Nội dung Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng dành cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa giới thiệu đang thu hút nhiều sự quan tâm.

Trong đó, người học, bao gồm sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược được hỗ trợ học bổng và chi phí sinh hoạt.

Người học được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, người học được cấp học bổng theo mức trần học phí theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục của năm hiện hành đối với chuyên ngành tương ứng. Các mức là 100% cho kết quả học tập xếp loại xuất sắc, 70% cho kết quả học tập xếp loại giỏi và 50% cho kết quả học tập xếp loại khá.

Dự kiến chính sách này áp dụng cho người học ở cả cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục.

Tuy nhiên, lãnh đạo các trường đại học khối Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản cho rằng, một số ngành đào tạo đủ tiêu chuẩn được xếp vào danh mục nhóm công nghệ chiến lược, nhưng lại chưa được đề cập, gây bất cập.

Đầy đủ cơ sở xếp một số ngành Nông-Lâm-Thủy sản vào nhóm Công nghệ chiến lược

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Văn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho rằng việc bổ sung các ngành đào tạo kỹ sư khối Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản vào nhóm công nghệ chiến lược là cần thiết, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế quốc tế.

2-thay-van-min-6434.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Văn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế). Ảnh: NVCC.

Thầy Văn cho biết: “Để thực hiện chủ trương chuyển đổi sang nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, nông nghiệp sinh thái, lực lượng kỹ sư khối ngành Nông, Lâm nghiệp đóng vai trò chủ đạo.

Họ không chỉ đảm nhiệm nghiên cứu, phát triển giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao mà còn triển khai quy trình canh tác tiên tiến, ứng dụng tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ số, AI vào sản xuất nông nghiệp. Đây là yếu tố then chốt để tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nông sản, góp phần nâng cao thu nhập nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai bất thường… ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Kỹ sư khối ngành Nông, Lâm nghiệp chính là những người sẽ nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để tạo ra giống cây trồng, vật nuôi thích ứng, tối ưu hóa quy trình sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là lĩnh vực then chốt cần được ưu tiên phát triển. Muốn phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại, bắt buộc phải có đội ngũ kỹ sư khối ngành Nông, Lâm nghiệp giỏi. Vì vậy, các ngành đào tạo kỹ sư khối Nông, Lâm nghiệp xứng đáng được xếp vào lĩnh vực công nghệ chiến lược”.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cũng cho biết thêm, nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Israel, Hà Lan, Nhật Bản… đã đặt nông nghiệp công nghệ cao (hiện đại hóa nông nghiệp) là lĩnh vực chiến lược quốc gia, đào tạo kỹ sư khối ngành Nông, Lâm nghiệp trở thành trọng tâm để đảm bảo an ninh lương thực, giảm lệ thuộc nhập khẩu, tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu nông sản.

Xu hướng toàn cầu hiện nay là đào tạo kỹ sư khối ngành Nông, Lâm nghiệp không chỉ dừng ở kiến thức sinh học, trồng trọt, chăn nuôi mà còn tích hợp kỹ năng về tự động hóa, IoT, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ cảm biến, kỹ thuật robot trong nông nghiệp - đồng nghĩa là có giao thoa giữa nông nghiệp và công nghệ kỹ thuật.

Cùng với đó, muốn thực hiện nông nghiệp 4.0 cần phát triển các ngành tích hợp công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ thông tin, kỹ thuật điều khiển, năng lượng tái tạo… để thiết kế, vận hành hệ thống nhà màng, tưới thông minh, sản xuất chính xác, quản lý chuỗi cung ứng.

Dựa trên nhu cầu, xu hướng, kinh nghiệm quốc tế, thầy Văn kiến nghị bổ sung các ngành đào tạo kỹ sư khối Nông-Lâm-Thủy sản vào danh mục công nghệ chiến lược, bao gồm: Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật, Nông nghiệp công nghệ cao, Khuyến nông, Phát triển nông thôn, Quản lý đất đai, Chăn nuôi, Nuôi trồng thủy sản, Bệnh học thủy sản, Quản lý thủy sản, Lâm nghiệp, Quản lý tài nguyên rừng, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, Kỹ thuật cơ khí, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Công nghệ nông nghiệp.

Cùng bàn luận về chủ đề này, Tiến sĩ Quách Hoài Nam - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Nha Trang bày tỏ, khối ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững kinh tế biển và an ninh chủ quyền biển đảo quốc gia.

Hiện nay, với xu hướng phát triển liên ngành, xuyên ngành và tích hợp trong đào tạo, nhiều ngành thuộc khối Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản có sự gắn bó chặt chẽ, thậm chí mang tính bổ trợ không thể tách rời với các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược.

Cụ thể, các ngành như Khoa học thủy sản, Quản lý thủy sản, Khai thác thủy sản, Nuôi trồng thủy sản, Nông học, Lâm học, Khoa học đất… đều có nền tảng kiến thức sâu về sinh học, hóa học, kỹ thuật môi trường, công nghệ sinh học, cơ điện tử ứng dụng - những thành tố quan trọng trong hệ sinh thái các ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn.

Do đó, Tiến sĩ Quách Hoài Nam kiến nghị cần xem xét, bổ sung các ngành thuộc khối Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản vào danh mục các ngành được hưởng chính sách học bổng theo Dự thảo Nghị định, nhằm khuyến khích học sinh giỏi lựa chọn. Từ đó, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển, vùng nông thôn, miền núi và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

316-chao-co-qhn.jpg
Tiến sĩ Quách Hoài Nam - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: Website nhà trường.

Kỳ vọng “cú hích” thúc đẩy thu hút người học Nông-Lâm-Thủy sản

Theo Tiến sĩ Quách Hoài Nam, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khối ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn và có xu hướng giảm sút trong những năm gần đây, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực cho cả hệ thống quản lý nhà nước lẫn khu vực doanh nghiệp và nhu cầu xã hội. Để tháo gỡ nút thắt này, cần tập trung giải quyết một số vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, đặc biệt ở khu vực công, còn thiếu về số lượng và chưa tương xứng về chất lượng.

Một số hoạt động trọng yếu như quản lý nông nghiệp, khai thác thủy sản, kiểm ngư hay quản lý nghề cá đang thiếu nghiêm trọng lực lượng có chuyên môn sâu. Trong khi, việc đào tạo, bồi dưỡng hiện còn nặng tính hình thức, chưa bám sát thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thứ hai, nhiều cán bộ, người học chưa đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế – trong khi đây là điều kiện bắt buộc để phát triển lĩnh vực thủy sản trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.

Thứ ba, người học ngày nay có nhiều lựa chọn ngành nghề "thời thượng" hơn. Trong khi đó, các ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản thường đòi hỏi làm việc trong môi trường làm việc đặc thù, thu nhập chưa thật sự hấp dẫn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh và duy trì quy mô cũng như chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học khối ngành này.

Để khắc phục, rất cần có chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ cơ chế hỗ trợ người học, đầu tư cho cơ sở đào tạo, đến đổi mới chính sách việc làm và đãi ngộ, nhằm tái tạo sức hút cho nhóm ngành thiết yếu này.

Do đó, thầy Nam kỳ vọng Chính phủ có chính sách học bổng dành cho người học Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản để tạo ra động lực mạnh mẽ cả cho thí sinh lẫn các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo.

Thầy Nam chia sẻ: “Đối với người học, trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học, chi phí học tập ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành, chọn trường, cũng như quyết định việc dừng hay tiếp tục học tiếp lên đại học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong khi đó, phần lớn thí sinh theo học các ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản thường đến từ khu vực duyên hải ven biển, nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế. Việc có chính sách học bổng từ Nhà nước sẽ mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho nhiều học sinh, đồng thời tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Quan trọng hơn, những chính sách hỗ trợ này thể hiện sự ghi nhận và định hướng chiến lược của Nhà nước đối với vai trò của nhóm ngành này trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc, qua đó giúp người học yên tâm lựa chọn và gắn bó với nghề nghiệp đặc thù này.

Đối với cơ sở đào tạo, hiện nay, cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo có ngành thuộc khối Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, chiếm khoảng 20% tổng số cơ sở giáo dục đại học.

Trong khi đó, tỉ lệ sinh viên theo học các ngành này chỉ chiếm chưa đến 2% tổng số sinh viên nhập học mỗi năm - một nghịch lý lớn nếu so với thực tế lực lượng lao động trong lĩnh vực Nông nghiệp đang chiếm khoảng 30% cả nước.

Như vậy, nếu có quyết sách từ Nhà nước thông qua chính sách học bổng nếu được triển khai sẽ góp phần khơi dậy sự quan tâm của người học, giúp các cơ sở giáo dục đại học tổ chức tuyển sinh hiệu quả hơn, thu hút được người học có năng lực phù hợp. Từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời giúp các trường duy trì ổn định quy mô và đảm bảo quá trình phát triển bền vững và có chất lượng.

Về lâu dài, đây chính là nền tảng quan trọng để các trường đại học đào tạo và bổ sung kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển ngành và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt là hạn chế “độ hẫng” trong đào tạo bổ sung liên tục nguồn nhân lực trình độ cao trong thời gian tới”.

280102435-539356434495869-8907068407545247876-n-220528120852.jpg
Sinh viên Trường Đại học Nha Trang thực hành trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Website nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Văn cũng khẳng định: “Việc thúc đẩy người học theo đuổi các ngành đào tạo kỹ sư trong khối Nông, Lâm nghiệp có thể mang lại những lợi ích rõ nét trên nhiều phương diện.

Về kinh tế, lực lượng kỹ sư chuyên môn cao góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và gia tăng giá trị gia tăng cho nông sản, từ đó cải thiện hiệu quả chuỗi giá trị nông nghiệp.

Về mặt xã hội, thu nhập của người nông dân được cải thiện đáng kể, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền và thúc đẩy sự phát triển bền vững ở khu vực nông thôn.

Trên phương diện khoa học - công nghệ, đội ngũ kỹ sư là lực lượng quan trọng giúp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, làm chủ công nghệ cốt lõi và hiện đại hóa nền nông nghiệp nước nhà.

Đồng thời, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường ngày càng cấp thiết, việc áp dụng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường góp phần đảm bảo an ninh lương thực và giảm phát thải khí nhà kính.

Về hội nhập quốc tế, kỹ sư nông nghiệp có khả năng triển khai các quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, nhất là tại các quốc gia có yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Do đó, cần thiết bổ sung các ngành khối Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản vào danh mục công nghệ chiến lược để phù hợp thực tiễn, đáp ứng mục tiêu của Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược được giới thiệu, danh mục ngành được hưởng chính sách bao gồm 3 nhóm:

Nhóm 1 gồm các ngành Khoa học cơ bản: Toán học (mã ngành: 7460110); Vật lý học (mã ngành: 7440110); Hóa học (mã ngành: 7440111); Sinh học (mã ngành: 7420101); Khoa học máy tính (mã ngành: 7480101); Khoa học môi trường (mã ngành: 7440301).

Nhóm 2 gồm các ngành Kỹ thuật then chốt, sẽ chọn 1 trong 2 phương án:

Phương án 1: Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Điện - Điện tử, Tự động hóa, Cơ khí chính xác, Kỹ thuật hàng không, Vật liệu mới.

Phương án 2: Kỹ thuật cơ khí (mã ngành: 7510201); Kỹ thuật điện, điện tử (mã ngành: 7510301); Kỹ thuật công nghiệp (mã ngành: 7510601); Kỹ thuật xây dựng (mã ngành: 7580201); Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (mã ngành: 7580202); Kỹ thuật công nghệ thông tin (mã ngành: 7480201); Kỹ thuật điện tử - viễn thông (mã ngành: 7510302); Kỹ thuật cơ điện tử (mã ngành: 7510202); Kỹ thuật hóa học (mã ngành: 7510401); Kỹ thuật môi trường (mã ngành: 7580301); Kỹ thuật phần mềm (mã ngành: 7480103); Kỹ thuật cơ khí động lực (mã ngành: 7510203); Kỹ thuật ô tô (mã ngành: 7510204); Kỹ thuật thực phẩm (mã ngành: 7540101); Kỹ thuật năng lượng (mã ngành: 7510604); Kỹ thuật tự động hóa (mã ngành: 7510305).

Nhóm 3 gồm các ngành Công nghệ chiến lược, sẽ chọn 1 trong 2 phương án:

Phương án 1: Công nghệ sinh học, Công nghệ Nano, Công nghệ vũ trụ, Công nghệ môi trường, Công nghệ năng lượng tái tạo.

Phương án 2: Công nghệ thông tin (mã ngành: 7480201); Kỹ thuật phần mềm (mã ngành: 7480103); Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (mã ngành: 7510301); Công nghệ kỹ thuật tự động hóa (mã ngành: 7510305); Công nghệ sinh học (mã ngành: 7420201); Công nghệ vật liệu (mã ngành: 7510405); Công nghệ nano (mã ngành: 7420204); Công nghệ thông tin - An toàn thông tin (mã ngành: 7480202); Công nghệ môi trường (mã ngành: 7440301); Công nghệ thực phẩm (mã ngành: 7540101); Công nghệ điều khiển và tự động hóa (mã ngành: 7510304); Công nghệ truyền thông đa phương tiện (mã ngành: 7480203); Công nghệ y sinh (mã ngành: 7420203); Công nghệ chế tạo máy (mã ngành: 7510202); Công nghệ thông tin - Khoa học dữ liệu (mã ngành: 7480206).

Trần Trang