Chưa biết sẽ cho trẻ uống sữa gì, sao Hà Nội bảo phụ huynh đăng ký mua?

22/09/2018 06:00
Thùy Linh
(GDVN) - Chị Hồng Vân băn khoăn: "Làm sao tôi có thể đăng ký cho con tôi uống một thứ sữa mà chính nhà trường còn chưa biết nó là sữa của hãng nào?".

Ở cấp mầm non và tiểu học trên địa bàn Hà Nội, các nhà trường đang phát phiếu đăng kí khảo sát nhu cầu của phụ huynh về việc áp dụng chương trình sữa học đường.

Theo đó, bắt đầu từ năm học 2018-2019, học sinh mầm non và tiểu học sẽ tham gia chương trình Sữa học đường theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ đến năm 2020.

Tuy nhiên, sau buổi họp phụ huynh đầu năm học, nhiều phụ huynh vẫn còn không ít băn khoăn khi thông tin về chương trình sữa học đường và về hãng sữa cũng như chất lượng của loại sữa chưa được cụ thể.

Chia sẻ về việc đăng ký chương trình sữa học đường, chị Hồng Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) thắc mắc: “Làm sao tôi có thể đăng ký cho con tôi uống một thứ sữa mà chính nhà trường còn chưa biết nó là sữa của hãng nào?

Mặc dù cô giáo chủ nhiệm lớp giải thích, các hãng sữa phải đấu thầu, sau khi có kết quả hãng sữa nào trúng thầu sẽ thông tin tới phụ huynh”.

Sau buổi họp phụ huynh đầu năm học, khi được phát phiếu đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường nhiều phụ huynh không ít băn khoăn khi thông tin về chương trình sữa học đường và về hãng sữa cũng như chất lượng của loại sữa chưa được cụ thể. (Ảnh: Thùy Linh)
Sau buổi họp phụ huynh đầu năm học, khi được phát phiếu đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường nhiều phụ huynh không ít băn khoăn khi thông tin về chương trình sữa học đường và về hãng sữa cũng như chất lượng của loại sữa chưa được cụ thể. (Ảnh: Thùy Linh)

Trong khi đó, chị Thu Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, ngay sau khi nhận được phiếu của nhà trường về việc tham gia chương trình sữa học đường, chị đã không đăng ký.

“Qua các phương tiện thông tin, tôi được biết tháng 3 vừa qua ở Đồng Nai đã bị ngộ độc nghi vì sữa học đường, các em đã nhập viện trong tình trạng đau bụng và nôn mửa. Và tỉnh Đồng Nai đã phải tạm dừng triển khai chương trình này.

Làm sao dám tin chắc 100% khi triển khai ở Hà Nội sẽ không xảy ra hiện tượng này, hơn nữa hiện nay khi chưa có Sữa học đường thì hàng ngày gia đình tôi vẫn cho cháu mang theo sữa mà chúng tôi tin dùng đến trường”, chị Thu Thủy chia sẻ.

Rõ ràng, chương trình sữa học đường rất nhân văn nhưng việc nhiều bậc phụ huynh băn khoăn do dự là có căn cứ.

Xung quanh vụ việc này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó giáo sư Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế.

Theo bà Bùi Thị Nhung: “Đối với những vùng ngoại ô, vùng sâu vùng xa, những em bé vừa bị suy dinh dưỡng lại chưa uống sữa bao giờ có thể gặp hiện tượng không dung nạp được lactose với triệu chứng: đau bụng, nôn và có thể tiêu chảy. Và khi ngừng uống sữa thì hết triệu chứng đó.

Tuy nhiên, một số địa phương khi triển khai chương trình sữa học đường nhưng chưa có sự chuẩn bị tốt nên đã xảy ra hiện tượng này mà phụ huynh có thể nghi ngại rằng đây là ngộ độc sữa hay ngộ độc thực phẩm".

Phó giáo sư Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế.(Ảnh: Thùy Linh)
Phó giáo sư Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế.(Ảnh: Thùy Linh)

Phó giáo sư Bùi Thị Nhung chia sẻ thêm, thực tế ở Việt Nam có một số lượng lớn người trưởng thành không uống được sữa do không có thói quen uống sữa từ thủa nhỏ.

Bởi lẽ, trước đây do điều kiện còn khó khăn nên không có sữa để uống vì vậy khi uống sữa đặc biệt là sữa tươi sẽ gặp hiện tượng không dung nạp được lactose.  

"Khi triển khai chương trình sữa học đường, giáo viên cần thống kê trẻ nào chưa uống sữa bao giờ để tập cho trẻ uống dần dần chứ không ngay lập tức uống với lượng lớn để cải thiện chứ đừng vì vậy mà không cho trẻ uống sữa”, bà Nhung khuyến cáo. 

Thùy Linh