó không đồng ý thì kiện ra tòa. Tòa sẽ là cơ quan quyết định cuối cùng.
Như vậy mới phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành”