LTS: Nhân dịp kỉ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019), chia sẻ về những ngày đầu thành lập của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Đại tá Đặng Việt Thủy đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh và một số cán bộ cách mạng được Người huấn luyện tại Trung Quốc đã vượt cột mốc số 108 trên biên giới Việt - Trung, tại châu Hà Quảng, trở về nước sau gần 30 năm hoạt động ở nước ngoài.
Sau đó, với bí danh Già Thu, Người tới ở và làm việc tại hang Cốc Bó thuộc bản Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng).
Từ đây, Pác Bó trở thành nơi đứng chân của Bác Hồ cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng toàn quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Quân công hạng Nhất tặng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh minh họa: Báo Quân đội Nhân dân. |
Từ ngày 10-19/5/1941, tại lán Khuổi Nậm - Pác Bó (Hà Quảng), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 khai mạc.
Hội nghị phân tích sâu sắc tình hình quốc tế, tình hình cách mạng trong nước sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, binh biến Đô Lương và nhận định cách mạng đã bước sang thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh bằng bạo lực để giành chính quyền cách mạng.
Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh nhằm tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc cho mục tiêu giải phóng dân tộc. Hội nghị đã đề ra chủ trương thành lập lực lượng vũ trang toàn quốc bằng nhiều hình thức.
Thực hiện nghị quyết của Trung ương, từ năm 1941 đến 1944, các lớp quân chính được tổ chức liên tục tại khu căn cứ địa cách mạng, đặc biệt là Cao Bằng.
Tỉnh ủy Cao Bằng đã thành lập Đội du kích của tỉnh - còn gọi là Đội du kích Pác Bó, do đồng chí Lê Quảng Ba làm Đội trưởng, đồng chí Lê Đinh (Lê Thiết Hùng) làm Chính trị viên, Trần Sơn Hùng (Hoàng Sâm) là Đội phó...
Đội có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc đặc biệt, vũ trang tuyên truyền trong quần chúng và huấn luyện cho các đội tự vệ chiến đấu ở địa phương.
Chi bộ Đảng của Đội cũng được thành lập để chỉ đạo các hoạt động, do đồng chí Lê Thiết Hùng làm Bí thư.
Bên cạnh việc phát triển lực lượng vũ trang khu vực Cao - Bắc - Lạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh còn chỉ thị mở phong trào Nam tiến để phát triển các các con đường quần chúng nối liền liên lạc tới các địa phương và về với Trung ương ở miền xuôi.
Tháng 2/1943, tại Lũng Hoài (Hòa An, Cao Bằng), diễn ra Hội nghị liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và đại biểu Cứu quốc quân bàn việc mở rộng phong trào, đón thời cơ mới và trao đổi công tác.
Sau hội nghị, phong trào xung phong tham gia các đội Nam tiến phát triển rầm rộ ở các tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Hàng trăm cán bộ, nam nữ thanh niên tình nguyện thoát ly gia đình vào các đội Nam tiến.
Căn cứ vào tình hình phát triển của phong trào cách mạng, tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.
Ngày 22/12/1944 tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức làm lễ thành lập. (Ảnh tư liệu) |
Trong chỉ thị Người viết: "... Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang.
Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta".
Trong những ngày đầu chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, trên các ngả đường về khu rừng Trần Hưng Đạo (thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), các đội tự vệ của các xã Tam Long, Kim Mã, Hoa Thám bí mật dẫn đường, bảo vệ cho các đội viên về nơi tập kết.
Dưới sự chỉ đạo của các cán bộ địa phương, các đoàn thể Cứu quốc đã đóng góp lương thực, rau, muối, giấy viết khẩu hiệu cho Đội. Công việc được tiến hành rất khẩn trương. Các đội viên và cán bộ lần lượt từ các châu kéo về.
Ba, bốn trạm đón tiếp được tổ chức ở những nơi giáp giới Cao Bằng - Bắc Cạn để đón tiếp, đưa đường cho các đội viên.
Từ sáng ngày 22/12, tất cả các đồng chí được triệu tập đã tề tựu ở khu rừng Trần Hưng Đạo, tạm nghỉ ngơi trong ba cái lán do cơ sở cách mạng ở đây đã dựng sẵn. Các cán bộ được phân công theo từng tiểu tổ để phụ trách từng việc. Cả khu rừng tưng bừng hẳn lên.
Gần chỗ viết biểu ngữ, trên một khoảng đất tương đối bằng phẳng và khá rộng, dưới những gốc cây lim, cây dẻ là nơi sẽ tiến hành làm lễ thành lập Đội.
Một cột cờ "tự nhiên" vốn là một cây to, thẳng tắp, chặt bớt mấy cành lá cho bớt um tùm. Phía trước cột cờ, là một "kỳ đài", gồm bốn cái cọc tre đóng xuống đất và những mảnh phên đan buộc lên trên thành cái bàn lớn.
Kỳ đài này sẽ là nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng lên chủ trì buổi lễ thành lập. Những bà con hội viên ở dưới bản có nhiệm vụ đi lại nơi trú quân để giúp đỡ Đội, lần đầu thấy quân đội cách mạng tập trung đông đảo với súng ống như vậy, đều hết sức phấn khởi...
Chiều ngày 22/12, đồng chí Nông Văn Lạc - Chủ nhiệm Việt Minh liên huyện Nguyên Bình - Ngân Sơn, đi kiểm tra lại tất cả các con đường dẫn tới khu rừng Trần Hưng Đạo, xem xét kỹ tình hình các vùng lân cận, đồng thời bố trí thêm vài ba chốt canh gác ở những nơi địch hay đi tuần.
Đại biểu về dự lễ thành lập ngồi trong các lán, trao đổi về tình hình cách mạng, tình hình các đoàn thể ở địa phương thời gian qua. Gần 17 giờ, một hồi còi vang lên, đồng chí Xích Thắng mời mọi người ra dự lễ.
Sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam |
Trên khoảng đất rộng giữa khu rừng đại ngàn với những cây cao thẳng tắp, các đội viên xếp thành một trung đội ba hàng nghiêm trang, hướng lên phía cột cờ chờ đợi giờ khai mạc.
Hai bên kỳ đài là đại biểu Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, Ban khu, Ban châu, các tổng, xã và bà con các dân tộc, cùng cán bộ các đoàn thể Cứu quốc.
17 giờ ngày 22/12/1944, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân bắt đầu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp bước lên kỳ đài. Mở đầu là lễ chào cờ, mọi người đều hướng nhìn theo lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đang từ từ kéo lên. Ban tổ chức tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Đoàn thể, đọc diễn từ tuyên bố thành lập Đội và nêu rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc:
"Các đồng chí!
Ngày hôm nay, 22 tháng 12 năm 1944, theo mệnh lệnh của Đoàn thể, chúng ta tập trung ở chốn rừng xanh, núi đỏ này, giữa tổng Trần Hưng Đạo và tổng Hoàng Hoa Thám trong Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, để khai hội thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân"...
Kết thúc diễn từ có đoạn:
"Theo chỉ thị của Đoàn thể, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu...".
Sau khi đọc xong, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng mọi người hô to các khẩu hiệu: "Kiên quyết tiến lên con đường chiến đấu", "Tinh thần Đội tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân muôn năm", "Đoàn thể Việt Minh muôn năm", "Việt Nam độc lập muôn năm".
Sau đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp long trọng đọc Mười lời thề danh dự. Sau những lời thề, những cánh tay đồng loạt giương cao cùng những tiếng hô "Xin thề" vang động núi rừng.
Đại diện Liên tỉnh ủy đọc lời chào mừng và tin tưởng Đội sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Đoàn thể giao phó. Đại diện các tổ chức thanh niên, phụ nữ, các đội vũ trang địa phương lên chúc mừng Đội bằng những lời cảm động và tin tưởng.
Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân có 34 đội viên, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo. Đội biên chế thành 3 tiểu đội.
Nhân dân và các đoàn thể đem rất nhiều quà bánh đến chúc mừng Đội. Dù vậy, theo yêu cầu của số đông anh em, chiều hôm đó cả đội tổ chức một bữa cơm nhạt, không rau, không muối để nêu cao tinh thần của người chiến sĩ cách mạng.
Bữa cơm rất vui vẻ và thân mật vì ai nấy đều hiểu ý nghĩa thiêng liêng của đồng cam cộng khổ, cả đội viên và đại biểu cùng dự bữa cơm đó.
Sau bữa cơm không rau, không muối là đêm du kích đầm ấm, cảm động diễn ra đến nửa đêm cạnh đống lửa bập bùng giữa mùa đông giá lạnh.
Mỗi đội viên đứng lên giới thiệu bí danh, xuất thân, quê quán, con đường đến với cách mạng, vạch trần những tội ác mà bọn đế quốc, thực dân gây ra cho bản thân, gia đình và quê hương mình.
Đêm du kích với những nội dung chính trị sâu sắc đã có tác động lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí căm thù giai cấp của từng đội viên, từng chiến sĩ giải phóng trong đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng.
Các đội viên trong Đội đều quyết tâm vượt qua mọi thử thách, gian khổ, thậm chí hy sinh cả xương máu để giết giặc, lập nhiều chiến công trả thù nhà, đền nợ nước.
Xây dựng Quân đội nhân dân có bản lĩnh chính trị và khả năng chiến đấu cao |
Trước ngày thành lập Đội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị: "Trong vòng một tháng phải có hoạt động gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội" và đặc biệt là "trận đầu ra quân phải thắng".
Thực hiện chỉ thị đó, trước và sau khi thành lập Đội, mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh đã hoàn tất.
Ngay sau khi thành lập, 17 giờ ngày 25/12/1944, bằng một trận đánh táo bạo và mưu trí, đơn vị đã tiêu diệt đồn Phai Khắt (đóng tại tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình - nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và 7 giờ sáng hôm sau (26/12/1944) lại tiêu diệt tiếp đồn Nà Ngần (đóng tại xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình - nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).
Hai trận Phai Khắt, Nà Ngần tuy quy mô không lớn nhưng có ý nghĩa rất to lớn. Đây là hai trận đánh có tổ chức, có kế hoạch, có công tác tham mưu, công tác chính trị và công tác hậu cần.
Đây là hai trận đầu ra quân của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam dưới sự tổ chức, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây cũng là trận đánh ra mắt của Đội.
Chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần đã mở đầu truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là một tất yếu lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Đây là một bước ngoặt trên con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng nước ta lúc đó.
Ngày 22/12/1944 đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc Việt Nam.
Sau Hội nghị quân sự Bắc Kỳ của Trung ương Đảng (tháng 4/1945), Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã thống nhất với Cứu quốc quân và lực lượng vũ trang các chiến khu thành Việt Nam Giải phóng quân.
Các chi đội Giải phóng quân đã tham gia Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Một bộ phận tinh nhuệ về Hà Nội bảo vệ chính quyền non trẻ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Nhiều đơn vị hành quân Nam tiến chi viện cho các chiến trường Trung Bộ, Tây Nguyên, tham gia cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ. Đội quân chủ lực đã đi suốt từ Bắc chí Nam như Bác Hồ đã dự đoán.
Việt Nam Giải phóng quân về sau được đổi tên thành Vệ Quốc đoàn, Vệ Quốc quân, Quân đội Quốc gia Việt Nam rồi Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến ngày nay.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.
- Ban liên lạc Việt Nam Giải phóng quân, Việt Nam Giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 1995.
- Hỏi đáp về Ngày truyền thống các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2008.