Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) đã cho biết điều này khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bên lề kỳ họp Quốc hội.
Theo ông Nghĩa, chất lượng các luật ban hành thời gian qua chưa tốt, có dự án luật không đi vào thực tiễn, như Tử hình bằng tiêm thuốc độc, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nơi công cộng.
Ông Nghĩa đánh giá: “Là cơ quan quyền lực cao nhất của của nước nhưng Quốc hội chưa thực hiện hết quyền, hoạt động vẫn còn hạn chế, mối quan hệ với các cơ quan hữu quan chưa chặt chẽ. Công tác giám sát tố cáo chống tham nhũng của nhân dân chưa đạt hiệu quả chưa cao, chưa đến nơi đến chốn.
Đặc biệt, công tác làm luật là chức năng cơ bản của Quốc hội, nhưng thiếu tập trung, còn chắp vá. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa khoa học. Nhiều dự thảo luật thiếu tính ổn định, chưa đi vào thực tế, biểu hiện lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng luật.
Quốc hội thông qua rồi mà dư luận không chấp nhận và vấn đề bức xúc là không có ai chịu trách nhiệm”.
Từ những tồn tại này, Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị Quốc hội có chế tài xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan soạn thảo luật.
“Làm ra một luật đã khó, tốn kém tiền của của nhân dân, nhưng luật không đi vào cuộc sống, thiếu tính khả thi thì làm luật làm gì”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo luật. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Ông Nghĩa cũng thẳng thắn đánh giá, qua Quốc hội khóa XIII, ông nhận thấy có những đại biểu hoạt động rất tốt, nhưng cũng có những đại biểu chưa làm tròn trách nhiệm với nhân dân.
“Làm Đại biểu Quốc hội nhưng hoạt động chưa năng nổ, nghiên cứu không sâu các vấn đề nổi cộm, chưa nói lên tiếng nói của nhân dân, không có tính phản biện, thiếu bản lĩnh… thì làm sao xứng đáng là đại biểu của dân”, ông Nghĩa nói.
Nói về việc thảo luận và thông qua luật, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Trong Quốc hội, việc thảo luận và thông qua các điều luật cần phải có sự đổi mới. Khi góp ý thì chúng ta cho ý kiến vào tất cả các điều luật thì tôi thấy là sự quan tâm của các đại biểu khác với hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi theo dõi suốt một nhiệm kỳ thì thấy gần như không ăn nhập nhiều.
Thứ hai, khi góp ý thông qua luật, nếu không bấm nút thì mình thấy không hoàn thành trách nhiệm, nhưng nếu bấm nút và áy náy và chăn trở suốt, vì có những điều luật trong bộ luật ấy mình không đồng ý, thấy không thể nào đi vào thực tiễn”.
Mốc thời gian, trình tự, thủ tục bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội |
Bà Tâm nêu thí dụ, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có điều 60 mang tư tưởng nhân văn là thúc đẩy người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm để hưởng chế độ lâu dài về sau.
Mặc dù vậy mong muốn đó lại chưa phù hợp với hoàn cảnh đời sống của người dân trong thời điểm này và gây ra phản ứng trong một bộ phận người lao động.
Sau đó, Quốc hội đã phải ra nghị quyết cho phép tiếp tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần dù chưa đóng đủ 20 năm; đồng thời giao cho Chính phủ đến năm 2020 tổng kết, khi cần thiết báo cáo Quốc hội để xem xét, sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với thị trường lao động, điều kiện kinh tế - xã hội và mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia hệ thống an sinh xã hội.
“Thời gian vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu lấy ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, tuy nhiên cách làm này chưa đạt yêu cầu.
Tôi đề nghị đối với những điều luật mà đại biểu có nhiều ý kiến khác nhau thì phải cho thông qua từng điều luật đó trước Quốc hội, chứ không phải là lấy ý kiến bằng phiếu như vừa rồi, thì mới đảm bảo sự dân chủ, trí tuệ của đại biểu”, bà Tâm nói.