South China Morning Post ngày 31/12 đưa tin, ngày mai 1/1/2016 Trung Quốc sẽ chính thức vận hành bộ máy lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang hoàn toàn mới.
Cho đến nay, Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào về cơ cấu, tổ chức, bộ máy nhân sự toàn quân sau cải cách bắt đầu vận hành từ ngày mai, nhưng các phương tiện truyền thông Hoa ngữ hải ngoại đã rục rịch đưa ra các phương án dự đoán từ ngày 26/11, khi Quân ủy Trung ương Trung Quốc mở hội nghị bàn về cải cách.
Bộ máy chỉ huy hoàn toàn mới
Lưu Nguyên, Thượng tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu Cần được cho là chủ động xin rút khỏi Quân ủy Trung ương sau cải cách để hỗ trợ ông Tập Cận Bình bố trí nhân sự cấp cao. Ảnh: SCMP. |
Từ ngày 4/12, giới truyền thông Hoa ngữ hải ngoại như Đa Chiều, Epoch Times đưa tin, bộ máy lãnh đạo chỉ huy các lực lượng vũ trang Trung Quốc sau cải cách sẽ hoàn toàn mới, trong đó quyền lực tập trung vào Chủ tịch Quân ủy Trung ương, tức ông Tập Cận Bình. Quân ủy Trung ương được tái cơ cấu lại.
Giải tán 4 cơ quan cấp Tổng cục gồm Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu Cần và Tổng cục Trang bị. Thành lập cơ quan tham mưu giúp việc cho Quân ủy Trung ương tổ chức thành 3 Ủy ban, 6 Bộ, 1 Văn phòng quản lỷ 3 Cục.
Cụ thể 3 Ủy ban này gồm: Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Quân ủy Trung ương, Ủy ban Chính pháp Quân ủy trung ương và Ủy ban Thẩm tra kế hoạch Quân ủy trung ương.
6 Bộ gồm: Bộ Tham mưu liên hợp (thay thế Bộ Tổng tham mưu hiện nay), Bộ Công tác chính trị (thay thế Tổng cục Chính trị hiện nay), Bộ Hậu cần bảo đảm, Bộ Phát triển trang bị, Bộ Quản lý huấn luyện và Bộ Động viên quốc phòng.
Điều khác biệt đáng chú ý trong cơ cấu mới, Bộ Tham mưu liên hợp không còn quyền lực trực tiếp điều động, chỉ huy tác chiến như Bộ Tổng tham mưu trước đó mà chỉ còn chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương.
Chức năng giám sát cán bộ, phòng chống tham nhũng, công tác nhân sự của Tổng cục Chính trị trước đây nay được chuyển sang Ủy ban Kiểm tra kỉ luật Quân ủy Trung ương, tránh lạm quyền và tham nhũng như thời Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu.
Văn phòng Quân ủy Trung ương sẽ quản lý 3 Cục: Cục Hợp tác quân sự quốc tế, Cục Quản lý Sự vụ cơ quan, Cục Khoa học kỹ thuật quân sự.
Tái cơ cấu các đơn vị tác chiến chủ lực.
Trung Quốc tổ chức 7 đại quân khu thành 5 Bộ tư lệnh chiến khu: Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung tâm do Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ huy, quản lý. Ngoài ra thành lập mới 2 Bộ Tư lệnh quân chủng, hình thành cục diện 4 quân chủng Hải - Lục - Không - Chi viện chiến lược.
Thành lập Bộ Tư lệnh Quân chủng Lục quân trực tiếp quản lý, chỉ huy 18 tập đoàn quân (có nguồn gọi là quân đoàn chủ lực) hiện nay. 18 tập đoàn quân/quân đoàn chủ lực này cũng sẽ được tổ chức lại thành 5 Phân bộ Lục quân, hoạt động độc lập với 5 Bộ Tư lệnh Chiến khu.
Thành lập quân chủng thứ 4 sau Hải - Lục - Không, đó là quân chủng Chi viện chiến lược. Bộ Tư lệnh Chi viện chiến lược sẽ hợp nhất 3 binh chủng hiện nay là Pháo binh 2 (Tên lửa chiến lược), Tác chiến điện tử và Tác chiến đường không - vũ trụ. 2 ứng viên cho vị trí Tư lệnh quân chủng mới này là Ngụy Phượng Hòa - Tư lệnh Pháo binh 2 hoặc Cao Tân, Giám đốc Học viện Khoa học quân sự.
Như vậy có thể thấy, sau cải cách cơ quan thay thế Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục chính trị giờ chỉ còn vai trò giúp việc, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, không trực tiếp quản lý hay chỉ huy tác chiến như trước.
Đáng chú ý, trong hệ thống tổ chức bộ máy quản lý chỉ huy quân đội sau cải cách không thấy nhắc đến Bộ Quốc phòng. Đồng thời các bản tin đều nhấn mạnh, Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Quân ủy Trung ương sẽ trực tiếp quản lý, chỉ huy quân đội kể cả về huấn luyện lẫn tác chiến.
Trương Hựu Hiệp, Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị quân đội Trung Quốc được cho là sẽ đảm nhiệm ghế Bộ trưởng Hậu cần đảm bảo sau cải cách. |
Cơ cấu vận hành khác hoàn toàn
Thời báo Hoàn Cầu ngày 31/12 cho biết, sau cải cách, cơ cấu vận hành hệ thống quản lý và chỉ huy quân đội Trung Quốc sẽ hoàn toàn khác trước với đặc trưng 2 trục: Quân ủy Trung ương - Bộ tư lệnh Chiến khu - Bộ đội và Quân ủy Trung ương - Bộ Tư lệnh Quân chủng - Bộ đội.
Nói cách khác, mệnh lệnh tác chiến trong chiến tranh sẽ được ban hành trực tiếp từ Chủ tịch Quân ủy Trung ương xuống Tư lệnh 5 chiến khu, 4 quân chủng và xuống thẳng đơn vị tham chiến, ngoài ra không có cấp trung gian nào khác. Về huấn luyện, mệnh lệnh huấn luyện sẽ được ban hành từ Quân ủy Trung ương xuống Quân chủng và xuống đơn vị thực hiện.
Với cơ chế mới này, Chủ tịch Quân ủy trung ương mà hiện nay là ông Tập Cận Bình sẽ nắm quyền lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp và tuyệt đối với tất cả các đơn vị chủ lực, trọng yếu mà không cần qua Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu xuống đại quân khu hay các tập đoàn quân như trước. Mệnh lệnh đi thắng, trực tiếp và nhanh hơn, loại bỏ rất nhiều khâu trung gian.
Việc chống tham nhũng trong quân đội được thống nhất chỉ đạo điều hành bởi Quân ủy Trung ương, do Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Quân ủy Trung ương triển khai thực hiện, đặt đặc phái viên xuống các Chiến khu, Quân chủng.
Ủy ban Chính pháp Quân ủy Trung ương được thành lập mới sẽ giúp Quân ủy Trung ương thống nhất quản lý, chỉ đạo Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự để thực hiện các chức năng tư pháp.
38 viên Thượng tướng quân đội Trung Quốc đi đâu, về đâu sau cải cách?
Sau cải cách, bộ máy quản lý chỉ huy quân đội Trung Quốc tinh giản gọn nhẹ hơn khá nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc phải bố trí công việc mới hoặc cho nghỉ hưu khá nhiều tướng chỉ huy quân đội Trung Quốc, trong đó riêng Thượng tướng đã có 38 người.
South China Morning Post ngày 31/12 cho biết về phương án nhân sự lãnh đạo cấp cao quân đội Trung Quốc sau cải cách: Lý Tác Thành - Tư lệnh Quân khu Thành Đô sẽ trở thành Tư lệnh Lục quân Trung Quốc, trực tiếp chỉ huy 18 tập đoàn quân/quân đoàn chủ lực hiện nay và sẽ tái cơ cấu thành 5 Phân bộ Lục quân.
Nhưng cái khó lớn nhất của ông Lý Tác Thành chính là bố trí ra sao đối với các tướng chỉ huy 18 tập đoàn quân/quân đoàn chủ lực này khi cơ cấu lại chỉ còn 5 Phân bộ Lục quân. Trần quân hàm của cấp tập đoàn quân/quân đoàn chủ lực lục quân Trung Quốc là Thiếu tướng - Trung tướng cho 2 chức danh Tư lệnh và Chính ủy, chưa kể Tham mưu trưởng.
Lý Tác Thành, Tư lệnh đại quân khu Thành Đô được cho là sẽ giữ ghế Tư lệnh Lục quân Trung Quốc, một viên tướng quyền lực vượt trội hẳn so với Tư lệnh 7 đại quân khu hiện nay. |
Dự kiến ông Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng tham mưu trưởng sẽ làm Tư lệnh Hải quân thay Ngô Thắng Lợi nghỉ hưu. Ông Ất Hiểu Quang - Phó Tổng tham mưu trưởng sẽ làm Tư lệnh Không quân thay ông Mã Hiểu Thiên nghỉ hưu.
Trung Quốc hiện có 38 viên Thượng tướng đương chức, nhưng trong cơ cấu bộ máy chỉ huy mới ít đầu mối hơn sẽ không thể giữ lại cả 38 người. Việc bố trí sắp xếp cho các viên Thượng tướng này khi chưa đến tuổi nghỉ hưu cũng là một vấn đề.
Tờ Liên Hợp Đài Loan ngày 31/12 cho biết, "ngũ hổ tướng" của ông Tập Cận Bình đã được chỉ định vào các vị trí mới.
Trương Hựu Hiệp - Tổng cục trưởng Tổng cục Trang bị sẽ làm Bộ trưởng Bộ Hậu cần đảm bảo, Sái Anh Đĩnh - Tư lệnh Quân khu Nam Kinh sẽ nắm Bộ Tham mưu liên hợp, Tống Phổ Tuyển - Tư lệnh đại quân khu Bắc Kinh sẽ làm Tư lệnh Chiến khu Trung tâm hoặc Tư lệnh Chiến khu Bắc, Vương Ninh - Tư lệnh Cảnh sát vũ trang tiếp tục lưu nhiệm.
Riêng tướng Lưu Nguyên - Chính ủy Tổng cục hậu cần và là người có công đầu trong việc hạ các con hổ tham nhũng trong quân đội như Cốc Tuấn Sơn và Từ Tài Hậu, nhiều nguồn tin cho rằng ông Nguyên đã chủ động xin rút khỏi Quân ủy Trung ương để hỗ trợ ông Bình trong công tác bố trí nhân sự cấp cao.
Theo Đa Chiều, nhiều khả năng trong kỳ họp tới đây của Quốc hội Trung Quốc, ông Lưu Nguyên sẽ được cất nhắc sang làm lãnh đạo một cơ quan nhà nước. Trước khi xin rút, ông Nguyên đã có cuộc gặp và làm việc riêng với Tập Cận Bình.
Trong số các tướng lãnh đạo chủ chốt của quân đội Trung Quốc sau cải cách, đáng chú ý có Lý Tác Thành - Tư lệnh Lục quân và Trương Hựu Hiệp - Bộ trưởng Hậu cần đảm bảo đều từng tham gia Chiến tranh Biên giới 1979.