14 quốc gia sẽ diễn tập xử lý khủng hoảng trên biển ở Đà Nẵng

15/07/2016 16:16
HOÀNG TUẤN
(GDVN) - Nội dung cuộc diễn tập bao gồm: công tác chuẩn bị ứng phó thảm họa, ứng phó ở mức độ khu vực và quốc gia, y tế bờ biển, tìm kiếm và cứu trợ hàng hải.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, từ ngày 15-28/7, Chương trình Đối tác Thái Bình Dương (Pacific Partnership–PP) sẽ diễn ra tại Đà Nẵng.

Chương trình nhằm mục đích hỗ trợ TP Đà Nẵng nâng cao năng lực y tế, điều trị bệnh cho người dân, tăng cường năng lực đối phó thảm họa và hỗ trợ cộng đồng. 

Chiều 15/7, đại diện các nước tham gia Chương trình đã có mặt tại Đà Nẵng bao gồm: Úc, Canada, Indonesia, Nhật bản, Malaysia, New Zealand, Palau, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Timor Leste, Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Các nước tham gia với mục tiêu tăng cường ứng phó thảm họa ở các quốc gia khu vực.

Tàu Hải quân Nhật bản, JSDS Shimokita (LST-4002) cập cảng Tiên Sa (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ngày 15/7. Ảnh: Hoàng Tuấn
Tàu Hải quân Nhật bản, JSDS Shimokita (LST-4002) cập cảng Tiên Sa (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ngày 15/7. Ảnh: Hoàng Tuấn

Theo giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng Lâm Quang Minh, Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2016 (PP16) đã khởi động sáng nay 15/7 tại TP Đà Nẵng.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, với sự tham gia của Tàu bệnh viện Hoa Kỳ USNS Mercy (T-AH 19) và tàu Hải quân Nhật bản, JSDS Shimokita (LST-4002).

Năm nay, Tàu bệnh viện Khánh Hòa của Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng sẽ tham gia PP16.

Đây là lần thứ 7 trong vòng 11 năm sự kiện này đã diễn ra tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Tại buổi họp báo chiều 15/7 ngay tại cầu cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Đại tá Tom Williams, Chỉ huy trưởng Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2016 cho biết:

"Chuyến đi lần này, ngoài việc hỗ trợ đa phương thì việc diễn tập ứng phó thảm họa được ưu tiên hàng đầu.

Đà Nẵng- Việt Nam có kinh nghiệm trong việc ứng phó thảm họa, nên đây là cơ hội để các bên học hỏi lẫn nhau trong ứng phó thảm họa thiên nhiên.

Chương trình ứng phó thảm họa có tầm cỡ lớn từ cấp Chính phủ và cộng đồng quốc tế, nếu có thảm họa ở một nơi nào trên thế giới thì có sự phối hợp của cơ quan Liên Hiệp quốc, các chính phủ và cộng đồng quốc tế cùng chung tay.

Trong chương trình ứng phó có nhiều vấn đề, trong đó đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo đời sống yên bình cho người dân là vô cùng quan trọng.

Bởi vậy, được diễn tập nhiều thì sau này nếu có xảy ra trong thực tế thì chúng ta dễ dàng thực hiện hơn".

Đội ngũ cán bộ PP16 và đội ngũ cán bộ phía Việt Nam sẽ tổ chức một hội thảo 7 ngày về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA/DR), kết thúc bằng một cuộc diễn tập xử lý khủng hoảng. Ảnh: Hoàng Tuấn
Đội ngũ cán bộ PP16 và đội ngũ cán bộ phía Việt Nam sẽ tổ chức một hội thảo 7 ngày về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA/DR), kết thúc bằng một cuộc diễn tập xử lý khủng hoảng. Ảnh: Hoàng Tuấn

Trong lúc đó, thiếu tá Jason Dao, sĩ quan Mỹ phụ trách địa bàn Việt Nam, cho rằng chương trình đa quốc gia năm nay sẽ mở rộng thêm cơ hội đào tạo và hợp tác so với năm trước.

“Phạm vi của phái đoàn nhiệm vụ năm nay hơi khác so với các năm trước đây. Trong khi PP16 tiếp tục các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA/DR), các dự án về y tế, xây dựng và quan hệ cộng đồng, thì phái đoàn năm nay còn có tàu Nhật Bản Shimokita và Tàu bệnh viện Khánh Hòa của Hải quân Nhân dân Việt Nam”, thiếu tá Jason Dao nhấn mạnh.

Được biết, nội dung cuộc diễn tập xử lý khủng hoảng bao gồm: công tác chuẩn bị ứng phó thảm họa, ứng phó ở mức độ khu vực và quốc gia, y tế bờ biển, tìm kiếm và cứu trợ hàng hải.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius chia sẻ: “PP16 là một ví dụ cụ thể cho các hoạt động mang lại lợi ích chung mà Tổng thống Obama đã thảo luận trong chuyến thăm của ông hồi tháng 5.

PP16 xây dựng niềm tin và minh chứng cho cam kết của Hoa Kỳ với Việt Nam và khu vực. Chúng tôi mong muốn giúp đỡ Việt Nam thành công và chúng tôi sẽ ở lại đây lâu dài”.

HOÀNG TUẤN