Quyết bài trừ tệ nạn
Thoáng trông, ông Nguyễn Viết Vân vẫn còn khá phong độ. Ánh mắt vẫn sắc, ánh lên vẻ cương nghị dưới vầng trán cao. Sau khi giải ngũ, ông Vân về sống tại phường Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội.
Những năm 90, người dân sống trên địa bàn phường lúc nào cũng nhức nhối với tệ nạn ma túy. Đã có ma túy, các tệ nạn xã hội khác theo đà phát triển mạnh như nấm sau mưa, thành chuỗi tội phạm đe dọa cuộc sống yên bình của người dân.
Ông Vân còn nhớ, đoạn đường Thanh Bảo chỉ vài trăm mét có đến gần 40 đối tượng buôn bán ma túy.
Ông Nguyễn Viết Vân 20 năm giúp người nghiện hoàn lương |
Nhận được sự đồng ý, ông Vân lập tức triển khai chốt bảo vệ tại bến xe Kim Mã, phát hiện và ngăn chặn tất cả hành vi buôn bán và sử dụng ma túy.Ở đây, người dân vẫn ví von rằng mua ma túy dễ dàng như mua mớ rau ngoài chợ. “Bến xe Kim Mã, khu ngoại giao đoàn thời đó trắng xóa kim tiêm” - ông Vân nhớ lại.
Không đành lòng nhìn cuộc sống bình yên của người dân bị bủa vây bởi tệ nạn, ông Vân trình bày với công an địa phương về ý định thành lập tổ công tác đẩy lùi tình trạng mua bán ma túy công khai tại đây.
Khi phát hiện thấy đối tượng, ông Vân cùng các tình nguyện viên lao đến khống chế, đưa về trụ sở công an phường.
Các đối tượng nghiện ma túy lúc đó cũng hết sức bất ngờ bởi khi về trụ sở lại được chính ông Vân đến gặp gỡ, trò chuyện, dùng lời lẽ thiệt hơn khuyên bảo, kêu gọi họ đi cai nghiện và hoàn lương.
“Làm dần tích lũy được kinh nghiệm, tôi chỉ cần ngửi mùi mồ hôi hoặc nhìn qua biểu hiện cũng có thể biết được đâu là người nghiện. Tuy nhiên, thời kì đầu, việc bắt giữ và thuyết phục không đem lại nhiều hiệu quả, thậm chí lại gây thêm oán thù của họ đối với tôi” - ông Vân nói.
Bắt họ rồi lại thả, rồi họ lại phạm tội, tình hình như “bắt cóc bỏ đĩa” khiến ông Vân hiểu rằng, đây không phải là giải pháp tận gốc để bài trừ ma túy.
Mấu chốt vấn đề nằm ở việc người sau cai không có công ăn việc làm, thiếu tiền tiêu, bị bạn bè xấu rủ rê… nên họ mãi không thể dứt ra được “cái chết trắng”.
Với suy nghĩ đó, giải pháp ông Vân nghĩ đến là giúp đỡ công ăn việc làm cho những người đi cai về hoặc hoàn lương, kết hợp với việc chuyện trò cảm hóa.
Để thực hiện, ông Vân lập ra nhóm “Đoàn kết”, “Bạn giúp bạn” để vận động, giúp đỡ những đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện. Câu lạc bộ B93 phường Kim Mã được thành lập để giúp những người sau cai tái hòa nhập cộng đồng.
Từ đó đến nay, ông Vân hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc trên cương vị chủ nhiệm CLB.
Có được địa chỉ sinh hoạt, ông Vân cùng các tình nguyện viên tích cực hơn để giúp đỡ cho các đối tượng. Dù gia cảnh không dư giả gì nhưng vợ chồng ông đã bán chiếc xe máy duy nhất của gia đình để mua máy ép nước mía giúp các hội viên CLB B93 có phương tiện làm ăn tạm thời.
Gần 20 năm qua, Báo An ninh thủ đô cho biết, ông đã nhiều lần chạy đôn chạy đáo, kết nối, gặp gỡ tìm công việc giúp cho hàng chục người hoàn lương. Tổng kết lại, ông Vân ước đoán đã tạo việc làm cho 36 người sau cai nghiện.
Ông còn nhớ rõ 17 người trong số đó làm ăn phát đạt, vươn lên trở thành tấm gương cho nhiều hội viên khác noi theo. Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp từ bỏ chỗ tối về chỗ sáng thì nhiều đối tượng bị động chạm đến quyền lợi nên căm ghét ông Vân ra mặt.
Nhiều lần ông Vân bị nói kháy là “chỉ điểm” cho công an, là kẻ thích nhúng mũi vào chuyện người khác và không ít lần họ bóng gió rằng sẽ có ngày “xử” ông. Gia đình ông cũng nhiều phen bị trả thù, bị đe dọa, xúc phạm.
Bị giang hồ vác dao đòi “xử”
Không chỉ tìm lại cuộc đời cho nhiều người lầm lỡ, “bố” Vân - cách gọi thân mận của các hội viên - còn được xem là ông mối “mát tay” khi mai mối cho 9 cặp vợ chồng hạnh phúc, thậm chí có những “ca” hết sức khó khăn.
Trường hợp anh Lê Văn Thanh là một ví dụ. Thanh sớm nổi tiếng ở cộng đồng bởi thành tích bất hảo của mình. Liên tục vào tù ra tội cho đến khi gặp được ông Vân, Thanh quyết tâm hoàn lương.
Khi hoàn lương, Thanh và cô gái nết na, ngoan hiền đến từ “miền gái đẹp” Tuyên Quang đem lòng yêu nhau. Sự bất hảo của Thanh không làm người yêu e ngại nhưng chuyện đến tai cha mẹ cô, hai ông bà cương quyết không cho trẻ nên duyên. Mẹ cô gái bắt phải chọn một là gia đình, hai là “mày theo thằng đó”.
Tưởng chừng tuyệt vọng, Thanh tâm sự với ông Vân và ông Vân lại đứng ra, lên tận nhà gái để làm “thuyết khách” vì ông tin tưởng ở sự hoàn lương của Thanh.
Sau vài lần gặp gỡ, “thử lòng”, cảm nhận được sự chân tình thật sự, nhà gái cũng đồng ý cho đôi trẻ đến với nhau. Đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc nhiều năm nay, Thanh không tái nghiện, vươn lên làm kinh tế đã khiến ông bà hết sức yên tâm.
Bỏ ngoài tai những phản ứng tiêu cực với mình, ông Vân chân tình đến với họ và không quên vận động luôn cả những bà con khối phố nên tránh sự kì thị từ ánh mắt, lời nói đối với những người nghiện.
Bởi hơn ai hết, họ thường dễ bị kích động và dễ tự ái với sự lầm lỡ của mình. Tuy người nghiện có phần nể ông nhưng kẻ buôn ma túy luôn cho rằng ông đang phá hỏng “nồi cơm” của chúng.
Sự “ngứa mắt” với ông Vân dồn nén, đến một ngày có đối tượng buôn bán ma túy thuê 2 người nghiện cầm dao đến “xử” ông Vân.
Đó là buổi trưa, khi ông Vân một mình ngồi trong chốt gác chợt nghe huyên náo cả một phía chợ, có tiếng hét “Ông Vân ơi chúng nó mang dao đến đấy” của vài người quen đang buôn bán ở chợ làm ông giật mình.
Bước ra ngoài, ông thấy 2 thanh niên khá quen mặt, xăm trổ đầy mình, tay lăm lăm dao bầu chọc tiết lợn tìm ông “xin tí huyết”.
Ông bình tĩnh cởi áo, xoắn lại làm vũ khí, xuống tấn, vào thế võ tự vệ, đồng thời quắc mắt cất giọng sang sảng: “Tôi Vân đây, các anh tìm tôi có chuyện gì”. Nhìn thấy ông Vân, các đối tượng này chùn tay và bỏ chạy về phía chợ. Bà con nhanh ý quẳng gánh ra làm chúng ngã, ông Vân đã khống chế hai đối tượng đưa về phường.
Về đây, ông Vân rót nước mời đàng hoàng 2 thanh niên cộm cán, liều lĩnh, đầy tiền án và bắt đầu nói chuyện. Các đối tượng này đã thú nhận rằng được một tay buôn ma túy ở Thanh Bảo thuê “xử” ông.
Tuy nhiên, khi nhìn thấy ông Vân họ nhận ra ông là người đã từng đánh võ, bắt chúng đem về phường dạo trước nên sợ bỏ chạy. Lúc đó, ông Vân nhớ ra là đã từng khống chế và khuyên răn những đối tượng này nhưng không thành công.
Chưa hết, nhiều lần gia đình ông Vân bị rải truyền đơn phá hoại, bôi xấu, đe dọa nhưng ông Vân vẫn thông cảm và thuyết phục vợ con tin tưởng họ, cho rằng tâm lý muốn trả thù ông là bình thường, có thể hiểu được.
Nguyễn Hùng Long là trường hợp khá đặc biệt trong số những người hoàn lương ở CLB B93. Long từng là đối tượng nghiện ma túy, buôn bán ma túy có hạng, tên được lưu trong danh sách đen của công an nhiều năm. Nguồn lợi từ buôn ma túy khiến Long trở thành tay chơi, sa đà vào đủ các tệ nạn khác.
Tuy nhiên, sức khỏe ngày mỗi yếu, Long mất tất cả sau một số lần bị trả thù, bị truy quét. Sau nhiều lần từ chối gặp ông Vân thì Long cũng bị ông Vân thuyết phục.
Long đi cai nghiện, vật vã vì đói thuốc nhiều lần thì cũng cắt được cơn. Khi tái hòa nhập cộng đồng, thời gian đầu Long được tạo điều kiện bán nước mía, sau này Long được người bạn gợi ý và cùng làm dụng cụ câu cá.
Công việc ngày càng tiến triển, giờ Long đã kinh doanh khá khẩm, tài sản nhiều hơn so với thời buôn hàng cấm, lại có được sức khỏe và sự tôn trọng từ mọi người.
Ông Vân kể thêm một trường hợp của một người tên Hà, không phải phải sinh sống ở khu vực ông nhưng tình cờ được ông khuyên đi cai. Sau khi cai nghiện về, trong cơn mưa tầm tã, Hà đứng đợi ông Vân ngoài CLB B93, thấy ông Vân đến là nức nở khóc và xin được hoàn lương.
Nhiều bạn bè đến rủ rê Hà nhưng Hà đã từ chối tất cả, dù nhiều lúc, chỉ nhìn thấy người ta hút thuốc, thấy người ta gãi ngứa, nhìn thấy người nghiện, nhìn thấy những không gian tệ nạn… là Hà thấy “bứt rứt” trong người.
Gần 20 năm cần mẫn hoàn lương cho người nghiện ma túy và người có tiền án, ông Vân được các hội viên trong CLB hết sức yêu quý. Hiện nay, trăn trở lớn nhất của ông là địa điểm sinh hoạt cho CLB thiếu thốn cũng như nguồn kinh phí hạn chế.
Mỗi năm CLB được cấp 4,8 triệu đồng hoạt động, ông Vân mỗi tháng lại phải trích thêm tiền hưu trí của mình để thăm hỏi, động viên các hội viên, đưa các hội viên đi du lịch…khiến tình cảm các thành viên trong CLB ngày càng gắn kết.