10 dạng sống kỳ lạ được phát hiện năm 2011

30/11/2011 15:47
Nguyễn Hường (theo National Geographic)
(GDVN) - Xem 10 dạng sống kỳ lạ được phát hiện trong năm 2011 theo bình chọn của National Geographic, trong đó có 2 loài vật được tìm thấy ở Việt Nam.

1. Cá mập bạch tạng độc nhãn

Con cá mập chưa chào đời, dài 56cm, bị mắc chứng bạch tạng và chỉ có một mắt này được một ngư dân Mexico tìm thấy trong bụng của một con cá mập mẹ mắc kẹt vào lưới hồi tháng 10/2011.

Nó được xác định mắc phải dị tật bẩm sinh có tên gọi là cyclopia, xảy ra ở nhiều loài động vật và thậm chí là cả ở người. Những sinh vật mắc phải chứng bệnh này đều không thể sống sót quá lâu sau khi chào đời.

2. Tắc kè hoa "Glam Rock"

Loài tắc kè hoa "Glam Rock" có màu sắc sặc sỡ vô cùng độc đáo này vừa được phát hiện ở đảo Madagascar, châu Phi hồi tháng 6.

3. Nhện bạch tạng

Con nhện cửa sập bị bạch tạng được phát hiện tại Úc hồi tháng 10 này đã khiến nhiều nhà khoa học bị "sốc". Nó có chiều dài khoảng 3 cm nhưng không bị bạch tạng hoàn toàn.

Phần thân và chân của nó vẫn có màu nâu bình thường như những đồng loại khác nhưng phần lưng lại hoàn toàn trắng toát. Các nhà khoa học vẫn coi nó là một con nhện bạch tạng cho tới khi phát hiện ra loài mới.

4. Dơi quỷ

Loài dơi quỷ này được phát hiện sống trong những cánh rừng mưa Việt Nam. Dơi quỷ có đặc điểm lông phần đầu và phần lưng màu đen, trong khi, lông phần bụng có màu hơi trắng. Đây được coi là loài dơi duy nhất được phát hiện có màu sắc lông như vậy.

Bình thường chúng rất hiền lành và nhút nhát. Nhưng khi bị làm phiền, chúng sẽ đặc biệt trở nên hung dữ.

5. Nấm có khả năng kiểm soát thần kinh động vật

Nấm Ophiocordyceps camponoti-balzani được phát hiện phát triển trong đầu của loài kiến sống trong những khu rừng mưa Brazil trong tháng 3/2011.

Loài nấm này có khả năng kiểm soát thần kinh và "điều khiển" những con kiến bị nhiễm nấm tìm  tới những khu vực có điều kiện thích hợp với sự phát triển và phát tán các bào tử của chúng và trưởng thành nhờ dinh dưỡng từ cơ thể của kiến.

6. Sên biển Pancake


Loài sên biển có hình dáng của một chiếc bánh xe này được phát hiện tại Philippines tháng 6/2011 trong một cuộc thám hiểm của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học California.

7. Ếch bay ma cà rồng

Ếch bay ma cà rồng (Rhacophorus vampyrus) là tên gọi của một loài ếch mới được phát hiện tại Việt Nam.

Chúng được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 2008,  có chiều dài khoảng 5 cm, và được biết tới là loài ếch chỉ sống ở những cánh rừng mây thuộc miền bắc Việt Nam.

Chúng sử dụng các đầu chi trước và chi sau để dễ dàng di chuyển từ cây này sang cây khác. Nòng nọc của chúng có miệng như mỏ chim và là loài nòng nọc duy nhất được tìm thấy có răng nanh ở miệng.

8. Giun quỷ

Một loài giun quỷ đã được tìm thấy sống ở độ sâu 6,4 km dưới lòng đất, nơi chưa từng có động vật nào được tìm thấy tồn tại ở độ sâu này.

Nó được xác định là một loài giun tròn mới có tên khoa học là Halicephalobus mephisto.

9. Sâu biển "môi" lớn

Loài sâu biển có màu sắc tươi sáng này được tìm thấy sống ở độ sâu 2.700m dưới đáy biển thuộc Trung Atlantic. Chúng có tên gọi như trên bởi có hình dạng giống như một đôi môi hồng gợi cảm. Màu sắc sặc sỡ này giúp chúng dụ dỗ con mồi ở nơi thức ăn khan hiếm.

10. Sứa Meanie hồng


Loài sứa này là một loài sứ mới, được tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi Florida (Mỹ) hồi tháng 1/2011. Chúng có hàng trăm xúc tu nhỏ bé dùng để bắt mồi và bơm dịch tiêu hóa vào con mồi trước khi tiêu thụ chúng.
Nguyễn Hường (theo National Geographic)