2 giải pháp ngăn 'làm đẹp' học bạ khi điểm THPT chiếm 50% xét tốt nghiệp

06/01/2025 06:52
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với nhiều điểm mới.

Đáng chú ý, kết quả học tập lớp 10, 11 và 12 chiếm tỷ lệ 50% trong điểm xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (thay vì 30% kết quả học tập của học sinh ở lớp 12 như kì thi của Chương trình 2006).

Việc tăng tỷ lệ sử dụng học bạ từ 30% lên 50% để đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết.

Tuy vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11 và 12 lên 50% khiến dư luận không khỏi lo ngại, bởi vì các nhà trường phổ thông có thể sẽ “làm đẹp” học bạ giúp tăng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong phạm vi bài viết này, người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông đề xuất 2 giải pháp căn cơ nhằm góp phần ngăn chặn các nhà trường “làm đẹp” học bạ.

gdvn-737-6428.jpg

Cần đồng bộ triển khai học bạ điện tử

Ngày 11/02/2024 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. [1]

Trong đó, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thí điểm học bạ số năm học 2023-2024, triển khai đại trà từ năm học 2024-2025. Hiện nay mới chỉ có bậc tiểu học triển khai thí điểm đồng bộ về học bạ điện tử.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, hiện nay đa số các nhà trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước vẫn sử dụng học bạ giấy. Vì hành lang pháp lí về học bạ điện tử chưa rõ ràng nên không ít trường vẫn sử dụng học bạ điện tử song song với học bạ giấy.

Người viết nhận thấy, học bạ điện tử vừa giúp liên thông cơ sở dữ liệu vừa ngăn chặn việc các nhà trường trung học phổ thông “làm đẹp” học bạ rất hiệu quả.

Bởi vì, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử được triển khai trên phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục của từng địa phương, giúp các cơ quan quản lí giáo dục quản lý toàn bộ dữ liệu về học sinh như sổ điểm, điểm các kì kiểm tra thường xuyên.

Cùng với đó, khi học sử dụng học bạ điện tử thì giáo viên rất khó có thể thay điểm số của học sinh, mà có sự giám sát của hiệu trưởng, người quản trị cơ sở dữ liệu nhà trường. Hơn nữa, phụ huynh cũng không dễ tác động đến giáo viên để xin nâng điểm cho học sinh như khi sử dụng học bạ giấy.

Mỗi khi học bạ điện tử được giám sát chặt chẽ sẽ hạn chế tình trạng gian lận so với việc sử dụng học bạ giấy. Kéo theo, kết quả học tập của học sinh được công khai, minh bạch, các em đều có thể dễ dàng giám sát lẫn nhau.

Vậy nên, cần đồng bộ triển khai học bạ điện tử bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông trên toàn quốc. Khi hành lang pháp lí về học bạ điện tử rõ ràng, dễ thực hiện thì các nhà trường sẽ áp dụng đại trà, hiệu quả.

Ngoài ra, khi có học bạ điện tử thì các cơ sở giáo dục đại học sẽ chấp nhận học bạ điện tử trong hồ sơ tuyển sinh của thí sinh; thủ tục du học, học sinh chuyển trường từ tỉnh này sang tỉnh khác,… không cần phải sử dụng học bạ giấy như hiện nay nữa.

Đối sánh điểm thi tốt nghiệp và học bạ của các trường trung học phổ thông

Lần đầu tiên, Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành đối sánh điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm trung bình lớp 12. Theo đó, mức chênh lệch cao nhất 1,7 điểm và thấp nhất là 0,32 điểm. [2]

Một số tỉnh ở vùng khó khăn có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thấp hơn điểm học bạ, khoảng chênh lệch giữa hai trường dữ liệu này cũng rộng hơn so với vùng thuận lợi. Điểm thi thấp hơn điểm học bạ được cho là do thầy cô cho điểm có phần “linh động” để động viên học sinh tiếp tục cố gắng.

Hoặc kết quả đối sánh được Vụ Giáo dục đại học công bố tại Hội nghị tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 15/3/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 60% thí sinh đỗ đại học bằng phương thức xét học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở tổ hợp ba môn thấp hơn 3 điểm so với những em đỗ bằng điểm này. [3]

Tuy vậy, việc đối sánh điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm học bạ chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo đối sánh theo từng tỉnh, thành.

Vậy nên, theo quan điểm cá nhân người viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần uỷ quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương đối sánh điểm học bạ tất cả các trường trung học phổ thông, đối sánh cả 3 năm lớp 10, 11, 12 để có cơ sở xử lí nếu có việc “làm đẹp” học bạ.

Một giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh từng chia sẻ với người viết rằng, giáo viên này có 1 học sinh lớp 12 tổng kết điểm học bạ cuối năm trên 8.0, nhưng sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết thúc, giáo viên vẫn ngày đêm lo lắng sợ em thi rớt (vì có thể bị điểm liệt).

Như đã phân tích, việc có tình trạng giáo viên "làm đẹp" học bạ để giúp học sinh tăng cơ hội đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào các trường đại học là có cơ sở.

Cần nói thêm, để ngăn chặn hiệu quả việc “làm đẹp” học bạ, nên chăng các địa phương cần tham khảo cách làm của Thành phố Hồ Chí Minh, đó là không đánh giá thi đua giáo viên dựa trên kết quả kiểm tra học sinh. [4]

Từ năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các trường rà soát, điều chỉnh các tiêu chí thi đua nhằm tránh việc đánh giá thi đua giáo viên dựa trên kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh.

Thay vào đó, lãnh đạo các nhà trường phổ thông thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện ma trận, đặc tả và đề kiểm tra, đánh giá định kỳ theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10173

[2] https://vnexpress.net/ket-qua-doi-sanh-diem-thi-tot-nghiep-thpt-va-hoc-ba-4331564.html

[3] https://vnexpress.net/chenh-lech-3-diem-giua-thi-sinh-do-bang-hoc-ba-va-diem-thi-4722693.html

[4] https://vietnamnet.vn/tphcm-khong-danh-gia-thi-dua-giao-vien-dua-tren-ket-qua-kiem-tra-hoc-sinh-2133608.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên