Thụy Điển vẫn tiếp tục tìm kiếm, nhưng vẫn chưa thành công trong cuộc săn lùng tàu ngầm lạ xâm nhập lãnh hải của mình.
Cuộc tìm kiếm bắt đầu từ ngày 17/10 ở vùng biển xung quanh quần đảo Stockholm sau khi phát hiện một tàu ngầm lạ xâm nhập trái phép. Sự cố đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về quốc tịch của con tàu lạ.
Tàu Hải quân Thụy Điển tiếp tục tìm kiếm tàu lạ trong lãnh hải. |
Truyền thông Thuy Điển cho biết, tàu lạ trên có thể là tàu ngầm của Nga gặp sự cố khi đang thực hiện một nhiệm vụ bí mật gần Stockholm.
Tuy nhiên, Moscow đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc này và gợi ý rằng nó có thể là tàu của Hà Lan tham gia tập trận gần Thụy Điển. Nhưng ngay sau đó, Hà Lan đã phản bác khi cho biết tàu của họ neo tại Estonia trong thời điểm sự cố bắt đầu.
Ngày 20/10, quân đội Thụy Điển tuyên bố sẽ tiếp tục tìm kiếm trong vài ngày tới và cho biết đã cố tình cung cấp thông tin không chính xác về nơi phát hiện tàu ngầm để bảo vệ khu vực tìm kiếm được an toàn.
Những giả thuyết cho rằng con tàu xâm nhập lãnh hải Thụy Điển là tàu ngầm Nga đã đặt những câu hỏi về việc động cơ của hành động này. CNN dẫn lời Johan Wiktorin, một chuyên gia tại Viện Khoa học chiến tranh Hoàng gia Thụy Điển cho biết có ba khả năng có thể xảy ra.
"Họ có thể muốn lập bản đồ các vùng biển để có thể sử dụng trong trường hợp có xung đột. Cũng có thể họ lắp đặt thiết bị, giống như thiết bị cảm biến, theo dõi hoặc quan sát kẻ thù trong khu vực đó. Hoặc họ cũng có thể muốn trinh sát hệ thống (bảo vệ) của chúng tôi", ông nói.
Theo CNN, dù tàu ngầm Nga có hiện diện ở vùng biển của Thụy Điển hay không thì thực tế là trong năm nay, quân đội Nga đã tăng cường hoạt động ở Baltic và trên toàn thế giới. Trong tháng 7, một máy bay trinh sát Mỹ đã phải chạy vào không phận Thụy Điển sau khi bị Nga dùng radar theo dõi trên đất liền và điều chiến đấu cơ ngăn chặn.
Chiến đấu cơ của Nga cũng đã nhiều lần thu hút sự lo lắng của Mỹ, Canada và Nhật Bản trong những lần tiếp cận không phận nước này trong năm nay.
Đầu năm, một tướng không quân hàng đầu của Mỹ cho biết Nga đã đẩy mạnh hoạt động quân sự của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng Ukraine và sáp nhập Crimea.