Bảo hiểm y tế học sinh sinh viên được triển khai trong các nhà trường đã và đang mang lại giá trị cho người dân. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tấm thẻ là bùa hộ mệnh đối với gia đình trong việc chạy chữa cho con.
Trường hợp của con chị Cao Thị Thuỷ (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) là một ví dụ điển hình. Gia đình chị Thuỷ những năm về trước là địa phương thuộc vùng III (vùng đặc biệt khó khăn) và năm ngoái lên nông thôn mới, địa phương trở thành vùng I.
Cơ sở vật chất hạ tầng của địa phương được đổi mới nhưng hoàn cảnh của gia đình chị vẫn vậy. Năm miệng ăn trông chờ vào ít ruộng cấy lúa và trồng cây thông lâu năm. Xã lên nông thôn mới, gia đình chị cũng không thuộc diện hộ nghèo và không còn được cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.
"Những năm về trước xã tôi có 7 hộ nghèo trong đó có gia đình tôi nhưng giờ chỉ còn có 2 hộ nghèo, cận nghèo", chị Thuỷ chia sẻ.
Ngày 13/10 vừa qua, bé Hà Thị Hằng đã được về nhà sau 4 tháng nằm viện. (Ảnh: NVCC) |
Dẫu hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vợ chồng chị vẫn nhận thức tầm quan trọng của thẻ bảo hiểm y tế nên đã chủ động mua thẻ cho các con ở nhà trường.
Hai đứa con hết hơn 1 triệu đồng tiền thẻ bảo hiểm y tế/năm, khoản tiền này không phải là nhỏ với gia đình chị. Tuy nhiên, nó là cứu cánh cho gia đình khi cô con gái lớn học lớp 6 là Hà Thị Hằng phải nằm điều trị 4 tháng tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
Nhà trường bán trú nên hằng ngày, bé Hằng đi lại về nhà với quãng đường hơn 10 cây số. Ngày nọ, trời mưa tầm tã, trên đường đến trường, em bị ngã xe chấn thương nặng ở chân.
"Nghe tin con bị thương nặng, vợ chồng tôi đến hiện trường đưa con đi bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn và nơi đây đã trở thành chỗ lưu trú trong 4 tháng của hai mẹ con", chị Thuỷ nhớ lại.
Thương tích của bé Hằng ở chân là khá nặng. (Ảnh: NVCC) |
Hằng ngày, chi tiêu sinh hoạt ăn uống của hai mẹ con hết tổng 100 nghìn đồng, chưa kể khoản thuốc men. Trước sự khó khăn đó, chị phải đi vay mượn người thân họ hàng để có tiền chữa trị cho con.
Biết được hoàn cảnh của gia đình chị Thuỷ, các y bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã vận động sự ủng hộ của mọi người được khoảng 10 triệu đồng để hỗ trợ cho gia đình.
Trước hành động cao đẹp của các y bác sĩ, chị Thuỷ khá bất ngờ bởi vừa trước đó cũng có một bệnh nhân được bệnh viện vận động ủng hộ.
"Khi con tôi vào nhập viện, tôi thấy bệnh viện cũng đã kêu gọi cho hoàn cảnh gia đình khó khăn khác có con bị bỏng. May mắn là tới hoàn cảnh gia đình tôi, các y bác sĩ trong bệnh viện cũng đã giúp đỡ gia đình, giảm gánh nặng về kinh tế cho vợ chồng tôi", chị Thuỷ vui mừng nói.
Trường hợp của con chị Hằng được bảo hiểm y tế chi trả khoảng 24 triệu đồng, gia đình phải đóng 6 triệu đồng. (Ảnh: NVCC) |
Về chi phí điều trị, bé Hà Thị Hằng hết khoảng 30 triệu đồng và được bảo hiểm y tế chi trả 24 triệu đồng, gia đình chi trả 6 triệu đồng. Cầm tờ phiếu thanh toán trong tay, chị thầm cảm thấy may mắn khi cho con tham gia bảo hiểm y tế học sinh sinh viên. Nếu không, với khoản tiền lớn như trên, chị không biết xoay sở ra sao.
"Số tiền 6 triệu đồng trên là lớn với gia đình chúng tôi, vợ chồng tôi vẫn phải đi vay người thân, họ hàng mới có", chị Thuỷ chia sẻ.
Vị phụ huynh chia sẻ, hiện nay hằng ngày chồng của chị vẫn thường đưa bé Hằng đi đi về về. Chị có mong ước con cũng như các bạn khác được ăn ở bán trú tại trường để không phải khó khăn trong việc đi lại.
"Trên địa bàn huyện không có trường bán trú nên con cũng như các bạn phải đi đi về về. Tôi mong sao trong tương lai gần sẽ có trường bán trú để các con không phải vất vả, tránh xảy ra chuyện không may khi tự đi xe đến trường", vị phụ huynh mong mỏi.
Có con cũng đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, chị Hoàng Thị Loan (Lộc Bình, Lạng Sơn) cho hay, con chị là bé Đoàn Ngọc Minh (8 tuổi) đang nằm điều trị bệnh viêm phổi tại bệnh viện được khoảng 1 tuần qua. Các dịch vụ y tế, chăm sóc ở bệnh viện rất chu đáo.
"Cháu cũng không phải sử dụng nhiều kháng sinh, sức khoẻ của cháu cũng đang dần ổn định", chị Loan nói.
Vị phụ huynh chia sẻ, con chị được làm bảo hiểm y tế tại trường, các thông tin liên quan đến thẻ đều được tích hợp trên hệ thống VssID của vợ chồng chị. Điều này rất tiện lợi, khi gia đình không phải sử dụng đến thẻ giấy như trước kia.
Khi đến bệnh viện chị chỉ cần đưa nội dung thẻ trên hệ thống cho nhân viên bệnh viện, đồng thời đặt cọc 500 nghìn đồng trước khi nhập viện.
"Việc tích hợp bảo hiểm y tế học sinh trên hệ thống VssID tạo điều kiện cho việc khám chữa cho người sử dụng thuận tiện hơn. Tôi rất tán thành nội dung này", chị Loan chia sẻ.