Trong đó 4 người chết và mất tích ở Quảng Bình; Quảng Trị có 5 người chết và 2 mất tích; Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng mỗi địa phương có 1 người thiệt mạng.
Chỉ trong một tháng, Quảng Trị hứng 3 trận lũ liên tiếp. Những người nông dân chỉ biết khóc ròng nhìn lúa, hoa màu bị hư hại. Tại xã Triệu Giang (H.Triệu Phong), một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, bà Lê Thị Bích Liên (78 tuổi, thôn Trà Liên Tây) kể: “Nước lũ lên nhanh quá, nhà lại không có đàn ông nên ba bà cháu tôi chỉ kịp vớ cái xoong với mấy gói mì tôm lên ngồi trên gác... nhìn nước tràn vào. Có mấy bao lúa nhưng nặng quá không vác lên kịp...”.
Ông Bùi Duy Lương, Chủ tịch UBND xã, lý giải địa phương thường bị thiệt hại nặng do lũ bởi có tới 3 con sông bao quanh (sông Thạch Hãn, sông Ái Tử và sông Vĩnh Phước), chỉ cần nước sông lên mức báo động 2 là xã bị chia cắt thành 3 cụm. “Nặng nề nhất là thôn Trà Liên Tây, Trà Liên Đông, Tả Kiều... với 860 nhà dân bị ngập nặng, có nơi đến gần 2m. Hoa màu vụ đông bị thiệt hại hơn 37 ha và 50% của 1.243 tấn lúa vừa thu hoạch đã bị hỏng vì bị ngâm nước và không được phơi”, ông Lương thở dài liệt kê những con số đáng buồn.
Nhiều nhà dân ở Tân Hóa (Quảng Bình) còn ngập sâu trong lũ (Ảnh chụp ngày 18.10) - Ảnh: Diệp Đồng |
Những cái chết tức tưởi
Đến 8 giờ sáng qua, gia đình và bà con chòm xóm mới tìm được thi thể của em Lê Quang Hiệp (13 tuổi, thôn Trung Chỉ, P.Đông Lương, TP Đông Hà). Hiệp sinh ra trong một gia đình nghèo, có 4 chị em, bố mẹ làm nghề chăn vịt trên đồng. Buổi sáng 16.10, lũ tràn về, sau khi khuân vác đồ lên cao trong nhà, Hiệp chạy ra cánh đồng mênh mông nước để lùa vịt về giúp cha mẹ và bị sẩy chân xuống dòng nước xoáy.
“Nếu cháu nó là đứa ham chơi, không biết thương cha mẹ thì đã không ra khỏi nhà vào lúc đó và cơ sự đã không xảy ra”, ông Lê Quang Hòe, bác ruột của Hiệp, bần thần nói.
Tại thôn Diên Trường, xã Hải Thọ, H.Hải Lăng, đám tang bé Trần Thị Kiều Vi cũng diễn ra trong nước mắt. “Tội nghiệp con bé, không biết nên tội tình chi mà chết không có đất chôn. Ba ngày nữa lũ mới rút hẳn, chắc phải qua thôn khác để mai táng thôi”, ông Trần Du (82 tuổi) khóc thương đứa cháu nội đoản mệnh do mưa lũ.
Chúng tôi tiếp tục tìm về thôn Lương Điền, xã Hải Sơn (H.Hải Lăng) nơi có đám tang của Trương Công Minh. Chàng trai 17 tuổi này đã ngã xuống khi đang quên mình hộ đê, cứu dân.
Cô ruột em Minh, chị Trương Thị Mỹ Dung, nghẹn ngào: “Khi vừa cứu xong một em nhỏ và một cụ già tại Đội 3, thôn Lương Điền, nó còn cười với tôi và nói rằng cô yên tâm con đi hộ đê đã, xong việc con về. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng mà tôi còn nhìn thấy nó”.
Minh mồ côi cha từ khi mới 16 tháng tuổi, mẹ bỏ đi lấy chồng khác. Em lớn lên trong sự đùm bọc và dạy dỗ của ông bà nội. Học đến lớp 9, vì thương ông bà tuổi già, em đã bỏ ngang để học sửa xe máy...
Đến chiều qua, tỉnh Quảng Trị đã có 5 người chết, 2 người mất tích, 1 người bị thương nặng do mưa lũ.
Suốt 2 ngày liền bà Lê Thị Bích Liên (thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, H.Triệu Phong, Quảng Trị) bám trụ trên căn gác này - Ảnh: Phúc Thọ |
Hàng vạn ngôi nhà còn ngập trong nước
Mưa lớn trong những ngày qua làm gần 4.500 ngôi nhà ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ và Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị ngập chìm trong nuớc. Đèo Thọ An (H.Bình Sơn) - tuyến đường huyết mạch nối từ trung tâm xã Bình An đến thôn Thọ An bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông khiến gần 160 hộ ở thôn Thọ An bị cô lập hoàn toàn.
Chiều hôm qua, sau khi thị sát tuyến đường này, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng huy động nhân lực, phương tiện khắc phục “nóng” để sớm thông tuyến tạm thời. Trước mắt, học sinh đến trường khi qua đoạn đường hư hỏng này cần phải có người đưa đón để đảm bảo tính mạng.
Tỉnh Quảng Bình hôm qua vẫn còn 20 xã bị ngập sâu trên 0,5m, trong đó riêng Lệ Thủy có 12 xã. Gần 100% trường học trên địa bàn hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và một số xã vùng cồn bãi Quảng Trạch, vùng trũng ở Minh Hóa vẫn đang trong quá trình khắc phục hậu quả. Trong khi cứu dân, trung úy Nguyễn Văn Quý (thuộc Đội CSGT H.Lệ Thủy) bị thương nặng, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.
Mưa lũ đã làm sạt lở nhiều tuyến đường lên vùng cao biên giới Quảng Nam như Tây Giang, Nam Giang. Toàn bộ tuyến đường đi các xã Ch’ơm, Gary, A Xan (H.Tây Giang) bị tê liệt hoàn toàn. Giao thông trên nhiều tuyến liên xã vùng cao vẫn gặp khó khăn vì lầy lội, sạt lở. Hàng chục hộ dân thôn Kala, xã Dang, H.Tây Giang phải di dời khẩn cấp.
Tại Thừa Thiên - Huế, nước lũ đã rút nhưng một số địa bàn của huyện Quảng Điền và Phong Điền, Phú Vang... vẫn còn ngập. Kênh mương bê tông cấp 1+2 của hệ thống thủy lợi Tây Hưng 1, hệ thống kênh mương nội đồng các xã Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành bị vỡ gần 1.000m.
Tại Đà Nẵng, 80 hộ dân ở 10 tổ dân phố bị ngập nặng ở P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu vẫn chưa dám vận chuyển đồ đạc về lại nhà bởi khu vực rất dễ bị ngập sâu trở lại.