4 năm học phí giữ nguyên, Trường ĐH Luật TP. HCM làm gì để tăng nguồn thu?

25/01/2024 06:35
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong 4 năm qua, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện tăng học phí, nhà trường phải có những kế hoạch để tăng tổng thu. 

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tìm cách tăng nguồn thu

Theo tìm hiểu của phóng viên, học phí đại học chính quy, kể từ năm học 2024-2025 đến năm học 2026-2027, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tăng mỗi năm học là khoảng 10%.

Học phí của kể từ năm học 2024-2025 đến năm học 2026-2027 được nhà trường dự kiến tăng mỗi năm khoảng 10%.Học phí của kể từ năm học 2024-2025 đến năm học 2026-2027 được nhà trường dự kiến tăng mỗi năm khoảng 10%.

Đối với học phí các năm trước, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện theo các văn bản:

Văn bản 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16/4/2021 của Bộ Giáo dục Đào tạo về việc đề nghị chỉ đạo và quán triệt thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2020 - 2021; 2021-2022 và công tác chỉ đạo điều hành giá năm 2021.

Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 – 2022;

Thông báo 300/TB-VPCP ngày 31/7/2023 của Văn phòng Chính phủ, thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo, nhà trường không thực hiện tăng học phí.

"Từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024 (4 năm) vẫn giữ nguyên 1 mức học phí, học phí đào tạo trình độ tiến sĩ vẫn duy trì ở mức 45 triệu đồng/năm" Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: nhà trường)

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: nhà trường)

Chia sẻ về khó khăn khi không tăng học phí, đại diện nhà trường thông tin, việc không tăng học phí, buộc nhà trường phải thay đổi các kế hoạch hoạt động cho phù hợp với tình hình tài chính của đơn vị;

Nhà trường không có nguồn thu để tăng thu nhập của giảng viên, viên chức, người lao động, đặc biệt là những người có học vị, học hàm cao dễ dẫn đến không giữ được giảng viên, mặc dù nhà trường đã phải sử dụng đến Quỹ ổn định thu nhập để tăng thu nhập tăng thêm.

Bên cạnh đó, khi lương cơ sở tăng, chi phí hoạt động thường xuyên tăng; vật giá tăng theo tình hình chung của xã hội cũng gây khó khăn trong việc duy trì chất lượng đào tạo của nhà trường.

Theo Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đã xây dựng nhiều kế hoạch tăng nguồn thu dựa trên các chính sách.

Đó là tạo nguồn giảng viên làm cơ sở tăng chỉ tiêu tuyển sinh và tăng trưởng nguồn thu. Song song với đó, nhà trường xây dựng chính sách thu hút tạo nguồn cán bộ giảng viên từ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi để tạo nguồn giảng viên; Xây dựng chính sách thu hút đối với người có trình độ cao, tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho Nhà trường;

Khuyến khích giảng viên học tiến sĩ bằng các chính sách hỗ trợ học phí, khen thưởng khi tốt nghiệp...

Đa dạng các hình thức đào tạo, mở rộng liên doanh liên kết với các trường nước ngoài; thúc đẩy hoạt động của các trung tâm có thu...

"Nhà trường tăng cường cơ sở vật chất, để tạo điều kiện cho tăng chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô đào tạo với các định hướng hoàn tất đầu tư xây dựng cơ sở 3 tại Phường Long Phước (Thành phố Thủ Đức) đưa vào khai thác sử dụng; Đầu tư vào Phân viện tại Nha Trang, Khánh Hòa", đại diện nhà trường thông tin.

Số liệu tổng thu năm 2022 giống như năm 2021 là do bị nhầm

Theo số liệu tại báo cáo ba công khai năm học 2021-2022, nhà trường có tổng thu của năm 2020 là 264,85 tỷ đồng. Trong đó thu từ học phí lệ phí là 240,02 tỷ đồng, thu từ nguồn khác là 22,93 tỷ đồng và nguồn trích từ ngân sách là 1,9 tỷ đồng.

Đến năm học 2022-2023, nhà trường thống kê tổng thu của năm 2021 là 254,86 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ học phí là 238,34 tỷ đồng; 16,32 tỷ đồng từ nguồn khác và 0,2 tỷ đồng từ ngân sách cấp cho đơn vị. Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ bỏ trống.

Tuy nhiên, đến báo cáo ba công khai của năm học 2023-2024, số liệu tổng thu của nhà trường năm 2022 lại lấy thông tin tổng thu "y nguyên" của năm 2021.

Số liệu tổng thu của năm 2021.

Số liệu tổng thu của năm 2021.

Tổng thu của năm 2022 lại có số liệu giống như năm 2021.

Tổng thu của năm 2022 lại có số liệu giống như năm 2021.

Về nội dung trên, trong phần trả lời gửi đến phóng viên, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận số liệu về tổng thu năm 2022 bị nhầm do bộ phận làm ba công khai chuyển từ file exell sang file word, cắt dán trùng (không sửa) dẫn đến số liệu tổng thu năm 2022 giống với số liệu năm 2021.

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chính Minh đã gửi phóng viên bản dự thảo về tổng thu của năm 2022 để lãnh đạo nhà trường phê duyệt. Sau đó, sẽ được đưa vào nội dung chỉnh sửa trên báo cáo ba công khai của nhà trường.

Nội dung báo cáo dự thảo về tổng thu của nhà trường năm 2022. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Nội dung báo cáo dự thảo về tổng thu của nhà trường năm 2022. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Theo như nội dung bản dự thảo, tổng thu của nhà trường trong năm 2022 là 289 tỷ đồng tăng 35 tỷ đồng so với năm 2021, trong đó nguồn thu từ học phí và từ nguồn thu khác đều tăng, còn nguồn thu từ ngân sách không có sự thay đổi. Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ bỏ trống.

Khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

Được biết, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu chung: "Phát triển Trường thành đại học định hướng nghiên cứu với các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại Trường". Phóng viên cũng đã nêu câu hỏi về các kết quả thực hiện qua 6 năm ra sao?

Trả lời cho câu hỏi trên, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra định hướng phát triển của nhà trường:

“Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 xây dựng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành trường đại học đa lĩnh vực theo định hướng nghiên cứu, là trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; là trung tâm truyền bá khoa học pháp lý hàng đầu của cả nước; tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng pháp luật và phản biện chính sách; nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo hướng hiện đại, từng bước tiếp cận nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới; giữ vai trò đầu tàu, có vai trò dẫn dắt các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam trong công tác đào tạo, nghiên cứu về lĩnh vực pháp luật".

Định hướng nêu trên cùng với mô hình tự chủ đại học, Nhà trường đã đạt được những kết quả trên các mặt sau:

Nhà trường đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cả về nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng, tăng cường hợp tác quốc tế để hỗ trợ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Kết quả nghiên cứu khoa học tăng mạnh trong những năm gần đây thể hiện ở số lượng đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, số bài báo trên tạp ISI/SCOPUS, số bài báo trên tạp chí Quốc tế khác …

Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm cho người học được đào tạo theo đúng cam kết đã được Trường công bố; được ứng dụng khoa học công nghệ; được rèn luyện kỹ năng và trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Phát triển chương trình đào tạo trên cơ sở tiệm cận với chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến của khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy và nhân sự theo mô hình của các trường đại học hiện đại của khu vực và thế giới; cải cách thủ tục hành chính trong Nhà trường trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao năng lực quản trị nhà trường, tạo môi trường và điều kiện phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh của Trường.

Thực hiện trách nhiệm xã hội của một trường công lập trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật với các chính sách học bổng, khuyến khích học tập và tín dụng sinh viên; tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng chính sách, đối tượng nghèo, hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học tập tại Trường. Thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người học, xã hội và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh những kết quả trên, nhà trường cũng chia sẻ về một số khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được về nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo..., đại diện nhà trường cho hay, đơn vị còn có một số khó khăn về mức thu học phí và cơ sở vật chất.

Về học phí, Nhà trường thực hiện theo quy định của Nhà nước, tuy nhiên, trong nhiều năm nay Nhà nước không cho tăng học phí đại học dẫn đến Nhà trường khó khăn về nguồn kinh phí trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trọng dụng người có tài năng trong chuyên môn nhằm góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đủ phẩm chất, năng lực, đảm bảo cho nhu cầu thực hiện các mục chiến lược phát triển của Nhà trường

Về cơ sở vật chất, nhà trường hiện đang thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 3) tại phường Long Phước, Quận 9 (nay là Thành phố Thủ Đức) 02/04 block còn lại hiện chưa triển khai được do vướng diện tích 2.667m2 chưa giải phóng được mặt bằng.

Bên cạnh khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhà trường còn gặp 2 khó khăn về vấn đề ký túc xá và đường giao thông.

Theo quy hoạch của Thành phố đã phê duyệt, trong Dự án của Trường không có ký túc xá, nhà nước sẽ đầu tư khu ký túc xá chung cho sinh viên của các trường đại học nằm bên ngoài ranh đất Dự án của Trường; Nhà nước cũng sẽ làm đường giao thông kết nối từ trục đường bên ngoài vào khu đất của Dự án.

"Tuy nhiên, đến nay Thành phố chưa triển khai đầu tư xây dựng đường giao thông và ký túc xá theo như cam kết ban đầu và quy hoạch đã duyệt, làm cho việc thực hiện Dự án của Trường gặp nhiều khó khăn", đại diện nhà trường chia sẻ.

Mạnh Đoàn