Kiểm tra rốt ráo thông tin sai phạm liên quan tới Phó Chủ tịch Hậu Giang
Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng ban hành công văn số 1200 -CV/VPTW thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban cán sự đảng: Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Tỉnh uỷ Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận nội dung liên quan tới nội dung Báo Thanh Niên đăng tải “Xe tư nhân gắn biển số xanh và di sản của Phó chủ tịch Hậu Giang".
Tại sao một người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước (Tổng Công ty Xây lắp dầu khí – PV) lỗ hàng nghìn tỷ đồng cho đến nay chưa làm rõ trách nhiệm nhưng lại ung dung được giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang?
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV nói thẳng: “Nếu là cán bộ của địa phương thì phải làm rõ trách nhiệm của địa phương. Nhưng đã là cán bộ của Trung ương cử về thì phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể ở Trung ương. Công tác cán bộ thế này thì cực kỳ nguy hiểm”.
Tướng Thước đánh giá, những thông tin liên quan tới Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang khi còn công tác tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí cần phải được xem xét rốt ráo và xử lý nghiêm minh nếu phát hiện có sai phạm.
“Đây không đơn thuần chỉ là chuyện biển xanh, biển trắng, mà vấn đề Tổng Bí thư đề cập chính là nguy cơ xảy ra trong Đảng đối với công tác cán bộ. Đó là tình trạng trên nói dưới không nghe, đường lối thì đúng, nghị quyết thì đúng, nhưng thực hiện thì không đúng.
Chọn cán bộ sai vì lợi ích riêng của một vài cá nhân nào đó thì không chỉ xảy ra nguy cơ rất lớn với Đảng đó là tiếp tục suy giảm niềm tin với dân, mà những kẻ xấu lọt vào hàng ngũ cán bộ còn có thể gây nguy hại cho đất nước”, Tướng Thước chia sẻ.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đề nghị phải làm rốt ráo những thông tin sai phạm có liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. ảnh: Ngọc Quang. |
Đề cập tới công tác bổ nhiệm cán bộ có luật định, có đầy đủ các quy trình, nhưng tại sao vẫn lọt những cán bộ có vấn đề bất thường?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói: “Nếu nói về quy trình thì chẳng mấy khi sai cả, nhưng cái chính là những người thực hiện quy trình ấy có làm đúng không hay là trí trá?
Cũng lấy phiếu tín nhiệm, cũng có thẩm tra, báo cáo thế này, thế khác, nhưng bản chất có đúng không, hay đó là một sự phù phép? Có đại biểu Quốc hội từng cảnh báo về những nguy cơ xảy ra với công tác cán bộ khi đến hoàng hôn nhiệm kỳ, chuyện đó vô cùng nguy hiểm, cho nên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần phải làm rõ và xử lý nghiêm minh”.
Những dấu hỏi lớn đặt ra từ “di sản” của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang
Như thông tin Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam và nhiều tờ báo khác đã đăng tải, ông Trịnh Xuân Thanh vốn là người làm kinh doanh.
Giai đoạn từ 2000-2004, ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Tổng Công ty Sông Hồng, Việt Trì, Phú Thọ.
Từ năm 2005 – 2007, ông làm Phó Tổng rồi Tổng giám đốc của Tổng Công ty Sông Hồng.
Đến cuối năm 2007, ông Thanh chuyển về làm Phó Tổng giám đốc rồi sau đó là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
Ông Thanh cũng là Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công thương.
PVC là một tổng công ty lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vào năm 2011 đã được phong danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.
Những năm trước đó, PVC đều ăn nên làm ra, nhưng ngay sau khi nhận danh hiệu thì từ cuối năm 2011 PVC đã giảm lãi.
Năm 2012, PVC bắt đầu chìm ngập trong các khoản lỗ lớn, cho tới cuối năm 2014 thì lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.
Đầu năm 2014, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 49/TB – VPCP ngày 25/1/2014 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ này. Tuy nhiên, cho tới nay chưa hề thấy đề cập tới trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh.
Trước khi có chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể tại PVC thì vào năm 2013, ông Trịnh Xuân Thanh đã được điều động về công tác tại Bộ Công thương, lần lượt đảm đương các chức vụ: Phó Văn phòng Bộ phụ trách Văn phòng miền Trung; Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công thương; Vụ trưởng Vụ Đổi mới Doanh nghiệp.
Cùng thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh chuyển công tác, ông Vũ Đức Thuận – Tổng Giám đốc PVC, được bổ nhiệm làm Phó giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Bình.
Và, câu hỏi đặt ra là: Không hiểu bằng cách nào mà ông Thanh lại được các cấp có thẩm quyền đưa về tỉnh Hậu Giang theo diện luân chuyển, tạo nguồn kế cận?
Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh ứng cử tại tỉnh Hậu Giang và đã trúng cử.
Dư luận chờ đợi các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra rốt ráo những thông tin sai phạm có liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh. ảnh: pvc. |
Từ hàng loạt thông tin trên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đặt ra yêu cầu không chỉ phải làm rõ thông tin sai phạm liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh mà còn phải làm rõ trách nhiệm của những cán bộ công vụ có liên quan tới việc đưa ông Thanh tới ghế Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang:
Thứ nhất, cá nhân và tổ chức nào đã giới thiệu ông Trịnh Xuân Thanh để được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang?
Thứ hai, khi bầu vào vị trí này, hồ sơ của ông Trịnh Xuân Thanh khai những gì, có đúng sự thật không? Tôi nhấn mạnh, sự thật ở đây là phải có sự chủ động kiểm tra, chứ không phải chỉ nhìn vào bản kê khai tài sản cán bộ tự khai.
Những chiếc xe tiền tỷ, đạo đức công vụ và thói sính hình thức |
Thứ ba, đối với Ban Tổ chức Trung ương cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức thẩm tra tư cách cán bộ, thực hiện quy trình giới thiệu ông Trịnh Xuân Thanh về bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang?
Vì sao xảy ra lỗ hàng nghìn tỷ đồng tại doanh nghiệp nhà nước có liên quan tới ông Thanh lại không được làm rõ, công bố?
Thứ năm, xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Công thương tại thời điểm ông Thanh làm Chủ tịch Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí – để xảy ra lỗ hàng nghìn tỷ đồng, tại sao không xử lý người đứng đầu? Tại sao không kiến nghị đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kiến nghị đến Ban Tổ chức Trung ương để ngăn chặn việc giới thiệu bầu ông Thanh làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang?
Thứ sáu, đề nghị Tổng Bí thư xử lý nghiêm minh và siết chặt công tác đào tạo, sử dụng cán bộ; đồng thời có rà soát lại tất cả các vị trí cán bộ mà dư luận xã hội cho là “có vấn đề”, không chỉ là những sai phạm trong công việc mà còn có cả tư cách đạo đức, lối sống.
Tướng Thước nhấn mạnh: “Tổng Bí thư là vị trí lãnh đạo chiến lược, thế mà phải trực tiếp chỉ đạo một vụ việc như thế này thì rõ ràng tình hình cán bộ rất nguy cấp. Sự quyết liệt của Tổng Bí thư chắc chắn được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ, tiếp tục tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tôi cũng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải nhanh chóng làm rõ, đưa ra ánh sáng tất cả những kẻ có sai phạm để trị tội. Phải tìm ra cái mắt xích là chỗ nào, đập tan cái mắt xích ấy, không thể để cái kiểu lợi ích nhóm, kéo bè, kéo phái, ăn hết chỗ này đến chỗ khác.
Theo tôi, khi thấy tình hình nguy cấp phải trảm một số cán bộ sai phạm. Dẹp loạn là phải dứt khoát.
Người xưa đã dạy, một lần bất tín, vạn lần bất tin. Một việc như thế này mà làm không nghiêm thì hàng vạn việc khác dân không còn tin nữa”.