Chiều 19/6, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các nhà báo lão thành và hơn 100 Tổng Biên tập nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Sức mạnh của dân tộc không thể thiếu báo chí
Thủ tướng gửi những lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nhà báo lão thành; lãnh đạo các cơ quan báo chí; những người làm báo cả nước; các cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc tại các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Thủ tướng xúc động nói: “Nhân đây, chúng ta cũng thành kính, tri ân, tưởng nhớ các thế hệ làm báo đi trước đã cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp báo chí, một nghề nghiệp hết sức cao quý, có vai trò và vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước.
Nhiều nhà báo đã không tiếc mồ hôi, nước mắt, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đảng, Nhà nước luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Đảng, Nhà nước luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam". ảnh: Ngọc Quang. |
Thủ tướng nhấn mạnh, trong 90 năm qua, đất nước ta trải qua nhiều bước ngoặt lịch sử, báo chí cách mạng nước ta luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử; luôn nỗ lực, lao động miệt mài, cần mẫn, năng động, sáng tạo, nỗ lực, phấn đấu không ngừng và hoàn thành suất sắc chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin yêu giao phó.
Một lần nữa, Thủ tướng khẳng định: “Báo chí đã thực sự đóng góp quan trọng, to lớn vào thành tựu chung của đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc ngày nay”.
Thủ tướng cũng động viên và hy vọng báo chí cách mạng phải hết sức năng động, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, tìm câu trả lời từ thực tiễn hoạt động để làm sao phải đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm sự lãnh đạo của của Đảng đối với báo chí cũng như bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận của người dân, đồng thời phải tiếp tục phát triển và lớn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng mong muốn các nhà báo, phóng viên, những người làm báo hết sức đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với xã hội, đối với đất nước; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tại buổi gặp mặt này, Thủ tướng đã lắng nghe một số nhà báo đại diện nói lên tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị với Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ báo chí chính thống phát triển mạnh mẽ, là những kênh thông tin chuẩn mực để truyền tải chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân; đồng thời là cầu nối của nhân dân đến với Chính phủ.
Quy hoạch để làm cho báo chí tốt hơn
Thủ tướng hoàn toàn chia sẻ với tâm tư nguyện vọng của các phát biểu đại diện, đồng thời chỉ rõ: "Quy hoạch báo chí là để báo chí cách mạng nước ta làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, phát triển nhanh và vững chắc.
Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm đề án quy hoạch và lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Sau đó đã mấy lần trình lên Bộ Chính trị, rồi trình Trung ương. Trung ương đã kết luận cơ bản đồng tình với đề án và giao Chính phủ triển khai phê duyệt quy hoạch".
Thủ tướng khẳng định, quy hoạch là nhằm làm cho báo chí phát triển tốt hơn. ảnh: Ngọc Quang. |
Về triển khai quy hoạch báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là một lĩnh vực hết sức phong phú, vì vậy sẽ làm một cách hết sức vững chắc, hết sức dân chủ.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở đề án đã trình Bộ Chính trị, trình Trung ương làm việc với từng cơ quan, để có kết quả cụ thể về việc các cơ quan đó đề xuất, sắp xếp như thế nào, lộ trình ra sao để từ đó tổng hợp trình Thủ tướng phê duyệt khi có sự đồng thuận cao, vừa làm vừa điều chỉnh và rút kinh nghiệm theo tinh thần là chấp hành tốt chủ trương của Trung ương.
Về sửa đổi Luật Báo chí, Thủ tướng nêu rõ, mục đích sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho báo chí phát triển tốt hơn, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình; tạo điều kiện để báo chí hoạt động thuận lợi hơn, đảm bảo tốt sự quản lý của nhà nước đối với báo chí cũng như đảm bảo cho báo chí tiếp tục phát triển, lớn mạnh.
Vì lẽ đó, Thủ tướng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí, những người làm báo từ hoạt động thực tiễn có những ý kiến đóng góp sát đáng vào dự án Luật Báo chí sửa đổi.
Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động cung cấp thông tin khách quan, nhanh chóng, chính xác, kịp thời cho báo chí, dư luận về mọi mặt của tình hình kinh tế-xã hội, qua đó tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
“Tôi lấy thí dụ như vụ máy bay rơi ở gần đảo Phú Quý, tôi đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phải thông tin xác nhận ngay, sau đó tiếp tục điều tra và cung cấp thông tin, chứ đừng để cho tới khi tìm được hết thông tin mới cung cấp”, Thủ tướng chia sẻ.
Nhấn mạnh từ nay tới cuối năm 2015, Bộ chính trị đã xác định 3 nhóm nhiệm vụ lớn là:
Thứ nhất, đó là các cấp, các ngành phải phấn đấu, nỗ lực để hoàn thành đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2015, từ đó góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm (2011-2015), gắn với đó là cải thiện một cách thiết thực đời sống người dân, nhất là người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ 2 là giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không ngừng củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Thứ 3 là phải tiến hành tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp.
Từ ba nhóm nhiệm vụ như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan báo chí hết sức quan tâm trong công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương; đóng góp thiết thực, hiệu quả vào thực hiện các nhóm nhiệm vụ đã được xác định nêu trên.
Thủ tướng bày tỏ: "Trong khó khăn, báo chí đã góp phần rất lớn và tạo đồng thuận xã hội về chủ chương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, về sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ qua đó phản ánh kịp thời những ý kiến sôi động từ thực tiễn cuộc sống để Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành, điều chỉnh chủ trương, giải pháp.
Thời gian qua, báo chí đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc".