Tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tốt chế độ cho người tham gia bảo hiểm y tế

27/10/2023 06:00
Vương Nghị
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thống kê, thực tế có khoảng 60-70% người tham gia bảo hiểm y tế sử dụng thẻ để khám chữa bệnh, tần suất khám chữa bệnh từ 2-2,1 lần/năm.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian qua, công tác thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế đã thu được nhiều thành tựu.

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước và luôn hoàn thành chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao.

Quỹ Bảo hiểm y tế được quản lý, sử dụng hiệu quả; chất lượng dịch vụ về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được cải thiện… đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia theo quy định.

Tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm cung ứng thuốc, kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Với quan điểm luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế lên hàng đầu, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, kịp thời triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế.

Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tăng cường phối hợp với ngành Y tế tập trung khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế; xử lý các vấn đề vướng mắc, đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng quy định.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng ban hành nhiều văn bản quán triệt, chỉ đạo bảo hiểm xã hội các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế kịp thời hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn

Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn

Tại nhiều tỉnh, cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện mua bổ sung thuốc bằng các hình thức đấu thầu khác như: chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, mua bổ sung 20%, điều tiết thuốc, tổ chức đấu thầu bổ sung các mặt hàng trượt thầu….

Do đó đã cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thành lập các Đoàn Công tác do Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn làm việc với 63 bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trong đó có nội dung tháo gỡ vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thực hiện chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh đã thực hiện quyết toán hằng quý để chuyển tiền thanh toán và tạm ứng kinh phí quý sau, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh hoạt động.

Trong năm 2023, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thanh toán toàn bộ số tiền Thủ tướng đã phê duyệt cho các cơ sở khám chữa bệnh và quyết toán số chi vượt dự toán trong các năm 2018, 2019, 2020 vào quyết toán tài chính năm 2022 với tổng số tiền là 1.977 tỷ đồng.

Quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có Danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế và các nước trong khu vực ASEAN.

Theo quy định, Danh mục thuốc bảo hiểm y tế sử dụng tại Việt Nam có 1.037 thuốc hóa dược, sinh phẩm, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; 229 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, 349 vị thuốc y học cổ truyền.

Việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại.

Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu bảo hiểm y tế và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng Danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn sử dụng thuốc cho phù hợp.

Về cơ bản, hiện tại Danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đã bao phủ đầy đủ tại các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa, chuyên khoa, các hạng bệnh viện và các chuyên ngành, các lĩnh vực điều trị.

Nhằm đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, hiện Bộ Y tế đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế chú trọng việc mở rộng Danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được chăm sóc tốt hơn nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ.

Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm y tế cũng ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ chất lượng dịch vụ. Thủ tục trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng cải cách, đơn giản, tiết kiệm thời gian cho người tham gia. Đặc biệt, việc cải cách như: sử dụng thẻ căn cước công dân, hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thay cho thẻ giấy; ứng dụng sinh trắc học tại cơ sở khám chữa bệnh… đã và đang được người dân, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hưởng ứng, đánh giá cao.

Với những tiện ích, lợi ích được hưởng từ chính sách bảo hiểm y tế, hầu hết người dân đều tích cực, chủ động tham gia bảo hiểm y tế.

Do đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau luôn cao hơn năm trước, tăng từ 91,01% dân số (năm 2021) lên 92,04% (năm 2022) và 92,4% (9 tháng đầu năm 2023).

Theo thống kê, thực tế có khoảng 60-70% người tham gia bảo hiểm y tế sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh; tần suất khám chữa bệnh của người dân từ 2-2,1 lần/năm.

Theo đó, số người hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm y tế ngày càng tăng. Tính hết tháng 9/2023, cả nước đã có 127.475.188 lượt người đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022; số tiền quỹ bảo hiểm y tế thanh toán là hơn 88,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Với tinh thần sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đồng hành chặt chẽ cùng ngành Y tế, nhất là trong việc xây dựng, sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện… để đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và khả năng cân đối, phát triển bền vững của quỹ bảo hiểm y tế.

Vương Nghị