LTS: Tiếp tục mạch bài viết kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước; hôm nay, Đại tá Đặng Việt Thủy tiếp tục gửi đến bạn đọc diễn biến cuộc hành quân thần tốc và tiến công địch từ hướng bắc Sài gòn của Quân đoàn 1 ngày 30/04/1975.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn 1 đã đề ra mệnh lệnh chiến đấu cho toàn quân đoàn: "Đi xa, tiến sâu, đánh thắng trận đầu, thắng lợi giòn giã liên tục đến thắng lợi hoàn toàn", đây còn là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ, động viên mọi người xốc tới, giành chiến thắng trong từng trận đánh, tiến tới trận quyết chiến cuối cùng.
Ngày 29 tháng 4, thực hiện lời kêu gọi của Bộ Chính trị: "Hãy nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch với khí thế hùng mạnh nhất, đập tan mọi sức đề kháng của địch, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định", Quân đoàn 1 có nhiệm vụ tiến công trên hướng bắc Sài Gòn, phối hợp với các quân đoàn 2, 3, 4 và Đoàn 232 đồng loạt tiến công, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch xung quanh Sài Gòn.
Hoảng sợ trước sức mạnh tiến công không có gì ngăn cản nổi của ta, đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng và nhiều tướng tá ngụy bỏ chạy. Mỹ cấp tốc điều máy bay lên thẳng chở nốt 5.000 người Mỹ trong chiến dịch di tản mang tên "Người liều mạng" khỏi miền Nam. Sáng ngày 30 tháng 4, đại sứ Mỹ Ma-tin trèo lên máy bay trực thăng rời khỏi Sài Gòn.
Rạng sáng ngày 30 tháng 4, trên các hướng tiến công của Quân đoàn 1 mang tên Binh đoàn Quyết thắng, các đơn vị đồng loạt nổ súng tiến công đánh chiếm các mục tiêu quy định.
Pháo 130mm, Đ74, 122mm của Lữ đoàn pháo binh 45, Trung đoàn pháo binh 54 và 186 dồn dập bắn phá các mục tiêu trong khu vực Bộ tổng tham mưu ngụy, quận lỵ Lái Thiêu, căn cứ Phú Lợi, Bến Cát, Lai Khê. Đúng 5 giờ sáng, trên các hướng chia cắt của Sư đoàn 312, Trung đoàn 165 tiến công đánh chiếm Phú Lợi.
Cũng rạng sáng hôm đó, quá trình ta cơ động vào áp sát căn cứ, đã bị địch dùng pháo binh từ Bến Than, Chánh Lưu, Bình Dương bắn phá ngăn chặn. Lực lượng địch ở nam cầu Thơ Út và Phú Chánh bắn phá dữ dội vào đội hình cơ động của Trung đoàn 165, phá hỏng của ta một khẩu pháo 85mm; một số chiến sĩ bị thương. Càng gần đến thất bại, như con thú dữ bị thương, bọn địch càng điên cuồng chống trả. Bộ đội ta phải hứng chịu những đợt "mưa" đạn pháo địch.
Mặc dù có thêm những thương vong, nhưng với truyền thống "Đoàn kết - anh dũng - chiến thắng", đã từng lập công vang dội, cắm lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" do Bác Hồ trao tặng, lên nóc hầm tướng giặc Đờ Cát-xtơ-ri trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312 vẫn vững vàng tay súng, tin tưởng vào thắng lợi, quyết vượt qua mọi ác liệt, hy sinh để giành toàn thắng.
Đúng 5 giờ 5 phút ngày 30 tháng 4, Tư lệnh sư đoàn Nguyễn Chuông lệnh cho Trung đoàn 165 nổ súng tiến công đánh chiếm căn cứ Phú Lợi. Các trận địa pháo của Quân đoàn, sư đoàn bắn phá dồn dập vào căn cứ địch. Lợi dụng hỏa lực pháo binh đang kiềm chế địch, Tiểu đoàn 6 nhanh chóng khắc phục sáu lớp hàng rào và hào chống tăng, liên tiếp dùng bộc phá mở cửa, mở thông các hàng rào bùng nhùng, cũi lợn còn lại ở phía trong.
Địch dùng hai xe tăng M48 ra ngăn chặn hướng mở cửa, nhưng cũng bị hỏa lực ĐKZ của ta bắn cháy. Đến 8 giờ, Tiểu đoàn 6 đã mở cửa xong, Trung đoàn trưởng Trần Măng ra lệnh cho lực lượng xe tăng xuất kích phối hợp cùng với bộ binh xung phong vào trung tâm căn cứ, tiêu diệt địch.
Nhưng do bị lạc đường, hai chiếc xe tăng bị sa lầy (trong tổng số sáu chiếc) nên đến chậm thời gian so với quy định. Nhận thấy trận đánh phát triển chậm, Tư lệnh sư đoàn một mặt ra lệnh cho Trung đoàn 209 kiên quyết giữ vững chốt chặn đường 13 và đường 14, không cho địch rút chạy; mặt khác đốc thúc các lực lượng công binh, xe tăng khẩn trương chống lầy, mở đường đưa xe tăng tiến lên phía trước.
Quyết không để khó khăn trước mắt làm ảnh hưởng tới kết quả trận đánh, các chiến sĩ xe tăng chủ động vòng về hướng đông bắc để tìm đường. Khi vượt qua ba lớp hàng rào đơn thì một chiếc bị sa hố chống tăng, năm chiếc còn lại chạy dọc đường trong sân bay về phía đông căn cứ, sau đó vòng xuống hướng nam theo cổng chính, hiệp đồng cùng Tiểu đoàn 6 đánh từ hướng bắc xuống.
Trên hướng Tiểu đoàn 4, sau khi đưa lực lượng áp sát mục tiêu đã nhanh chóng đánh chiếm cổng ra vào căn cứ (thay cho mở cửa) và phát triển chiến đấu vào trung tâm. Các loại hỏa lực bắn thẳng của ta lần lượt phá tan các ụ súng, lô cốt, hầm ngầm của địch. Các lực lượng tiến công áp đảo lên trên cả hai hướng, bọn địch trong căn cứ không tổ chức phản kích được.
10 giờ 5 phút ngày 30 tháng 4, từ ba hướng bắc, đông và nam, phối hợp với bộ đội địa phương, Trung đoàn 165 đồng loạt xung phong đánh chiếm các mục tiêu: Khu bộ tư lệnh tiểu khu Phú Lợi, khu vực đại đội cảnh sát dã chiến và khu gia binh.
Đúng 10 giờ 30 phút, Trung đoàn 165 đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Phú Lợi; ta tiêu diệt 44 tên địch, bắt 510 tên (trong đó có tên đại tá tiểu khu trưởng), thu một khẩu pháo 175mm "Vua chiến trường", hai khẩu pháo 155mm và ba khẩu pháo 105mm), hai khẩu cối 106,7mm cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh khác của địch.
Thừa thắng, đại đội 6 Tiểu đoàn 5 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thức và chính trị viên Nguyễn Thanh Nhàn dẫn đầu, phối hợp với lực lượng Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 địa phương Phú Lợi, phát triển từ hướng đông nam tiến công đánh chiếm khu dinh tỉnh trưởng Bình Dương.
Tại đây, tên đại tá Nguyễn Văn Của - tỉnh trưởng tỉnh Bình Dương cùng thuộc hạ buộc phải ra hàng Quân giải phóng. Tiếp đó, ta tiếp tục tiến công và làm chủ khu Phú Văn, căn cứ giang đoàn Bạch Đằng và trường sĩ quan công binh ngụy.
Quân đội ta hành quân vào chiến trường |
Trong lúc trận chiến đấu tiến công các mục tiêu địch trong thị xã Bình Dương còn diễn ra quyết liệt, thì tại ấp Hòa Mỹ, xã Định Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bình Dương (cách thị xã gần 3km về phía bắc), đại diện Tỉnh ủy Bình Dương gồm: đồng chí Sáu Phát, Bí thư tỉnh ủy; Năm Thuận, Phó Bí thư; Một Hữu, Thường vụ tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng; Năm Châu, Tham mưu trưởng tỉnh đội đã tiến hành hội nghị liên tịch, cùng các đồng chí đại diện Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn và Đảng ủy Bộ tư lệnh Sư đoàn 312.
Hội nghị thống nhất thành lập Ủy ban quân quản tỉnh Bình Dương do đồng chí Sáu Phát làm Chính ủy, đồng chí Nguyễn Chuông, Tư lệnh Sư đoàn 312 làm Chủ tịch; đồng chí Một Hữu làm Phó Chủ tịch.
Sau hai ngày đêm chiến đấu liên tục, dũng cảm, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh bao vây, chia cắt, cô lập, tiến tới tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn sư đoàn 5 ngụy; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang địa phương, đập tan một mắt xích quan trọng trong tuyến "tử thủ" bắc Sài Gòn, diệt 279 tên địch, bắt 7.740 tên, gọi hàng 3.500 tên; góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Dương và góp phần làm nên chiến thắng chung của Quân đoàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trên hướng thọc sâu của Quân đoàn, ngay từ khi cuộc chiến đấu của Sư đoàn 312 tiến công bao vây, tiêu diệt sư đoàn 5 ngụy đang diễn ra quyết liệt ở khu vực Phú Lợi, Lai Khê, Bình Dương và trên đường 13, 14 thì trên hướng thọc sâu vào Sài Gòn, Bộ tư lệnh Quân đoàn đã kịp thời chỉ đạo Sư đoàn 320B đẩy nhanh nhịp độ tiến công, phối hợp với các cánh quân đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu của địch trong thành phố.
Toàn bộ đội hình thọc sâu triển khai tiến công theo hai hướng: Trung đoàn 27 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và Chính ủy trung đoàn Trịnh Văn Thư chỉ huy, từ Tân Uyên qua Tân Ba, tiến đánh quận lỵ Lái Thiêu. Trung đoàn 48 do Trung đoàn trưởng Đoàn Trưng và Chính ủy Lê Xuân Yến chỉ huy tiến theo đường Trại Hủi, Khánh Vân, Búng xuống Lái Thiêu.
Đến 3 giờ ngày 30 tháng 4, toàn bộ lực lượng chiến đấu của Trung đoàn 27 đã tập kết đầy đủ ở phía bắc Lái Thiêu, chuẩn bị tiến công đánh chiếm quận lỵ.
4 giờ 15 phút sáng ngày 30 tháng 4, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 ra lệnh nổ súng tiến công Lái Thiêu. Các trận địa pháo, cối của trung đoàn đồng loạt bắn vào chi khu. Pháo bắn thẳng của xe tăng, súng máy cao xạ 12,7mm hạ thấp nòng bắn chế áp các lô cốt vòng ngoài, chi viện cho bộ binh xung phong mở cửa.
Sau gần hai giờ chiến đấu, Trung đoàn 27 đã hoàn toàn làm chủ Lái Thiêu, mở toang cánh cửa phía bắc Sài Gòn. Mắt xích quan trọng cuối cùng trong tuyến "tử thủ" bắc Sài Gòn của địch đã bị đập tan, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn 48 - lực lượng thọc sâu chủ yếu của Sư đoàn 320B nhanh chóng tiến đánh Bộ tổng tham mưu ngụy trong thành phố.
Ngay sau khi trận đánh Lái Thiêu kết thúc thắng lợi, Trung đoàn 27 giao cho Tiểu đoàn 5 triển khai đội hình chốt giữ khu vực đã chiếm, còn toàn bộ trung đoàn có sự phối hợp của đại đội xe tăng 3 tiếp tục phát triển chiến đấu về phía bắc cầu Bình Phước, tiến vào đánh chiếm các mục tiêu: Khu binh chủng ngụy, quận lỵ Gò Vấp và tiểu khu Gia Định.
Vào lúc 6 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Tiểu đoàn 5 phải xử trí một tình huống bất ngờ: Vì không biết ta đã làm chủ Lái Thiêu, nên một đoàn xe của địch chạy từ Bình Dương về Sài Gòn đã ngang nhiên tiến vào quận lỵ Lái Thiêu.
Ngay lập tức, Tiểu đoàn 5 nhanh chóng triển khai lực lượng chặn đánh. Tốp xe địch đi đầu gồm 20 xe (trong đó có hai xe tăng) bị tiêu diệt ngay trên đường 13 cũ vào Lái Thiêu, ta bắt và gọi hàng 250 tên địch.
Tốp xe địch phía sau gồm 13 xe (có một xe tăng và hai pháo tự hành 175mm) vẫn liều chết vượt qua chặng đường 13 cũ đến Bình Hòa (bắc Lái Thiêu) để ra đường 13 mới về Sài Gòn. Các chiến sĩ đại đội 5 do đại đội trưởng Vương Văn Vinh chỉ huy đã dùng B40, B41 và các loại hỏa lực bắn thẳng nhanh chóng tiêu diệt đoàn xe, diệt và bắt 90 tên địch.
Diễn biến trận đánh chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát VNCH
(GDVN) - Trong chiến dịch Tổng tiến công 1975, Đoàn 232 và Khu 8 đánh chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát Việt Nam cộng hòa và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Kết quả chiến đấu tại Lái Thiêu: Trung đoàn 27 đã tiêu diệt 195 tên địch, bắt 350 tên, gọi hàng 1.740 tên, diệt và phá hủy 31 xe quân sự (có ba xe tăng M48, hai pháo tự hành 175mm), thu sáu khẩu pháo 175mm và 105mm, hai xe tăng, năm xe thiết giáp, 23 xe ô tô các loại, 1.900 khẩu súng và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch.
Thừa thắng, các chiến sĩ Trung đoàn 27 tiếp tục phát triển chiến đấu về phía cầu Bình Phước, tiến đánh khu bộ tư lệnh các binh chủng ngụy.
8 giờ 30 phút sáng ngày 30 tháng 4, sau khi đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, Trung đoàn 27 nhanh chóng xốc lại đội hình, dùng tù binh dẫn đường khẩn trương vượt qua cầu Bình Phước, tiến đánh khu binh chủng ngụy.
Từ 9 giờ 30 đến 10 giờ ngày 30 tháng 4, các đơn vị lần lượt phát triển tiến công đánh chiếm bộ tư lệnh thiết giáp, căn cứ 60, bộ tư lệnh lục quân công xưởng, căn cứ pháo binh, tổng kho quân nhu, căn cứ 31 và tổng y viện cộng hòa.
Trận đánh chiếm bộ tư lệnh thiết giáp - lực lượng mạnh nhất trong khu bộ tư lệnh các binh chủng quân ngụy đã diễn ra rất quyết liệt. Địch ở đây đã bố trí trận địa phòng ngự dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp bằng tất cả các loại xe tăng, thiết giáp hiện đại nhất nhằm ngăn chặn ta tiến công.
Tại khu vực cổng chính bộ tư lệnh thiết giáp, hàng chục xe tăng địch tập trung hỏa lực bắn xối xả vào mũi đi đầu của Trung đoàn 27. Không chùn bước trước hỏa lực của địch, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 vẫn kiên quyết xông lên đánh chiếm căn cứ địch.
Những chiếc xe tăng ta dẫn bộ binh tiến lên đánh thẳng vào đội hình xe tăng của chúng. Trước sức tiến công táo bạo và dũng mãnh của ta, toàn bộ sĩ quan, binh lính địch chiếm giữ các khu binh chủng ngụy và quận lỵ Gò Vấp buộc phải ra hàng, trong đó có tên chuẩn tướng Phạm Bá Thanh - tổng chỉ huy y viện cộng hòa và trung tâm tiếp huyết quân đội ngụy, đại tá Ngọc - chỉ huy khu kho quân nhu và trung tá Chiến - chỉ huy phó căn cứ 60.
Lúc 10 giờ 30 phút, thừa thắng, Trung đoàn 27 tiếp tục phát triển tiến công đánh chiếm khu vực lục quân công xưởng và quận lỵ Gò Vấp. Toàn bộ quân địch ở đây không dám chống cự, kéo cờ trắng ra hàng (trong đó có tên chuẩn tướng Huỳnh Thu Toàn - giám đốc điều hành lục quân công xưởng).Ta tịch thu nguyên vẹn trung tâm công nghiệp quân sự sửa chữa xe tăng, súng pháo, xe quân sự và trung tâm truyền tin điện tử lớn nhất của quân đội ngụy ở miền Nam.
Sau đó, một bộ phận của Tiểu đoàn 6 đi trên bảy xe vận tải do tiểu đoàn trưởng Lê Thế Dũng phát triển vào đánh dinh Độc Lập, bốn xe vận tải do Tiểu đoàn phó Liên phát triển đánh sang Bộ tổng tham mưu ngụy. Đến đây, hướng tiến công của Trung đoàn 27 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong lúc đó, Trung đoàn 48 từ bắc Khánh Vân tăng tốc độ hành tiến, vượt qua Lái Thiêu, qua cầu Vĩnh Bình rồi tiến vào Sài Gòn đánh chiếm bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam cộng hòa.
Càng tiến sâu vào phía trung tâm thành phố, lực lượng địch phòng thủ càng dày đặc. Khi có lực lượng thọc sâu, Trung đoàn 48 phát triển đến khu vực ấp Mai Liên (bắc cầu Bình Triệu) lại bị xe tăng và bộ binh địch ngăn chặn quyết liệt.
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Thiều Quang Nông lệnh cho đại đội 6 tiến công địch ở ấp Mai Liên, đại đội 8 triển khai trận địa cối ngay trên mặt đường bắn chặn địch ở cầu Ông Đen, không cho chúng ra ứng cứu. Đại đội 5 phối hợp với lực lượng xe tăng tiến đánh cầu Bình Triệu. Nếu cầu hỏng, bộ đội sẽ vượt sông.
Trong khi đại đội 6 đánh ấp Mai Liên, Tiểu đoàn 3 vận động tiến công trong hành tiến cắt đường số 1 (đoạn giữa Thủ Đức - Bình Lợi), thì đội hình thọc sâu của Trung đoàn 48 nhanh chóng phát triển tiến công qua cầu Ông Đen, đánh thẳng vào trận địa địch phòng ngự ở ấp Bình Triệu.
Xe tăng ta vừa tiến công ào ạt, quân ngụy đã phải vội vã tăng cường thêm hàng chục xe tăng thiết giáp chốt chặn ngã tư xa lộ Đại Hàn và lập tuyến co cụm, phòng thủ dày đặc từ nam cầu Ông Đen đến bắc cầu Bình Triệu nhằm ngăn chặn ta qua cầu.
Trung đoàn trưởng Đoàn Trưng lệnh cho các đơn vị phải kiên quyết đánh bại âm mưu co cụm của địch, đánh chiếm bằng được cầu Bình Triệu. Mũi tiến công của Tiểu đoàn 2 sau khi vượt qua ngã tư đường số 1 và đường 13, vòng bên phải theo đường số 1 đánh thốc vào cụm quân địch phòng ngự ở phía bắc cầu Bình Triệu. Trận chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt. Bộ binh, xe tăng địch dựa vào hệ thống lô cốt bê tông, bao cát và hỏa lực xe tăng bắn dữ dội vào đội hình ta.
Quân đoàn 1 từ hậu phương hành quân bằng tàu hỏa tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh |
Quyết không để bọn địch làm chậm tốc độ thọc sâu vào Sài Gòn, Trung đoàn 48 quyết định sử dụng lực lượng xe tăng thiết giáp, có bộ binh của Tiểu đoàn 2 ngồi trên xe thọc ngang qua đội hình địch, sau đó bộ binh xuống xe tổ chức thành ba mũi tiến công. Cả ba mũi cùng đột phá nhanh, tiến công mạnh mẽ, đánh bật địch ra mà chiếm cầu, mở đường tiến công vào thành phố.
Được hỏa lực cụm pháo binh, Quân đoàn trực tiếp chi viện, lực lượng xe tăng thiết giáp của ta vừa tiến vừa bắn mãnh liệt vào đội hình xe địch. Các chiến sĩ bộ binh trên cả ba mũi tiến công dùng B40, B41 và tiểu liên bắn mãnh liệt vào xe tăng và bộ binh địch. Địch vẫn ngoan cố chống cự. Nhưng trước sức tiến công áp đảo của ta, chúng nhanh chóng bị tan rã và bỏ chạy hết từ vị trí này đến vị trí khác.
Đến 8 giờ ngày 30 tháng 4, sau khi bị ta tiêu diệt thêm hai xe tăng và một khẩu pháo tự hành 175mm, thì toàn bộ quân địch phòng ngự ở bắc cầu Bình Triệu gồm các thiết đoàn 18, 15, 22 của lữ đoàn kỵ binh 3 cùng hai tiểu đoàn lính dù, các đại đội lính biệt động và bảo an... buộc phải hạ vũ khí đầu hàng. Trận đánh kết thúc thắng lợi, ta thu được 144 xe tăng thiết giáp và chiến xa địch; một khẩu cao xạ bốn nòng và gọi hàng 1.500 tên địch.
Điểm "tử thủ" cuối cùng của địch ở bắc Sài Gòn đã bị đập tan. Tranh thủ thời cơ, Trung đoàn 48 sử dụng tám chiếc xe tăng vừa thu được của địch, bắt lính ngụy lái dẫn đường tiến vào đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy.
Bộ tổng tham mưu ngụy là một trong năm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch; là cơ quan đầu não, trung tâm điều hành chiến tranh của quân đội Sài Gòn. Cấu trúc của bộ tổng tham mưu ngụy rất kiên cố.
Trung đoàn 48 - lực lượng thọc sâu chủ yếu của Sư đoàn 320B nhanh chóng vượt qua cầu, qua ngã tư Phú Nhuận, tiến theo đường Võ Tánh vào đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy.
Cùng lúc đó, cụm pháo binh Lữ đoàn 45 đặt tại Búng dồn dập bắn 47 phát đạn 130mm vào khu vực bộ này. Một số viên đạn rơi trúng trung tâm hành quân, phá hủy sân bay trực thăng và khu kho đạn, kho xăng dầu làm bốc cháy dữ dội; trung tâm thông tin bị tê liệt hoàn toàn. Bọn địch ở đây vô cùng hoảng loạn.
Khi tiến gần tới mục tiêu, Trung đoàn 48 cho đơn vị dừng lại trên đường Võ Tánh để điều chỉnh đội hình tiến công. Căn cứ vào tình hình bố phòng của địch, Trung đoàn trưởng Đoàn Trưng quyết định triển khai đội hình thọc sâu làm ba mũi tiến công vào bộ tổng tham mưu ngụy.
9 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, ba mũi tiến công từ ba cổng đã gặp nhau ở khu vực cột cờ trước sân trụ sở bộ tổng tham mưu ngụy. Trước sức tiến công áp đảo của ta, binh lính sĩ quan địch thuộc tiểu đoàn biệt kích dù, tiểu đoàn bảo vệ Tổng hành dinh và các đơn vị đặc nhiệm khác đã phải lột bỏ quân phục, vứt súng chạy tháo thân. Ta bắt một đại tá, một đại úy và nhiều binh sĩ địch.
Trung đoàn trưởng Đoàn Trưng và Chính ủy trung đoàn Lê Xuân Yến tiến vào phòng làm việc của Cao Văn Viên - tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn thu hồi ấn, kiếm (có ba con dấu của Cao Văn Viên - tổng tham mưu trưởng và trưởng đoàn DAO Mỹ) cùng nhiều tài liệu quan trọng khác.
Tổ cắm cờ gồm ba đồng chí: Lại Đức Lưu, Hoàng Xuân Tiến, Nguyễn Văn Đông, do đại đội trưởng Lại Đức Lưu chỉ huy nhanh chóng vận động lên cắm lá cờ giải phóng trên nóc nhà trụ sở bộ tổng tham mưu VNCH trong tiếng reo hò của cán bộ, chiến sĩ; lúc đó khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Sau khi đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy, Bộ tư lệnh Quân đoàn ra lệnh cho Sư đoàn 320B dùng Trung đoàn 64 phối hợp với đơn vị bạn đánh chiếm căn cứ Gia Long và bộ quốc phòng Việt Nam cộng hòa; Trung đoàn 64 tiến công đánh chiếm tiểu khu Gia Định.
Một lực lượng khác do đồng chí Lê Minh - Tham mưu trưởng sư đoàn chỉ huy phát triển sang dinh Độc Lập; khi đến nơi thấy đơn vị bạn đã chiếm giữ ở đó liền quay sang cùng lực lượng của Trung đoàn 64 chiếm giữ các mục tiêu khu vực bộ quốc phòng VNCH.
Đến 16 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, các hướng chiến đấu của Quân đoàn đều đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao. Một số đơn vị tiếp tục truy quét những tên địch ngoan cố chống cự, gọi hàng bọn địch còn lẩn trốn.
Đồng thời, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Ủy ban quân quản, chính quyền địa phương triển khai phương án bảo vệ vùng mới giải phóng và các mục tiêu đã đánh chiếm, tổ chức tiếp nhận sự trình diện của sĩ quan và binh lính địch; tổ chức các tổ công tác giúp chính quyền địa phương giữ gìn trật tự trị an, ổn định đời sống nhân dân trong vùng mới giải phóng trên khu vực đứng chân của Quân đoàn.
* Nguồn trích dẫn:
- "Đại thắng mùa xuân 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội -2005.
- "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.
- "Năm 1975 - Những sự kiện lịch sử trọng đại", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.