Góp ý về dự thảo Thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ vừa được Bộ Công an đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi, Phó Giáo sư Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng, cần thận trọng trước khi trang bị súng cho lực lượng Công an xã.
Bà An nêu quan điểm: "Nói thật, bản thân tôi thấy lo lắng và chưa đặt trọn niềm tin vào lực lượng Công an xã nếu trang bị cho họ vũ khí. Bởi thực tế, nhiều người trình độ còn hạn chế, hoặc một số khác chưa được huấn luyện, đào tạo một cách bài bản.
Đó là chưa nói đến chuyện Công an xã lạm dụng vũ khí, dùng không đúng mục đích, gây thương tích cho người khác, như một vài sự việc vừa diễn ra cách đây không lâu.
Chuyện này không đùa được", Phó Giáo sư Bùi Thị An thận trọng.
Phó Giáo sư Bùi Thị An (ảnh: Ngọc Quang/giaoduc.net.vn). |
Cũng theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, chỉ nên trang bị công cụ hỗ trợ đơn thuần cho lực lượng Công an để họ thực hiện tròn vai theo đúng chức trách được giao.
"Chúng ta cần phải tính toán, nghiên cứu thật kỹ việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Công an xã. Nếu trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ mà không có giải pháp hữu hiệu để quản lý, giám sát chặt chẽ thì lợi bất cập hại.
Theo thống kê, nước ta có hơn 100 nghìn Công an xã. Cứ thử nghĩ xem, nếu cả hàng trăm nghìn Công an xã được trang bị súng thì chúng ta quản lý thế nào cho tốt để không xảy ra việc lạm quyền?
Lượng Công an chuyên chính với kẻ thù nhưng bảo vệ nhân dân. Đặc biệt, Công an xã, phường là đơn vị rất gần dân, sát dân, cho nên cái cần ở họ là quản lý địa bàn thật tốt. Do đó, nếu cho họ sử dụng các loại vũ khí có tính sát thương như dự thảo Thông tư đề cập thì nặng nề quá.
Có nên ủng hộ đề xuất cho Công an xã được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ? |
Tôi cho rằng chỉ nên trang bị công cụ hỗ trợ đơn thuần để Công an xã thực hiện đúng với trọng trách họ được giao mà thôi", Phó Giáo sư Bùi Thị An bày tỏ.
Trong khi đó, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, dự thảo Thông tư trên cần chi tiết hóa việc sử dụng vũ khí , công cụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế từng địa phương, từng khu vực.
"Nên căn cứ tình hình thực tế theo địa bàn, tình hình dân cư, để trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho phù hợp, chứ không nên áp dụng tràn lan", Luật sư Thuận nói.
Luật sư Trần Quốc Thuận cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Kiểm ngư (Cục Kiểm ngư; Chi cục Kiểm ngư vùng; Trạm Kiểm ngư; Đội tàu kiểm ngư được trang bị súng ngắn, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng máy có cỡ nòng đến 14,5mm).
"Chúng ta nên cân nhắc thận trọng chuyện trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ cho lực lượng này bởi nếu sơ xuất trong việc sử dụng rất có thể sẽ gây ra những xung đột cục bộ trên biển, nhất là khi việc giải quyết tranh chấp trên Biển đông vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn luận", Luật sư Trần Quốc Thuận nêu quan điểm.